Tại sao Haiti thường phải hứng chịu những trận động đất có sức tàn phá khủng khiếp?
Trong khi lực lượng cứu hộ vẫn đang triển khai tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất hôm 14/8, các chuyên gia đã giải thích lý do Haiti phải hứng chịu các trận động đất kinh hoàng trong nhiều thế kỷ và tại sao chúng thường có sức tàn phá khủng khiếp như vậy.
Theo hãng tin AP (Mỹ), hôm 14/8, trận động đất kinh hoàng đã xảy ra ở Haiti khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Sự hủy diệt xảy ra chỉ 11 năm sau khi trận động đất kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người ở quốc gia vùng Caribe. Khoảng 100.000 tòa nhà đã bị phá hủy trong trận động đất năm 2010.
Lý do Haiti phải hứng chịu nhiều trận động đất
Vỏ Trái Đất được tạo thành từ các mảng kiến tạo không ngừng dịch chuyển. Haiti lại có vị trí địa lý nằm gần nơi giao nhau của mảng kiến tạo Bắc Mỹ và Caribe. Nhiều đứt gãy giữa các mảng kiến tạo này cắt qua hoặc gần đảo Hispaniola, lãnh thổ chung của Haiti với Cộng hòa Dominica. Nhưng điều tồi tệ hơn, không phải mọi đứt gãy đều hoạt động giống nhau.
Ông Rich Briggs, một nhà địa chất nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Nguy cơ Địa chất của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết: “Đảo Hispaniola nằm ở một vị trí nơi các mảng kiến tạo chuyển tiếp từ xô vào nhau sang trượt qua nhau. Vị trí này giống như một tảng đá bị mắc kẹt trong rãnh cửa trượt kính. Cánh cửa không thể dịch chuyển trơn tru bởi có quá nhiều lực khác nhau tác động vào nó”.
Theo USGS, trận động đất mạnh 7,2 độ hôm 14/8 nhiều khả năng xảy ra dọc đứt gãy Enriquillo-Plantain Garden, cắt ngang bán đảo Tiburon ở phía tây nam của Haiti. Đây cũng chính là vùng đứt gãy gây ra trận động đất kinh hoàng năm 2010. Các chuyên gia nhận định có khả năng đó cũng là nguồn gốc của 3 trận động đất lớn khác ở Haiti từ năm 1751 đến năm 1860, hai trong số đó đã gây ra hậu quả nặng nề ở thủ đô Port-au-Prince.
Gavin Hayes, cố vấn khoa học cấp cao về các hiểm họa địa chất và động đất tại USGS cho biết động đất là hệ quả khi các mảng kiến tạo từ từ di chuyển chạm vào nhau và tạo ra ma sát theo thời gian.
“Ma sát đó tích tụ, mạnh dần lên và cuối cùng gây ra áp lực lớn. Đó là khi đứt gãy dịch chuyển đột ngột khiến một trận động đất xảy ra”, ông Hayes giải thích.
Động đất ở Haiti thường có sức phá hủy khủng khiếp
Các chuyên gia giải thích rằng động đất ở Haiti thường có sức phá hủy nặng nề do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm việc đây là khu vực thường xuyên xảy ra địa chấn, có mật độ dân số cao với 11 triệu dân và các công trình thường chỉ được thiết kế để chống chọi với sóng thần thay vì động đất.
Các tòa nhà bằng bê tông và khối bê tông điển hình có thể chịu được gió mạnh nhưng lại dễ bị hư hại hoặc sụp đổ khi mặt đất rung chuyển. Kỹ thuật xây dựng kém cũng có thể dẫn đến những thiệt hại lớn.
Trận động đất năm 2010 tấn công gần thành phố Port-au-Prince đông dân cư và gây ra hậu quả nặng nề trên diện rộng. Chính phủ Haiti ước tính số người thiệt mạng là hơn 300.000 người. Trong khi đó, một báo cáo do Chính phủ Mỹ công bố cho rằng con số có thể lên tới khoảng 46.000 đến 85.000 người.
Wendy Bohon, nhà địa chất của Tổ chức Nghiên cứu Địa chấn học cho biết: “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhận ra rằng không có gì gọi là thảm họa tự nhiên. Đó là một nguy cơ tự nhiên chồng lên một hệ thống vốn đã rất dễ tổn thương”.
Dự báo thảm họa tương lai
Các nhà địa chất cho biết họ không thể dự đoán được trận động đất tiếp theo. Tuy nhiên, chuyên gia Hayes của USGS nói rằng: “Chúng tôi biết rằng những trận động đất kiểu này có thể gây ra những trận động đất có quy mô tương tự ở khu vực tiếp theo của đứt gãy. Đó là một mối nguy lớn ở những nơi chưa có các quy chuẩn xây dựng các công trình có thể chịu được rung lắc”.
Trong khi đó, việc xây dựng thêm các công trình chống động đất vẫn là một thách thức ở Haiti, quốc gia nghèo nhất ở Tây Bán cầu.
Trước trận động đất cuối tuần trước, Haiti vẫn đang trong quá tình phục hồi sau trận động đất năm 2010 cũng như cơn bão Matthew hồi năm 2016. Thiên tai kinh hoàng này xảy ra đúng thời điểm Haiti đang trải qua một cuộc bất ổn chính trị - kinh tế - xã hội trầm trọng, sau vụ ám sát cố tổng thống Jovenel Moise chỉ hơn 1 tháng trước.
Mark Schuller, giáo sư nhân chủng học của một tổ chức phi lợi nhuận tại Đại học Bắc Illinois (Mỹ) cho biết, mặc dù Haiti đã xây dựng thành công một số công trình chống động đất, nhưng quốc gia này vẫn chưa chú trọng vào điều đó.
“Haiti có nhiều kiến trúc sư giỏi và các nhà quy hoạch được đào tạo bài bản. Nhưng đó không phải vấn đề”, Schuller nói. “Vấn đề là thiếu kinh phí để phối hợp và các nhà lãnh đạo chưa chú trọng vào điều này”.
Tính đến ngày 15/8, số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh tại Haiti đã tăng lên gần 1.300 người, trong bối cảnh các nhóm cứu hộ vẫn khẩn trương tìm kiếm người sống sót dưới các đống đổ nát. Tại Les Cayes, cũng như những thành phố khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Haiti, hầu hết người dân phải qua đêm ở ngoài trời ngay trước nhà của mình, hoặc đống đổ nát từng là nhà mình, do lo sợ những đợt rung chấn mới.
Còn tại hiện trường, hàng trăm bác sĩ Cuba trong các phái đoàn y tế hỗ trợ phòng chống dịch tả và COVID-19 đã tỏa xuống các điểm nóng để thực hiện công tác cấp cứu tại chỗ, khi mà nhiều bệnh viện của Haiti tại khu vực chịu động đất đã bị hư hại hoặc quá tải.
Video: Lực lượng cứu hộ chạy đua tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát sau trận động đất (Nguồn: AP):
Đối với Haiti, khó khăn này chưa qua, thách thức khác đã tới. Ngay trong khi công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trận động đất kinh hoàng vẫn còn dang dở, đảo quốc Caribe này sắp phải đối mặt với cơn đại hồng thủy tiềm ẩn mối nguy hiểm tiềm tàng, đó là cơn bão nhiệt đới Grace vào ngày 16/8, với nguy cơ gây ngập lụt và cô lập nhiều khu vực Haiti và cản trở hơn nữa những hoạt động nhân đạo.