Tái cấu trúc kinh tế để gia tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc
Ngày 8/5, tại Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam.

Quang cảnh tọa đàm Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam.
Mục tiêu của tọa đàm nhằm đánh giá tác động của chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đến Việt Nam, từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp ứng phó và điều chỉnh chiến lược phù hợp trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Cơ hội để tái cấu trúc kinh tế
Phát biểu tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Hiếu, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, việc Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế đối ứng từ ngày 2/4/2025 đã gây nên cú sốc khắp thế giới, tạo ra những thay đổi lớn trong dòng chảy thương mại, đầu tư và cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu, thặng dự thương mại chiếm đến hơn 20% tổng GDP nền kinh tế. Về cơ cấu xuất khẩu, 70% hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ là các sản phẩm chế biến, chế tạo chủ lực như điện, điện tử, linh kiện, điện thoại, da giày, dệt may, gỗ… Đây là những sản phẩm chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cũng là động lực của nền kinh tế những năm qua.
“Việc Hoa Kỳ tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày là khoảng thời gian để Việt Nam tiến hành đàm phán về thỏa thuận thương mại đối ứng, trên tinh thần bảo đảm lợi ích quốc gia, thúc đẩy thương mại công bằng, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro. Và cũng là khoảng thời gian để Việt Nam chuẩn bị các giải pháp ứng phó với những thay đổi và tác động từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Đồng thời cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự chủ, phát triển bền vững và gia tăng khả năng chống chịu trước các bất ổn toàn cầu”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Hiếu nói.
Phân tích tác động thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Hữu Nghị, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, chính sách này sẽ có những tác động đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam, dù trong giai đoạn đàm phán hay sau đàm phán. Vì trong thời gian được hoãn áp thuế, tất cả các hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đang chịu mức thuế tạm thời 10%.
Trước đây, Hoa Kỳ cũng áp dụng biện pháp tạm thời là đặt cọc trong thời gian tiến hành điều tra bán phá giá đối với cá tra và tôm Việt Nam. Theo đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá và tôm phải đặt cọc thay vì nhà nhập khẩu. Điều này đã dẫn tới hạn chế hàng xuất khẩu, giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu nếu muốn bán hàng sang Mỹ ngay trong giai đoạn đàm phán.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Hữu Nghị cũng cho rằng, nếu sau đàm phán chúng ta có thể đạt được mức thuế khoảng 10% như các nước mà Hoa Kỳ có thặng dư thương mại cũng là một thành công.
Cách tiếp cận từ thế bị động sang chủ động
Nhằm giảm thiểu tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Hữu Nghị đề xuất cách tiếp cận của Việt Nam cần hướng đến 4 mục tiêu cơ bản.
Đó là giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế đối ứng đến doanh nghiệp xuất khẩu; ổn định thị trường và chuỗi cung ứng nội địa; duy trì niềm tin của nhà đầu tư và đối tác quốc tế; chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để chuẩn bị cho đàm phán với Hoa Kỳ, cần xây dựng cơ chế kiểm soát và minh bạch nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Trong đó có vấn đề chứng minh tỷ lệ phần trăm giá trị xuất xứ trong nước và giá trị có nguồn gốc từ các quốc gia khác để đàm phán đạt được mức thuế suất phù hợp, giúp doanh nghiệp tồn tại phát triển nhưng không đứt gãy chuỗi cung ứng.
Xem xét chi tiết từng nhóm hàng thuộc danh mục hàng hóa có thể cắt giảm với Mỹ để hướng đến cân bằng thương mại, gắn với lợi thế so sánh của Việt Nam để sau đàm phán không ảnh hưởng đến các thỏa thuận trước đó Việt Nam đã tham gia.
Trong ngắn hạn, nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành nghề bị ảnh hưởng, vừa hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó, vừa bảo đảm tăng trưởng năm 2025 từ 8% và các năm sau.
Bên cạnh đó, cần xây dựng bền vững kinh tế địa phương bằng cách đầu tư vào hạ tầng, đào tạo lao động tại chỗ, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và gắn kết cộng đồng tại địa phương để tạo nên một nền kinh tế có khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài…
Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động chứng minh xuất xứ hàng hóa; từng bước đầu tư công nghệ chuyển đổi số, đa dạng hóa đầu vào tránh những rủi ro về xuất xứ như áp dụng với pin năng lượng mặt trời vừa qua; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Hoa Kỳ.
Về phía hiệp hội ngành hàng, cần phối hợp với đoàn đàm phán và Bộ Công thương rà soát lợi thế so sánh của ngành hàng đề xuất cắt giảm thuế phù hợp với chiến lược phát triển từng giai đoạn và hạn chế những phát sinh sau đàm phán với Hoa Kỳ khi các đối tác thương mại lớn của Việt Nam so sánh các mức thuế áp dụng. Ngoài ra, cũng phải hiểu rõ nhất về ngành hàng cần thiết lập bộ công cụ cảnh báo sớm rủi ro phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ.
Giáo sư Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, tiếp cận vấn đề dưới góc độ tích cực, việc áp đặt thuế theo “kiểu Hoa Kỳ” sẽ làm cho cả thế giới sốc và thay đổi cách tiếp cận thực dụng hơn.
Đề xuất các giải pháp điều chỉnh chính sách thương mại của Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, Giáo sư Tạ Văn Lợi cho rằng, trong tất cả các nhóm hàng xuất siêu, không thể dàn nguồn lực và mãi làm thuê trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thay vào đó, cần điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế toàn diện với tầm nhìn dài hạn, xác định rõ các ngành công nghiệp mũi nhọn để tập trung đầu tư. Trong tương lai, nhiều ngành nghề và dịch vụ đơn giản sẽ bị loại bỏ do việc chuyển đổi số và công nghệ robot, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI)….
Các lĩnh vực có thể mở cửa cho doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam là công nghiệp bán dẫn, AI, phần mềm, kinh tế số, hạt nhân, vật liệu mới.... Ngược lại, cần chủ động khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ để nhằm tìm kiếm nguồn lực, kể cả nguồn nhân lực chất lượng cao, nguyên vật liệu...
Đó chính là thay đổi cách tiếp cận về quan hệ thương mại và đầu tư từ thế bị động sang chủ động. Cùng với đó, cần có sự cân bằng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để đạt lợi ích tối ưu.