'Tầm cao trí tuệ và trách nhiệm của Đảng đối với đất nước, dân tộc'
'Những quyết sách của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng thể hiện tầm cao trí tuệ và trách nhiệm của Đảng đối với đất nước, dân tộc' - đó là khẳng định của Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Phóng viên (PV): Kính thưa Đại tướng, từ khi đế quốc Mỹ tiến hành xâm lược Việt Nam (năm 1954) đến khi Hiệp định Paris được ký kết (tháng 1-1973), Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá tương quan lực lượng và có chủ trương, quyết sách như thế nào?
Đại tướng Phạm Văn Trà: Việc nhận định, đánh giá đúng tình hình để có quyết sách đúng đắn là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của chiến tranh. Ngay từ khi Hiệp định Geneva chưa được ký kết, tại Hội nghị lần thứ sáu (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (từ ngày 15 đến 17-7-1954), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào”.
Khi đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai, thực hiện chính sách xâm lược kiểu mới ở miền Nam Việt Nam, Đảng ta khẳng định: Mỹ và tay sai có quân đông nhưng không có cơ sở chính trị sâu rộng và vững chắc, tuy quân sự của Mỹ và tay sai còn mạnh nhưng chính trị lại rất yếu, mà yếu nhất là ở nông thôn. Từ nhận định này, Đảng xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Với chủ trương đúng đắn đó, cuộc đồng khởi từ Bến Tre đã lan rộng toàn miền Nam và giành nhiều thắng lợi, đưa cách mạng miền Nam vượt qua thử thách, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển hướng sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam; sử dụng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc nước ta. Tư tưởng “sợ Mỹ” khiến nhiều người thiếu lòng tin vào thắng lợi. Câu hỏi lúc này là: “Ta có dám đánh Mỹ không? Có thể thắng Mỹ không và thắng Mỹ bằng cách nào?”…
Nghiên cứu kỹ tình hình, Đảng ta đánh giá: Mỹ là một đội quân mạnh, nhưng vào miền Nam không phải trong thế mạnh mà trong thế yếu, thế bị động. Chỗ yếu cơ bản nhất của Mỹ vẫn là về chính trị. Tháng 12-1965, Trung ương Đảng hạ quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Từ những trận đầu thắng Mỹ, như: Núi Thành, Vạn Tường, Bàu Bàng, Đất Cuốc, Plei Me..., quân, dân miền Nam tiến lên đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của địch; tiếp đến là thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 và đập tan nỗ lực cuối cùng của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972… Đó là những minh chứng sống động về sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tướng Phạm Văn Trà.
PV: Tiến trình thắng lợi mùa Xuân 1975 đã được đẩy nhanh từ hai năm xuống một năm, rồi trước mùa mưa và cuối cùng là trong tháng 4. Đại tướng có thể cho biết về sự thay đổi này?
Đại tướng Phạm Văn Trà: Sau Hiệp định Paris, quân Mỹ và chư hầu phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, so sánh lực lượng giữa ta và địch có sự thay đổi lớn. Vấn đề đặt ra lúc này là liệu quân ngụy có thể thay thế quân Mỹ và liệu Mỹ có khả năng can thiệp trở lại không? Với chiến thắng Thượng Đức (tháng 8-1974), Đảng ta khẳng định chủ lực ta hơn hẳn chủ lực ngụy. Đến Chiến thắng Phước Long (tháng 1-1975), Đảng ta kết luận quân Mỹ không quay trở lại. Đặc biệt, với việc nhận định tình hình sắc sảo, chỉ đạo tổ chức chặt chẽ, khoa học, Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo quân dân ta tiến hành thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên, làm rúng động cả đồng bằng và đô thị, làm suy sụp tinh thần ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn. Nắm bắt được thời cơ lớn, Đảng chỉ thị nhanh chóng đánh chiếm Huế, Đà Nẵng, qua đó tạo thời cơ và thế trận hoàn toàn thuận lợi để đi đến đòn quyết định.
Trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, để tạo được thế áp đảo đánh địch trên thế mạnh, đẩy nhanh tiến trình giải phóng miền Nam, ngoài việc chỉ đạo tập trung lực lượng, Đảng chủ trương kết hợp tổng công kích về quân sự với nổi dậy của quần chúng. Trong đó, tiến công quân sự đi trước một bước, giữ vai trò quyết định. Với phương pháp đúng đắn, vận dụng nghệ thuật quân sự linh hoạt, sáng tạo, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nhanh chóng giành được thắng lợi hoàn toàn trong vòng chưa đầy hai tháng với Chiến dịch Tây Nguyên là đòn mở đầu (ngày 4-3-1975) và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ngày 30-4-1975).
PV: Thưa Đại tướng, trong chỉ đạo chiến lược, Đảng ta đã giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ cách mạng của miền Bắc và miền Nam như thế nào nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để đánh bại kẻ thù?
Đại tướng Phạm Văn Trà: Một trong những đặc điểm lớn nhất, bao trùm suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là đất nước chia làm hai miền: Miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Tuy mỗi miền thực hiện một nhiệm vụ chiến lược, nhưng cách mạng hai miền có mối quan hệ hữu cơ gắn bó chặt chẽ với nhau, thúc đẩy lẫn nhau cùng thực hiện một mục tiêu chung. Khẩu hiệu của quân, dân cả nước lúc này là “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước là đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Nhân dân hai miền đều chung một kẻ thù, một mục tiêu; sự nghiệp cách mạng vẫn do một đảng lãnh đạo.
Trong bối cảnh đất nước chia làm hai miền, nếu không giải quyết tốt mối quan hệ này, khó có thể tạo sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Tại Hội nghị lần thứ bảy (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (từ ngày 3 đến 12-3-1955), nhiệm vụ của hai miền được xác định cụ thể: Miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nghị quyết Đại hội III của Đảng (tháng 9-1960) khẳng định: Tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà…
Thực tiễn đã chứng minh, sự gắn bó của cách mạng hai miền đã tạo sức mạnh vô địch trên cả nước. Cùng với đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam, Mỹ đã tăng cường đánh phá miền Bắc nhằm hủy diệt, bóp nghẹt miền Bắc, cô lập miền Nam. Thế nhưng chúng đã bị giáng những đòn rất đau và không thể ngăn cản nổi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Còn nhân dân miền Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục, đã thể hiện vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đây cũng là một trong những thành công trong chỉ đạo chiến lược của Đảng ta.
PV: Phát huy sức mạnh dân tộc và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế được Đảng ta chỉ đạo tiến hành như thế nào, thưa Đại tướng?
Đại tướng Phạm Văn Trà: Chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong bối cảnh quốc tế phức tạp, vừa có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, nhất là sự bất hòa, thậm chí có cả khuynh hướng thỏa hiệp. Kẻ thù của chúng ta là một đế quốc đứng đầu thế giới, chúng âm mưu xâm chiếm miền Nam Việt Nam, đồng thời chia rẽ Bắc-Nam, chia rẽ phe xã hội chủ nghĩa. Cuộc đọ sức giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ xâm lược trở thành cuộc đọ sức điển hình và vô cùng quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng. Đảng ta độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối kháng chiến của mình. Nhưng để đánh bại quân xâm lược giàu tiềm lực và sức mạnh cả về kinh tế, quân sự như Mỹ, trong khi sức ta có hạn thì phải kết hợp được cả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Đảng lãnh đạo phát huy tối đa nội lực của dân tộc, mặt khác phải thực hiện đường lối đối ngoại khôn khéo để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trên thế giới, nhất là Liên Xô, Trung Quốc. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chúng ta cần nắm vững phương châm dựa vào sức mình là chính, nhưng đồng thời, chúng ta hết sức tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, của các dân tộc Á, Phi, Mỹ Latin và của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tăng cường đại đoàn kết dân tộc và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ, đứng vững trước mọi thử thách của chiến tranh và các sóng gió chính trị.
Để tăng cường đoàn kết quốc tế, Đảng ta chủ trương tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, tận dụng mọi nhân tố tích cực có thể tận dụng được, hoan nghênh mọi sáng kiến vì hòa bình, kiên quyết một cách có nguyên tắc, đồng thời khôn khéo, mềm dẻo, kiên trì thuyết phục nhằm hạn chế những nhân tố tiêu cực trong quan hệ quốc tế. Độc lập, tự chủ gắn liền với sự sáng tạo trong việc định ra và chỉ đạo thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng ta, đó cũng là nguồn gốc sức mạnh của cách mạng Việt Nam.
Không chỉ trong kháng chiến, sau khi thống nhất đất nước, chúng ta đứng trước muôn vàn khó khăn. Đảng ta đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, lãnh đạo đưa đất nước ta từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thực hiện đường lối đổi mới, đưa đất nước phát triển toàn diện, vững chắc. Đúng như Đảng ta đã khẳng định, chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay...
PV: Trân trọng cảm ơn Đại tướng!