Tài xế, shipper sốc nhiệt vì nắng - mưa thất thường ở TP.HCM, Hà Nội

Nắng nóng oi bức, kèm theo những cơn mưa bất chợt khiến tài xế công nghệ mệt mỏi, thậm chí sốc nhiệt khi liên tục làm việc ngoài trời.

 Tài xế mệt mỏi giữa nắng nóng tại TP.HCM.

Tài xế mệt mỏi giữa nắng nóng tại TP.HCM.

5h30, anh Ngô Quang Quí (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) khởi động xe, bật ứng dụng và bắt đầu một ngày làm việc. Dù mới sáng sớm, không khí đã bắt đầu oi bức.

Thời gian gần đây, những cơn mưa xuất hiện thường xuyên. Mỗi trận chỉ kèo dài vài chục phút, ngay sau đó là nắng gắt đến khó thở. Sức khỏe của anh Quí cũng vì vậy mà ảnh hưởng thấy rõ.

"Trời mưa xong lại nắng to, người đang ướt lại bị hầm hơi lên, mệt kinh khủng. Thà nắng luôn hay mưa luôn thì còn chịu được", tài xế công nghệ chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Không riêng anh Quí, nhiều shipper, tài xế công nghệ ở TP.HCM và Hà Nội cũng trải qua nhiều khó khăn hơn giữa mùa nắng nóng. Từ đầu tháng 5, nhiệt độ ở hai đô thị lớn đã thường xuyên ở mức cao, có khi lên trên 40 độ C. Bên cạnh đó, những cơn mưa lớn đan xen gây ra cảm giác khó chịu hơn.

Để ứng phó với thời tiết gay gắt, nhiều tài xế tìm cách chống nóng bằng trang bị cá nhân, mang theo nước uống. Trong khi đó, một số người chọn né khung giờ cao điểm trưa, cân đối thời gian làm việc.

Vật vã vì nắng mưa thất thường

Mỗi ngày, anh Quí bắt đầu công việc từ sáng sớm đến khoảng 11h30, chiều từ 13h đến 20h. Buổi sáng và chiều tối, anh ưu tiên nhận các cuốc xe chở khách, sau đó mới chuyển sang giao đồ ăn. Lượng đơn hàng ăn trưa không quá dồn dập giúp anh có thời gian nghỉ ngơi và ăn uống.

Song, những cơn mưa bất chợt xuất hiện vào giữa trưa khiến việc giao thức ăn trở nên rủi ro hơn.

"Dù đơn bao nhiêu tiền thì tôi chỉ nhận được 11.000-13.000 đồng và đa số khách trả tiền mặt. Hôm qua tôi nhận đơn trị giá hơn 1 triệu đồng mà chạy cứ hồi hộp mãi. Mưa tới là tôi che đồ ăn trước, thà để mình ướt còn hơn để hàng hư", anh kể.

Không ít lần, mưa rơi đúng lúc cao điểm khiến anh buộc phải tấp vào mái hiên trú. Tại một số khu như Tăng Nhơn Phú, nước ngập khiến xe không thể di chuyển, đơn giao trễ, thu nhập vì vậy mà giảm khoảng 10-15%.

 Trời chuyển mưa - nắng đột ngột khiến anh Đức sốc nhiệt.

Trời chuyển mưa - nắng đột ngột khiến anh Đức sốc nhiệt.

Khoảng 10h sáng ở trung tâm quận 1, anh Văn Đức (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) dừng xe bên vỉa hè một tòa nhà văn phòng. Cơn mưa rào vừa quét qua khiến chiếc áo mưa trên người anh còn nhỏ nước. Khi anh cởi áo mưa ra, phần vai và lưng áo bên trong đã sẫm màu vì thấm mồ hôi.

Gần một năm làm tài xế công nghệ, anh Đức vẫn chưa quen với kiểu thời tiết nắng mưa đột ngột của TP.HCM, đặc biệt trong những tháng chuyển mùa.

"Sáng rời nhà trời còn mát nhưng đến giữa buổi thì tôi phải chạy đơn dưới mưa, sau đó là nắng hắt thẳng xuống mặt đường", anh nói.

Trong một buổi sáng, anh cố gắng hoàn thành khoảng 5-7 đơn để đủ tiền ăn trưa, đổ xăng. Những hôm thuận lợi, số đơn có thể lên đến 9-10.

Song, thời tiết thay đổi thất thường khiến cơ thể không kịp thích nghi, buộc anh phải ngắt quãng công việc để tránh kiệt sức. "Có hôm tôi chỉ chạy được 5 đơn rồi phải tấp vào nghỉ vì người mệt quá. Mưa xong rồi nắng, nước mưa trộn với mồ hôi làm cơ thể dễ bị sốc nhiệt", anh kể.

Với những đơn giao giấy tờ hoặc hàng dễ hỏng, áp lực càng lớn khi di chuyển dưới mưa. Anh cho biết bản thân luôn mang theo túi nylon dự phòng, khăn khô và nước uống nhưng vẫn thấy "hồi hộp" vì thời tiết gần đây thay đổi thất thường.

 Các tài xế chọn bóng mát để nghỉ ngơi trong lúc chờ đơn hàng tại TP.HCM.

Các tài xế chọn bóng mát để nghỉ ngơi trong lúc chờ đơn hàng tại TP.HCM.

Né giao cơm trưa để "trốn nóng"

Khoảng 13h, Nguyễn Hoàng Vũ (21 tuổi, sinh viên) dựng xe dưới bóng cây trên vỉa hè đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để đợi cuốc xe tiếp theo.

Buổi sáng phải đi học nên Vũ bắt đầu chạy xe từ trưa đến chiều tối. Nam sinh viên cho biết từ những ngày đầu tháng 5, khi nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 40 độ C, anh cảm nhận được cái nóng "rát da" khi đi chở khách, giao hàng.

 Vì nắng nóng, Hoàng Vũ không giao cơm giờ trưa mà chỉ chở khách để tránh phải chờ đợi lâu.

Vì nắng nóng, Hoàng Vũ không giao cơm giờ trưa mà chỉ chở khách để tránh phải chờ đợi lâu.

"Buổi trưa nắng nóng nên mình không giao đồ ăn mà chỉ chở khách. Bởi giờ cao điểm, giao đồ ăn phải chờ quán làm rất lâu, lại thường xuyên ghép đơn nên khá mệt mỏi", anh nói.

Vì đặc thù công việc, Vũ cho biết không có cách nào để thực sự "trốn nóng". Những lúc nắng to, không có đơn hàng nào, anh có thể ngồi trà đá để nghỉ ngơi một chút.

Đã có vài năm chạy giao hàng, chị Kim Cúc (36 tuổi) đã chấp nhận cảnh oi bức mỗi mùa hè. Mỗi ngày thường làm việc từ 10h đến 18h, khung giờ nhiệt độ cao nhất, nên chị luôn mang theo chai nước lọc, kính râm và khẩu trang dày để chống nóng.

Trưa một ngày trong tuần, sau khi giao được 2-3 đơn giấy tờ, chị Cúc dừng xe gần khu vực ga metro Đại học Quốc gia nghỉ lấy sức. Chị cởi tạm chiếc áo khoác gió bên ngoài để bớt bí bách, để lộ chiếc áo phông bên trong đã ướt đẫm mồ hôi từ vai xuống lưng.

 Chị Cúc trang bị đầy đủ kính mát, khẩu trang dày và nước uống khi làm việc vào những ngày nắng nóng.

Chị Cúc trang bị đầy đủ kính mát, khẩu trang dày và nước uống khi làm việc vào những ngày nắng nóng.

"Nóng lắm, chạy xe giữa trưa như vậy cũng mệt và có lúc hụt hơi, gần như sốc nhiệt. Nhưng quen rồi nên tôi không bị say nắng. Lúc nào mệt quá thì tìm bóng mát nghỉ ngơi. Tôi cũng luôn mang nước lọc để uống liên tục", chị Cúc nói, chỉ vào chai nước kẹp trước xe đã gần cạn.

Theo các chuyên gia, khi nhiệt độ tăng cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người làm việc liên tục ngoài trời như người giao hàng, công nhân xây dựng, lao động tự do...

Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho biết sự thay đổi thời tiết cực đoan, đặc biệt là nhiệt độ tăng cao đột ngột, có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cơ thể.

"Khi nhiệt độ lên cao, cơ thể dễ bị mất nước và điện giải do tăng tiết mồ hôi. Đối với những người chưa kịp thích nghi với sự thay đổi này, dễ mắc bệnh", bác sĩ Vũ nói.

Trước thời tiết nắng nóng, bác sĩ Vũ cho rằng điều quan trọng là phải đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể.

Thêm nữa, người lao động ngoài trời cần được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động phù hợp như quần áo chống nắng, mũ nón để giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, tận dụng khoảng nghỉ để tìm bóng mát.

Đào Phương - Đức An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tai-xe-shipper-soc-nhiet-vi-nang-mua-that-thuong-o-tphcm-ha-noi-post1554427.html
Zalo