Dạy con trong thời đại công nghệ: Đừng chỉ giới hạn, hãy đồng hành
Mỗi phụ huynh cần nhìn lại cách đồng hành cùng con, không phải để kiểm soát, mà để dẫn dắt và tạo nên những 'người trẻ số' bản lĩnh, biết sử dụng công nghệ một cách thông minh và nhân văn.
Làm bạn với công nghệ để làm bạn với con
Nhiều phụ huynh khi thấy con “dính” điện thoại liền phản ứng bằng cách cấm đoán, tịch thu hay quát mắng. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Công nghệ không xấu, cái xấu là việc trẻ bị bỏ mặc với nó, không được hướng dẫn để hiểu và sử dụng đúng cách. Điều cha mẹ cần làm không phải là loại bỏ, mà là học cách cùng con quản lý công nghệ.

Công nghệ không xấu, chính vì vậy, cha mẹ hãy giúp con sử dụng đúng cách, đúng mục đích. Ảnh minh họa
Muốn vậy, hãy bắt đầu bằng việc hiểu con đang dùng công nghệ để làm gì: học tập, giải trí, kết nối bạn bè hay đơn giản là để giải tỏa cảm xúc? Hãy cùng con thỏa thuận các giới hạn rõ ràng: thời gian sử dụng, không gian sử dụng (không dùng điện thoại trong giờ ăn, trước khi ngủ...), đồng thời giúp con tiếp cận những nền tảng tích cực như các ứng dụng học ngoại ngữ, video khoa học, khóa học lập trình, đọc sách online...
Đồng thời, cha mẹ phải là người làm gương. Nếu suốt ngày cha mẹ cúi đầu vào màn hình mà lại bắt con “hạn chế dùng điện thoại” thì thật thiếu thuyết phục.
Trẻ học nhanh nhất qua hành động, vì thế, hãy cho con thấy rằng người lớn cũng biết tiết chế, cũng biết ưu tiên cho cuộc sống thật.
Trang bị "miễn dịch" số: Tạo ra đứa trẻ bản lĩnh, không chỉ giỏi công nghệ mà còn giỏi làm người
Không ai có thể bảo vệ con mãi mãi trước những rủi ro trong thế giới ảo. Vì vậy, mục tiêu dài hạn của cha mẹ không nên là kiểm soát, mà là giúp con có khả năng tự “miễn dịch” với công nghệ: biết sàng lọc thông tin, nhận diện nội dung độc hại, biết dừng lại khi bị cuốn vào game hay mạng xã hội, biết bảo vệ danh tính và cảm xúc của bản thân.
Đó không thể là bài học một lần. Đó là quá trình được nuôi dưỡng bằng trò chuyện, sự lắng nghe và niềm tin. Hãy hỏi con: “Hôm nay con xem gì trên YouTube?”, “Con thấy video đó đúng không?”, “Nếu là con, con sẽ làm gì?”.
Khi cha mẹ hỏi để hiểu chứ không phải để phán xét, con sẽ bắt đầu chia sẻ, và từ đó, bạn mới thật sự dạy được.

Nếu cha mẹ có sự đồng hành cùng con, con cái không chỉ ngày càng phát triển mà tình cảm với cha mẹ cũng ngày càng gắn kết. Ảnh minh họa
Và cuối cùng, hãy nhớ rằng: công nghệ có thể thay đổi mọi thứ, nhưng chưa bao giờ thay thế được vai trò của cha mẹ trong việc dạy con làm người. Bên trong mỗi đứa trẻ mê màn hình là một tâm hồn đang khao khát được kết nối, không phải với thiết bị, mà là với cha mẹ của mình.
Trong thế giới số, nuôi dạy một đứa trẻ không đơn thuần là dạy đúng – sai, mà là dạy cách cân bằng. Không phải cách “thoát ly” công nghệ, mà là biết sống cùng công nghệ một cách có trách nhiệm. Và không phải tạo ra những đứa trẻ ngoan ngoãn trong kiểm soát, mà là những người trẻ bản lĩnh, tử tế và luôn biết đâu mới là điều thật sự quan trọng.