Tại sao Nga quyết định ngừng bán khí đốt cho Moldova từ ngày 1/1?
Gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom cho biết vào cuối tuần trước rằng họ sẽ tạm dừng xuất khẩu khí đốt sang Moldova từ ngày 1/1, do Moldova chưa trả được nợ.
Công ty này cho biết họ có quyền thực hiện bất kỳ hành động nào, bao gồm cả việc chấm dứt hợp đồng cung cấp với Moldova.
Nga cung cấp cho Moldova khoảng 2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, được vận chuyển qua Ukraine đến vùng ly khai Transdniestria, nơi khí đốt được sử dụng để tạo ra điện giá rẻ và bán cho các khu vực do Chính phủ kiểm soát tại Moldova.
Thủ tướng Moldova Dorin Recean lên án quyết định của Nga, đây là động thái báo trước việc ngừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga qua Ukraine và sang châu Âu, nơi khí đốt sẽ tiếp tục chảy đến Slovakia, Áo, Hungary và Ý, sau khi thỏa thuận trung chuyển hiện tại với Ukraine hết hạn vào ngày 31/12.
Moldova sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh đóng cửa này.
"Quyết định này một lần nữa khẳng định ý định của Điện Kremlin là để người dân vùng Transdniestrian sống trong cảnh không có ánh sáng và hơi ấm vào giữa mùa đông", ông Recean viết trên Facebook, cáo buộc Nga sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị.
Mátxcơva đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc đó.
Khoảng cách về nợ
Nga - nước chỉ trích chính quyền trung ương thiên về phương Tây của Moldova, đã nói rằng Moldova nên trả nợ cho các nguồn cung cấp trước đây. Theo tính toán của Nga, khoản nợ là 709 triệu đô la. Nhưng Moldova chỉ công nhận khoản nợ là 8,6 triệu đô la.
Trước đây, Gazprom đã tuyên bố họ muốn Moldova trả hết nợ trước khi bắt đầu bơm khí đốt vào nước này thông qua các tuyến đường thay thế.
Transdniestria và chính quyền tại Chisinau đã nhất trí vào năm 2022 rằng toàn bộ khí đốt của Nga mà Moldova nhận được sẽ chảy đến khu vực ly khai này - nơi theo truyền thống không phải trả tiền mua nhiên liệu.
Nếu không có nguồn cung cấp khí đốt, nhà máy phát điện ở Transdniestria có thể ngừng hoạt động và Moldova và Transdniestria sẽ phải đối mặt với tình trạng mất điện kéo dài nhiều giờ tương tự như những gì Ukraine đã trải qua do các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này trong cuộc xung đột giữa hai nước.
Chính quyền Transdniestria đã thông báo với các doanh nghiệp rằng từ ngày 28/12, nguồn cung cấp khí đốt sẽ bắt đầu bị cắt đối với các tổ chức thương mại không được coi là quan trọng.
Tuy nhiên, chính quyền cho biết nguồn cung cấp khí đốt, hệ thống sưởi ấm và nước nóng cho các hộ gia đình sẽ vẫn tiếp tục như bình thường cho đến ngày 1/1.
Ông Recean cho biết Moldova đã đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt "để giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất".
"Đất nước chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phát sinh sau quyết định của Điện Kremlin", ông nói thêm.
Dân số 2,5 triệu người của Moldova đã chuẩn bị cho tình trạng cắt điện kéo dài kể từ khi Chính phủ Ukraine tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng vận chuyển với Gazprom.
Moldova và Transdniestria đều đã ban bố tình trạng khẩn cấp do mối đe dọa gián đoạn nguồn cung khí đốt, và Moldova cho biết ngày 27/12 rằng họ sẽ hạn chế xuất khẩu điện và đưa ra các biện pháp nhằm giảm mức tiêu thụ ít nhất 1/3 kể từ ngày 1/1.
Tổng thống Moldova Maia Sandu đã cáo buộc Gazprom gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng khi từ chối cung cấp khí đốt thông qua một tuyến đường thay thế.