Tại sao socola ngày càng trở thành mặt hàng đắt đỏ?
Giá cacao – nguyên liệu chính để sản xuất socola – đã tăng gần 300%. Mức tăng giá phi mã này đã khiến các sản phẩm socola trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết, từ những thanh kẹo ngọt ngào cho đến những quả trứng Phục sinh đặc trưng của mùa lễ hội.

Các loại socola được bày bán tại cửa hàng ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang Al Jazeera, tại Mỹ, giá bán lẻ socola đã tăng hơn 20% vào dịp lễ Tình nhân 2025, theo số liệu từ Ngân hàng Wells Fargo. Một ví dụ rõ ràng là thanh Reese’s Hearts cỡ lớn – một món quà phổ biến vào dịp này – đã có giá bán cao hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Anh, tình hình cũng không khả quan hơn. Một quả trứng Phục sinh Twix trắng được bán trong siêu thị Tesco đã tăng giá từ 5 lên 6 bảng Anh, đồng thời trọng lượng bị giảm từ 316g xuống còn 258g – tức là người tiêu dùng đang phải trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm nhỏ hơn, với mức tăng giá tính theo trọng lượng lên tới 47%.
Ngay cả khi giá cacao trên sàn giao dịch New York đã giảm khoảng 20% so với đỉnh điểm hồi tháng 12/2024, người tiêu dùng vẫn đang gánh mức giá kỷ lục cho các sản phẩm từ socola. Vậy lý do đằng sau những con số khổng lồ này là gì?
Biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan: Cơn ác mộng của ngành cacao
Nguyên nhân cốt lõi khiến giá cacao tăng chóng mặt là tình trạng thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt tại Tây Phi – nơi sản xuất hơn 70% sản lượng cacao toàn cầu.
Theo nhà phân tích Amber Sawyer thuộc tổ chức Energy and Climate Intelligence Unit (ECIU), điều này không nằm ngoài dự đoán. Bà cho biết: “Socola là một trong nhiều loại thực phẩm đang trở nên đắt đỏ hơn vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những điều kiện khắc nghiệt này sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.
Năm 2023, khu vực này ghi nhận lượng mưa gấp đôi mức trung bình 30 năm ở nhiều nơi. Đến năm 2024, nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng lại tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng. Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng El Nino – khiến nhiệt độ đại dương tại Thái Bình Dương tăng cao – là nguyên nhân chính tạo ra các kiểu thời tiết bất ổn này.
Hệ quả là, mùa thu hoạch năm 2024 chứng kiến tình trạng thiếu hụt tới 500.000 tấn cacao – mức thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ghana và Cote d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) – hai quốc gia sản xuất cacao lớn nhất thế giới – đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cây trồng và điều kiện canh tác ngày càng khắc nghiệt. Các nước như Nigeria và Indonesia, vốn là những nhà sản xuất lớn thứ ba và tư, cũng không nằm ngoài làn sóng thiệt hại.
Tác động từ chính sách và bệnh dịch

Nông dân phơi hạt ca cao tại làng Bringakro, Côte d'Ivoire. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoài khí hậu, một loạt yếu tố khác cũng góp phần đẩy giá cacao tăng vọt. Luật chống phá rừng mới tại Tây Phi đã hạn chế mở rộng đồn điền, khiến sản lượng không thể tăng thêm để bù đắp thiếu hụt.
Tây Phi cũng đang vật lộn với nguồn cây già cỗi. Ông Pohlmann Gonzaga, nhà giao dịch hàng hóa tại Thụy Sĩ, nói: “Nhiều cây cacao đã quá già cỗi nhưng không được thay thế do thiếu đầu tư, dẫn tới năng suất giảm mạnh”.
Ngoài ra, bệnh virus sưng chồi cacao (CSSV) cũng đang lan rộng, đặc biệt tại Cote d’Ivoire – nơi các chuyên gia dự đoán sản lượng có thể giảm một nửa nếu không kiểm soát được dịch bệnh.
Tình trạng khai thác vàng bất hợp pháp cũng khiến nhiều nông dân tại Ghana từ bỏ trồng cacao để chạy theo lợi nhuận nhanh chóng từ vàng. Việc này không chỉ phá hoại đất đai canh tác mà còn làm suy giảm sản lượng cacao đáng kể tại quốc gia xuất khẩu vàng hàng đầu châu Phi.
Giá cacao sẽ tiếp tục tăng?
Hiện tại, giá cacao đã hạ nhiệt so với mức đỉnh, dao động quanh mức 8.350 USD/tấn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng mối đe dọa từ khí hậu và bất ổn trong sản xuất vẫn còn hiện hữu.
Ông Carsten Fritsch, nhà phân tích của Commerzbank, nhận định vụ thu hoạch hiện tại có dấu hiệu khởi sắc, song thời tiết khô hạn vẫn có thể tạo ra một mùa thu hoạch kém trong năm nay.
Ông Gonzaga cũng đồng tình, cho rằng biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm nỗi lo về nguồn cung trong dài hạn. Ngoài ra, ông cũng nhận định thuế quan đã tác động đến giá trị của các loại hàng hóa và cacao cũng không ngoại lệ.
“Ban đầu, có thể các mức thuế quan sẽ làm giảm nhu cầu về cacao tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ socola lớn nhất thế giới”, ông nói. “Tuy nhiên, điều thú vị là mặc dù Mỹ tiêu thụ socola nhiều nhất, Thụy Sĩ lại là quốc gia có mức tiêu thụ bình quân đầu người cao nhất. Nếu mức tiêu thụ socola tại Mỹ tiếp tục tăng, điều này có thể thúc đẩy giá cacao tăng lên”.
Theo ông, không loại trừ khả năng Tổng thống Donald Trump có thể giảm thuế đối với các nhà xuất khẩu cacao từ Tây Phi, điều này sẽ làm tăng nhu cầu và tiếp tục đẩy giá lên.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ socola đang tăng nhanh tại các thị trường mới nổi như Đông Á, giống như xu hướng từng thấy với cà phê, càng gây sức ép lên giá.
Ông dự đoán giá cacao trong thời gian tới có thể sẽ dao động mạnh nhưng không ổn định – “biến động” sẽ là từ khóa của năm nay
Phản ứng của các nhà sản xuất socola

Hạt cacao tại khu vực Morales, Bolivar (Colombia). Ảnh: AFP/TTXVN
Trước áp lực chi phí, các nhà sản xuất socola đang chọn hai hướng đi chính: hoặc tăng giá bán lẻ, hoặc thay đổi công thức và trọng lượng sản phẩm.
Nestlé đã tung ra phiên bản Aero mới có hương hạt phỉ, với trọng lượng nhẹ hơn đáng kể so với các thanh socola tiêu chuẩn. Trong khi đó, Cargill – tập đoàn nông sản khổng lồ – đã hợp tác với công ty khởi nghiệp Voyage Foods để phân phối loại socola không chứa cacao, được làm từ các nguyên liệu thay thế như hạt nho và bột hướng dương.
Các công ty khởi nghiệp khác - như Nukoko và Planet A - tập trung vào công nghệ lên men vi sinh nhằm mô phỏng hương vị socola truyền thống. Một ví dụ nổi bật khác là thương hiệu Dubai Chocolate, ra mắt từ năm 2022, đã thu hút sự chú ý nhờ sản phẩm sáng tạo lấy cảm hứng từ ẩm thực Trung Đông, như socola hạt dẻ cười với tahini.
Nếu giá cacao tiếp tục tăng, giới chuyên gia cho rằng thị trường sẽ ngày càng chứng kiến nhiều lựa chọn thay thế socola truyền thống. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu người tiêu dùng có sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi này trong hương vị truyền thống yêu thích hay không?