Tái cấu trúc xuất khẩu để tăng trưởng bền vững
Cùng với quá trình đàm phán tích cực với phía Mỹ, Việt Nam đã xác định rõ các giải pháp thích ứng linh hoạt, tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, trong đó có tái cấu trúc thị trường xuất khẩu. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của DN, song song với sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để biến thách thức thành cơ hội, khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành Sắc lệnh Hành pháp áp dụng mức thuế đối ứng mới lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam (mức thuế 46%). Mặc dù mới đây, Mỹ đã thông báo tạm hoãn áp mức thuế đối ứng trong 90 ngày, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nhiều rủi ro, thách thức lớn đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là các DN xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 là sang thị trường Mỹ, với các mặt hàng chủ lực như: điện tử, hàng dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị, sắt thép… Điều này cho thấy, nếu như mức thuế đối ứng này bị áp dụng, hàng Việt Nam xuất khẩu sẽ đối mặt với nguy cơ giảm sức cạnh tranh, giảm thị phần tại Mỹ.
Giới chuyên gia, nhà quản lý nhận định, chính sách thuế quan mới của Mỹ là hồi chuông cảnh báo về xu hướng bảo hộ và rủi ro chính sách ngày càng tăng trong thương mại toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu truyền thống, vốn từng được xem là “điểm tựa vàng”, giờ đây tiềm ẩn nhiều bất ổn. Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, đây cũng có thể xem là thời điểm để các DN Việt Nam thay đổi chiến lược xuất khẩu, chẳng hạn như: chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng sang các thị trường tiềm năng như EU, Hàn Quốc, Trung Đông, Australia…
Cho rằng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu bước đi cần thiết trong giai đoạn này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải khuyến nghị DN cần mở rộng chuỗi cung ứng thông qua việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… để thâm nhập sâu vào các thị trường tiềm năng như: EU, Canada, Australia; đồng thời, khai thác cơ hội tại Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ Latinh…
“Chính sách thuế đối ứng sẽ còn tiếp tục thay đổi theo chu kỳ chính trị và làn sóng bảo hộ nội địa tại các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ. Do vậy, DN cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, xây dựng năng lực phản ứng linh hoạt trước các thay đổi chính sách, đồng thời đa dạng hóa thị trường để giảm mức độ phụ thuộc” - ông Trần Thanh Hải lưu ý.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng
TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các DN cần thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng phân tán rủi ro, mở rộng nhiều thị trường khác nhau. Bởi, việc DN phụ thuộc vào thị trường truyền thống khi xảy ra biến động về thuế quan cũng như các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ dễ rơi vào thế bị động, không có phương án thích ứng, thay thế trong lúc cấp bách. Ngoài ra, DN cần tập trung đầu tư phát triển các dòng sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Đây là xu hướng tất yếu của tiêu dùng toàn cầu, cũng như giúp hàng Việt dễ dàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn khắt khe.
Đề cập về giải pháp hỗ trợ DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại đối với những thị trường lớn bao gồm: Trung Quốc, Mỹ và EU. Cùng với đó, đàm phán mở cửa những thị trường mới, đặc biệt là các thị trường còn nhiều tiềm năng như: Halal, Trung Đông, châu Mỹ… Đặc biệt, Bộ Công Thương với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu; cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng DN, các địa phương; đồng thời, hỗ trợ, kết nối DN tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn, thị trường tiềm năng.
Cốt lõi là chuyển đổi sản xuất xanh, xuất khẩu xanh
Nhiều chuyên gia đồng quan điểm, tái cơ cấu xuất khẩu không chỉ ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ mà còn là giải pháp cốt lõi để tăng trưởng xuất khẩu bền vững. GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích, đã đến lúc phải cơ cấu lại thị trường xuất khẩu. Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào 6 thị trường chủ lực, gồm: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU nên chỉ cần 1 trong 6 thị trường này rơi vào khủng hoảng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với những cú sốc lớn và thậm chí còn bị gián đoạn.
Mặt khác, DN Việt đang gặp nhiều thách thức khi sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh, sử dụng vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường… từ thị trường nhập khẩu. Chẳng hạn, với EU, ngoài các điều kiện trong EVFTA hay CPTPP, thị trường này tiếp tục đặt ra nhiều yêu cầu ngặt nghèo với hàng nhập khẩu, như bổ sung các quy định mới về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sản xuất xanh, bền vững.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, nước nào cũng mong muốn và tìm cách đưa hàng hóa vào thị trường lớn, chứ không riêng Việt Nam, nên cạnh tranh ngày càng gay gắt. Thị trường lớn thường rất khó tính, kể cả EU, Trung Quốc đòi hỏi rất cao về quy trình sản xuất hàng hóa, cụ thể là yêu cầu về sản xuất xanh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay chưa có quy định chung về tiêu chí xanh trong sản xuất để làm căn cứ cho DN xác định tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm dịch vụ định hướng xuất khẩu. Vì vậy, cần tiến hành xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất.
Bên cạnh đó, cần bổ sung những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích DN thực hiện mô hình sản xuất xanh. Về mặt tài chính, các chương trình kích cầu đầu tư cho DN cần được đẩy mạnh nhằm giải quyết nhu cầu nguồn vốn, hỗ trợ DN chuyển đổi sản xuất xanh và ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ, dự án khởi nghiệp, vườn ươm, nhà xưởng, máy móc chuyển giao công nghệ phù hợp với chuyển đổi sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải… sẽ được hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng.
Đề cập về giải pháp xuất khẩu bền vững, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, cần giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Mặc dù Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các FTA đều hướng tới mục tiêu dỡ bỏ rào cản thương mại, nhưng thực tế vẫn cho phép các nước thành viên sử dụng một số công cụ chính sách thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Trong đó, phòng vệ thương mại là công cụ hữu hiệu được các nước sử dụng để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước cũng như định hình thị trường, dẫn tới nguy cơ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ngày càng lớn.
Theo đó, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho DN về những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra; thực hiện các giải pháp chứng minh hàng hóa Việt không bán phá giá… DN cần sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc từ các quốc gia trong các FTA đã ký kết để tận dụng ưu đãi.
Chính phủ cần chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ, tăng cường đối thoại, đàm phán qua các kênh. Đồng thời, nên triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ bằng cách tăng nhập khẩu hàng, tiếp tục giảm thuế đối ứng đối với hàng nhập khẩu từ nước bạn... Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ DN và ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực; cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistics, để DN có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia