Nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam nên đặt ở vị trí nào?

Quá trình tìm kiếm địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam đã được triển khai từ gần 30 năm trước - khi chúng ta chính thức bắt đầu có những nghiên cứu về việc đưa điện hạt nhân vào Việt Nam.

Điều kiện để đặt nhà máy điện hạt nhân

Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, liên quan chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Việc này nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước. Trước mắt, Trung ương cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nghiên cứu vị trí đặt nhà máy điện hạt nhân rất tốn kém.

Nghiên cứu vị trí đặt nhà máy điện hạt nhân rất tốn kém.

TS Trần Chí Thành, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, sự lựa chọn đúng đắn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ bảo đảm cho nhà máy vận hành an toàn, hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm an ninh cung cấp điện năng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Trong quá trình lựa chọn địa điểm, hàng loạt các vấn đề về kinh tế - kỹ thuật; kinh tế - xã hội - môi trường được đặt ra phải giải quyết.

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải bảo đảm những đòi hỏi rất cao về mặt an toàn của nền móng công trình, an toàn với các hiện tượng tự nhiên cực đoan như: Lốc xoáy, lũ lụt, động đất, sóng thần… Địa điểm không những phải bảo đảm an toàn cho nhà máy, mà còn phải đáp ứng được tính hợp lý về kinh tế xây dựng, giảm thiểu tác động tới môi trường và được công chúng địa phương chấp thuận.

Các địa điểm có đặc tính sau đây sẽ bị loại trừ ngay: Nằm trên đứt gãy hoạt động; Gần núi lửa; Gần các thành phố, thị trấn đông dân cư; Không có đủ nước làm mát; Khu vực đất yếu, thường xảy ra lũ lụt…

Qua các số liệu, thông tin thu thập và phân tích vùng, với ưu tiên xem xét những tiêu chí như có đủ nước làm mát, mật độ dân cư thấp, gần phụ tải, không nằm gần khu vực có khả năng động đất cao…

Với bộ tiêu chí (gồm 19 tiêu chí có các trọng số khác nhau cho từng địa điểm tiềm năng), phần mềm Expert Choice (AHP) đã được sử dụng để tính toán, đánh giá và xếp hạng lựa chọn ra được 10 địa điểm có trọng số lớn hơn xếp theo thứ tự từ cao đến thấp. Đó là: 1. Xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. 2. Xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. 3. Xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. 5. Xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. 7. Xã Cống Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. 8. Xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. 9. Xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. 10. Xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo TS Trần Chí Thành, quá trình tìm kiếm địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam đã được triển khai từ gần 30 năm trước - khi chúng ta chính thức bắt đầu có những nghiên cứu về việc đưa điện hạt nhân vào Việt Nam. Quá trình nghiên cứu tìm kiếm, phân loại, đánh giá địa điểm đã được triển khai công phu, bài bản trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và xuyên suốt thời gian dài.

Để tìm ra được 10 địa điểm tiềm năng phục vụ cho quy hoạch địa điểm xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, lựa chọn ra 2 địa điểm thích hợp nhất cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Phước Dinh và Vĩnh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận, chúng ta đã phải trải qua hơn 10 năm ròng (từ 1996 đến 2007) để thực hiện các nội dung công việc của công đoạn 1 gồm 3 pha liên tục trong Quy trình tìm kiếm, lựa chọn địa điểm.

Chọn địa điểm làm điện hạt nhân là quá trình rất tốn kém

Theo chuyên gia về năng lượng nguyên tử, TS Lê Văn Hồng, trong suốt 5 năm thực hiện (từ 2011 đến 2015), ngoài việc bổ sung, cập nhật và xử lý toàn bộ các thông tin đã có của công đoạn 1, các đối tác là liên danh tư vấn E4 - KIEP - EPT (Liên bang Nga) và JAPC đã thực hiện khoan thăm dò địa chất công trình với hàng chục lỗ khoan các loại và hàng nghìn mét khoan sâu để thu thập các mẫu đất, đá... mang về Nga, Nhật Bản phân tích, đánh giá.

Hai đối tác cũng đã xây dựng, lắp đặt các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, trạm quan trắc địa chấn để theo dõi và thu thập các thông tin cần thiết liên quan. Chi phí cho công việc này lên tới nhiều chục triệu USD.

Diện tích các địa điểm dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân là không lớn, khoảng 824 ha (tính cả diện tích vùng cách ly 500 mét từ hàng rào Nhà máy). Tuy nhiên, diện tích cần thiết nhiều hơn do phải dành khu vực đệm cho Nhà máy. Khu vực địa điểm Phước Dinh (Ninh Thuận 1) chỉ toàn là đồi cát. Do đó, việc sử dụng các địa điểm này cho năng lượng gió, mặt trời cũng chỉ mang lại hiệu quả không đáng kể.

Địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải đều thỏa mãn những điều kiện tiên quyết để xây dựng nhà máy điện hạt nhân như có địa hình thuận lợi, diện tích đủ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 4 tổ máy, công suất mỗi tổ từ 1.000 MW trở lên. Có điều kiện địa chất công trình tốt, nằm trong vùng có cường độ động đất không lớn, bảo đảm an toàn nhà máy và chi phí xây dựng thấp.

Các địa điểm đều nằm sát biển, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống nước làm mát và vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng. Các địa điểm nằm trong vùng có mật độ dân cư thấp, ít ảnh hưởng đến đất canh tác và các công trình công cộng. Được lãnh đạo và công chúng địa phương ủng hộ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại địa phương của mình.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nha-may-dien-hat-nhan-o-viet-nam-nen-dat-o-vi-tri-nao-169241127112839225.htm
Zalo