Tại sao con người có tuổi vị thành niên?
Thực tế, việc không còn yêu mến những người lớn chăm sóc mình có lẽ là một phần cần thiết của quá trình trưởng thành.
Tại sao chúng ta có tuổi vị thành niên? Và tại sao giai đoạn này kéo dài hơn ở con người so với các loài động vật khác?
Hiện nay, chúng ta biết rằng một số động vật có vú khác cũng trải qua giai đoạn vị thành niên, bao gồm khỉ, chuột lớn và chuột nhắt. Nghiên cứu tại Mỹ về khỉ macaca là một trong những công trình nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên cho thấy các tế bào thần kinh và khớp thần kinh bị cắt tỉa trong thời kỳ vị thành niên, tương tự ở người.
Những loài động vật có vú đã được nghiên cứu khác trải qua tuổi dậy thì nhanh hơn nhiều so với con người. Khỉ vàng cái chuyển từ tuổi dậy thì sang tuổi trưởng thành trong khoảng từ 18 đến 48 tháng và có nhiều đặc điểm tương đồng với con người, bao gồm cả kiểu ngủ - thức của tuổi teen, thích làm liều và dành rất nhiều thời gian đi chơi với các con khỉ khác cùng lứa.” Có khi chúng còn làm mấy trò tương tự như chửi bới bố mẹ.
Nhưng môi trường sống cũng có tác động không nhỏ. Ở những nơi các bạn tuổi teen phải đi làm sớm, các bạn có thể tự lập sớm hơn so với những bạn được bao bọc hơn. Trong lần xuất bản đầu tiên của Hiểu bộ não, lý giải ứng xử tuổi teen vào năm 2005, các nhà khoa học đề xuất 23 tuổi là độ tuổi trung bình kết thúc sự phát triển não bộ của tuổi mới lớn; bây giờ thì họ đã đổi mốc này sang cuối những năm 20 tuổi.
Cần lưu ý rằng hầu hết các nghiên cứu ghi lại hình ảnh não bộ được thực hiện trên các bạn tuổi mới lớn ở các nước giàu có hơn, vậy có khi nào các quốc gia này đang làm kéo dài sự phát triển não bộ của tuổi mới lớn không? Cũng có thể lắm chứ. Nếu vậy thì điều đó là tốt hay xấu? Bạn nghĩ sao?
Dưới đây là một số ý tưởng về lý do con người cần một thời kỳ vị thành niên tương đối dài và tại sao giai đoạn này thường là một cuộc hành trình đầy cảm xúc. Chúng không phải là những lý giải riêng biệt mà có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ví dụ, quá trình tiến hóa chịu trách nhiệm cho cấu tạo sinh học. của chúng ta, và cấu tạo sinh học này lại ảnh hưởng đến cách chúng ta ứng xử trong xã hội. Vì vậy, đừng coi chúng như những giả thuyết riêng biệt, mà là những cách khác nhau giúp bạn tập trung suy nghĩ.
Giả thuyết 1 - Sự tiến hóa
Các nhà sinh học tiến hóa luôn tiếp cận các câu hỏi như thế này bằng cách đặt vấn đề: “Đặc điểm này hẳn đã đem lại lợi thế nào đó cho loài người thuở sơ khai, lợi thế đó có thể là gì? Đối với trường hợp của giai đoạn vị thành niên, có thể giải thích rằng xã hội loài người buổi đầu phức tạp hơn nhiều so với các xã hội động vật khác, do đó, chúng ta cần nhiều thời gian hơn để học hỏi các kỹ năng cần thiết.
Giả thuyết 2 - Văn hóa
Có những người lớn hay nói: “Hả, thời của chúng tôi khác lắm. Bọn tôi hồi đó chẳng được phép cảm thấy thế này thế nọ đâu. Cứ làm theo lời người lớn là được. Bọn trẻ bây giờ cư xử như thế này là do không có đủ quy tắc. Nếu người lớn nghiêm khắc hơn và bọn trẻ không xem ti vi thì sẽ chẳng có cái gọi là hành vi tuổi teen để bàn tán”.
Tôi cho rằng những người lớn này đang tự lừa dối mình. Thiên tài người Hy Lạp Aristotle đã từng đề cập đến hành vi của lứa tuổi của bạn, mà đó là gần 2.500 năm trước. Shakespeare cũng từng nhắc đến với thái độ không mấy thiện cảm về nhóm tuổi từ 10 đến 23. Còn nhà xã hội học G.S. Hall đã đề cập đến giai đoạn “bão tố và căng thẳng” từ năm 1905. Tuổi dậy thì là một giai đoạn khó khăn, điều này chẳng có gì mới mẻ.
Giả thuyết 3 - Nhu cầu tự lập
Loài động vật có vú nào rồi cũng phải rời xa bố mẹ và tự lập. Nhưng nói chung, người lớn luôn cố gắng mang đến một cuộc sống thoải mái cho con cái họ bất cứ khi nào có thể. Nếu tuổi mới lớn không hình thành sự thiếu tôn trọng và khó chịu ở một mức độ nhất định đối với cha mẹ hoặc người chăm sóc mình thì các bạn sẽ chẳng bao giờ muốn rời đi.
Thực tế, việc không còn yêu mến những người lớn chăm sóc mình có lẽ là một phần cần thiết của quá trình trưởng thành. Về sau này, khi bạn đã ra riêng, bạn có thể bắt đầu yêu thương họ trở lại, bởi vì bạn không còn cần phải đấu tranh để thoát khỏi họ nữa. Và bạn có thể thỉnh thoảng quay lại ăn bữa cơm nhà và thậm chí nếu khéo léo hơn thì còn có thể mang theo quần áo bẩn về nhà nhờ mẹ giặt.
Nhu cầu thoát ly cũng có thể giải thích tại sao tuổi mới lớn quan tâm đến suy nghĩ của bạn bè nhiều hơn so với suy nghĩ của cha mẹ họ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tuổi mới lớn thậm chí sử dụng các vùng não khác nhau và đôi khi đưa ra những quyết định khác nhau tùy thuộc vào việc bạn bè của họ có ở bên hay không.” Bạn bè là tất cả, bởi vì bạn bè là những gì chúng ta cần khi ra khỏi nhà.
Tôi đã nói thêm về điều này trong Chương 1. Con người sống dựa vào các mối quan hệ xã hội, vậy nên việc vun đắp tình bạn là điều hoàn toàn hợp lý. Trên thực tế, khao khát tự lập này có thể là điều quan trọng nhất ở tuổi vị thành niên. Nếu bạn nghĩ kỹ thì đó chính là toàn bộ điểm mấu chốt. Và suy cho cùng, đó cũng là điều mà cha mẹ bạn cũng như tất cả những người lớn quan tâm đến bạn mong muốn cho bạn. Chỉ có điều họ không nhận ra rằng nếu bạn muốn sống tự lập vào năm 22 tuổi thì bạn sẽ cần phải bắt đầu “phá lồng” ở tuổi 14.
Giả thuyết 4 - Đơn giản chỉ là cách hoạt động của não bộ
Chúng ta có thể đơn giản nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi não bộ không thể hoạt động hoàn toàn hiệu quả, bởi vì có quá nhiều thay đổi đang diễn ra. Tuổi vị thành niên là một tác dụng phụ không mong muốn của tất cả những thay đổi đó, và mọi chuyện chỉ có thế.
Bạn thấy giả thuyết nào thú vị nhất? Tiến hóa? Văn hóa? Cuộc đấu tranh vì sự tự lập? Hay tất cả những giả thuyết này?