Mùa đại hội cổ đông: Doanh nghiệp lớn lên kế hoạch ứng phó với thuế quan Mỹ
Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam là chủ đề nóng được các cổ đông nêu ra tại mùa đại hội cổ đông năm nay. Nhiều doanh nghiệp lớn đã lên kế hoạch ứng phó với thuế quan Mỹ.
BIDV triển khai các chính sách hỗ trợ đối với khách hàng truyền thống gặp khó
Sáng ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - HOSE: BID) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho biết, các chính sách thuế quan từ phía Mỹ chắc chắn sẽ có những tác động nhất định tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Theo ông Tú, tổng dư nợ của các nhóm khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi chính sách này hiện vào khoảng 300.000 tỷ đồng, tương đương 15% tổng dư nợ của BIDV. Những ngành nghề có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn bao gồm thép, cơ khí, nhựa, thủy sản, dệt may, phương tiện vận tải, máy tính và bất động sản công nghiệp.
“Thuế quan từ Mỹ có thể tác động toàn diện đến nhiều mặt hoạt động như tín dụng, huy động vốn hay dịch vụ ngân hàng. Cụ thể, nhu cầu vay vốn sẽ sụt giảm khi các doanh nghiệp xuất khẩu bị đình trệ, buộc phải cắt giảm sản xuất để tìm kiếm thị trường mới. Từ đó kéo theo sự suy giảm trong nhu cầu tín dụng.
Không chỉ vậy, hoạt động huy động vốn, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi phần lớn lượng tiền gửi của nhóm này là ngoại tệ”, ông Tú nhấn mạnh.
Về chất lượng tài sản, ông Phan Đức Tú cho rằng đây cũng là lĩnh vực chịu tác động. Khi dòng tiền của doanh nghiệp bị gián đoạn do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, việc trả nợ ngân hàng sẽ chậm lại, khiến chất lượng tín dụng giảm sút, dẫn tới ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng và làm giảm lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, BIDV sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ đối với khách hàng truyền thống gặp khó khăn.
Dù chưa có kết quả chính thức từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung, BIDV vẫn đang thận trọng xây dựng các kịch bản ứng phó. Ông Tú khẳng định, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngân hàng hoàn toàn có khả năng kiểm soát tốt chất lượng tài sản, như đã từng làm trong giai đoạn 2020 - 2024, khi lợi nhuận trước thuế tăng gấp ba lần - từ 10.000 tỷ đồng lên gần 32.000 tỷ đồng.
May Việt Tiến tiếp tục thúc đẩy ứng phó linh hoạt
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG), Chủ tịch HĐQT Vũ Đức Giang cho hay, trong năm 2025, trước các rủi ro từ thuế quan của chính quyền Donald Trump, HĐQT vẫn định hướng không thay đổi mục tiêu kinh doanh. Công ty tiếp tục thúc đẩy sự ứng phó linh hoạt, bên cạnh đó là triển khai khánh thành chi nhánh và trung tâm kho ở Hà Nội.

Theo Chủ tịch Vũ Đức Giang thuế suất 46% là con số ban đầu, sau đó Mỹ giữ quan điểm 10% cho các nước. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với phía Mỹ và đã có những tín hiệu rất tốt, nên ở góc độ Công ty, lãnh đạo Việt Tiến cho biết sẽ có sự linh hoạt và thích ứng trước các thách thức bên ngoài.
“Cái gì sẽ diễn ra ngày mai chúng ta không thể đoán trước, ngành dệt may mà bị đánh thuế 46% thì doanh nghiệp đóng cửa hết, không ai bán hàng qua Mỹ được”, Chủ tịch Vũ Đức Giang nói.
Vietcombank đa dạng hóa thị trường
Sáng 26/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank nhận định, nếu Mỹ áp dụng thuế ở mức 15% thì sẽ tác động giảm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ. Nếu áp dụng đến 46% thì sẽ khiến giảm 55-56% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.
"Đối với Vietcombank, hiện nay thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại của Vietcombank chiếm khoảng 20% toàn bộ thị trường, trong đó nhiều khách hàng có mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, tập trung vào các ngành hàng liên quan đến linh kiện điện tử, gỗ, thủy hải sản, nhựa… là những mặt hàng bị tác động rất mạnh do chính sách thuế quan", ông Tùng chia sẻ.

Chủ tịch Vietcombank cho biết, nhà băng hiện có danh mục khách hàng FDI lớn so với các ngân hàng khác: Chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn và hơn 50% doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại khách hàng bán buôn.
"Như vậy, chính sách thuế đương nhiên tác động mạnh đến Vietcombank, và mạnh hơn các ngân hàng khác", ông Tùng khẳng định.
Về giải pháp, ông Tùng cho biết Vietcombank bình tĩnh phối hợp chặt chẽ với khách hàng, để cùng với khách hàng có giải pháp phối hợp với nhau, hạn chế tác động nếu bị đánh thuế với quy mô cao như dự kiến ban đầu.
Có 2 giải pháp cơ bản, một là chính sách đa dạng hóa chuyển dịch thị trường và hai là chính sách hỗ trợ tài chính trong lúc gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi các đơn hàng không xuất khẩu được, đơn hàng bị giảm gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các giải pháp của Vietcombank cùng khách hàng là báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền để cùng có chỉ đạo, định hướng chung, gắn với từng ngành nghề, từng đối khách hàng để có giải pháp cụ thể trong thời gian tới
Với giải pháp tổng thể từ cấp chỉ đạo cao nhất, hiện nay Vietcombank cũng tích cực tham gia cùng khách hàng để tổ chức triển khai, hy vọng việc áp thuế 46% ko diễn ra. Vừa qua, Vietcombank đã ký 1 thỏa thuận tài trợ cho Vietnam Airlines mua 50 máy bay thân hẹp Boeing của Mỹ, đây cũng là giải pháp trong tổng thể các giải pháp. Hoặc tài trợ khách hàng nhập khẩu khí hóa lỏng từ mỹ, máy móc thiết bị từ mỹ, để giảm chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam và Mỹ.
Petrolimex sẽ có chiến lược quan trọng phù hợp thực tiễn
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm cho biết tính từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng lên toàn bộ hàng nhập khẩu vào ngày 2/4 vừa qua, mức giảm giá xăng dầu trên thế giới rất nhanh, từ 75 USD/thùng dầu Brent trước đó xuống chỉ còn hơn 60 USD/thùng sau vài ngày. Theo tính toán của Petrolimex, mức giảm lớn nhất có thời điểm lên tới hơn 20%.

Trong khi đó với quy định của nhà nước hiện nay, các thương nhân đầu mối phải dự trữ tồn kho tối thiểu 20 ngày. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn phân giao tổng nguồn cho thương nhân đầu mối như Petrolimex trong khi việc điều hành giá xăng dầu lại thực hiện theo tuần.
Vì vậy, với biến động sâu và rất nhanh chỉ trong vài ngày trong khi lượng hàng tồn kho theo quy định của Petrolimex tương đương khoảng 750 nghìn m3 xăng dầu, hoạt động kinh doanh của Petrolimex bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo ông Trần Ngọc Năm, chỉ riêng trong kỳ điều hành ngày 10/4, doanh thu của Petrolimex đã mất 1 nghìn tỷ đồng, cộng thêm tồn kho sang đến kỳ điều chỉnh ngày 17/4, Petrolimex lại mất thêm 300 tỷ đồng. Khi giá bán giảm sâu nhưng giá vốn hàng hóa đã mua cao từ trước vẫn còn tồn kho sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Petrolimex ở lĩnh vực kinh doanh cốt lõi xăng dầu trong quý 1 năm 2025.
Việc giảm sâu giá dầu như hiện nay, cộng thêm với các biến động địa chính trị phức tạp trên thế giới, Petrolimex và nhiều thương nhân xăng dầu khác đều nhận thấy 2025 là năm có nhiều rủi ro và rất khó kiểm soát với hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Dù vậy, Petrolimex khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và công bố báo cáo tài chính Quý 1/2025 vào cuối tháng 4 để cổ đông hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng và các giải pháp đối phó. Đồng thời, để vượt qua khó khăn, Tập đoàn cũng đã có nhiều giải pháp chiến lược quan trọng phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trong năm 2025, Petrolimex sẽ tiếp tục thực hiện việc tinh gọn bộ máy của Tập đoàn theo tinh thần của Nghị quyết 18, tính đến thời điểm hiện tại, Petrolimex đã tiến hành: tái cấu trúc, thoái vốn tại các đơn vị thành viên như PTC, PGCC; trong đó, PTC đã được ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/3/2025 thông qua chủ trương sáp nhập vào Công ty mẹ, dự kiến hoàn tất trong quý 2-3/2025; Hoàn tất thủ tục chấm dứt hoạt động CNXD Hà Nội (CTXD KV1), CNXD Quảng Ninh (CTXD B12), VPĐD tại Tp. HCM; Tiếp tục xử lý CNXD Sài Gòn (CTXD KV2); Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại PLL theo đúng lộ trình đã phê duyệt; Triển khai các nội dung còn lại của Đề án cơ cấu lại toàn Tập đoàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển mới.
Để ứng phó với sự chuyển dịch năng lượng, hiện tại, Petrolimex đang cung cấp các sản phẩm nhiên liệu chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Euro 5 như xăng RON 95 và dầu Điêzen – đây là mức tiêu chuẩn cao nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay...