Nợ toàn cầu tăng lên mức kỷ lục hơn 324.000 tỉ đô la

Hoạt động vay nợ mạnh của các nước trong quí đầu năm đẩy tổng nợ toàn cầu lên mức cao kỷ lục hơn 324.000 tỉ đô la. Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), tỷ lệ nợ trên GDP ở các nền kinh tế mới nổi cũng tăng lên mức cao chưa từng thấy.

Theo IIF, nợ toàn cầu tăng thêm 7,5 nghìn tỉ đô la trong ba tháng đầu năm, cao hơn gấp bốn lần mức tăng trung bình hàng quí là 1,7 nghìn tỉ đô la được ghi nhận kể từ cuối năm 2022. Ảnh: shafaq

Theo IIF, nợ toàn cầu tăng thêm 7,5 nghìn tỉ đô la trong ba tháng đầu năm, cao hơn gấp bốn lần mức tăng trung bình hàng quí là 1,7 nghìn tỉ đô la được ghi nhận kể từ cuối năm 2022. Ảnh: shafaq

Báo cáo của IIF hôm 6-5 ghi nhận, nợ toàn cầu tăng khoảng 7.500 tỉ đô la trong ba tháng đầu năm, lên mức cao kỷ lục hơn 324.000 tỉ đô la. IIF cho biết Trung Quốc, Pháp và Đức là những nước đóng góp lớn nhất vào mức tăng nợ toàn cầu, trong khi mức nợ giảm ở Canada, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Dù đà giảm giá của đô la Mỹ góp phần làm tăng giá trị nợ bằng đô la Mỹ (sau khi quy đổi ra đồng nội tệ của nước vay nợ) nhưng mức tăng nợ toàn cầu trong quí 1 cao hơn gấp bốn lần mức tăng trung bình hàng quí là 1.700 tỉ đô la được ghi nhận kể từ cuối năm 2022”, IIF cho biết trong báo cáo giám sát nợ toàn cầu.

IIF tính toán mức nợ của mỗi nước dựa trên nợ chính phủ, nợ hộ gia đình, nợ của doanh nghiệp tài chính và phi tài chính ở nước đó. IIF sử dụng dữ liệu công khai từ các báo cáo từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), và các cơ quan thống kê quốc gia. Ngoài ra, tổ chức này cũng sử dụng dữ liệu từ khu vực tư nhân bao gồm thông tin từ các ngân hàng, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính lớn.

Theo IIF, tỉ lệ nợ trên GDP toàn cầu tiếp tục giảm chậm và đang ở mức trên 325%. Tuy nhiên, tại các thị trường mới nổi, tỷ lệ này đạt mức cao kỷ lục là 245%.

Tổng nợ tại các thị trường mới nổi đã tăng hơn 3.500 tỉ đô la trong quí đầu tiên, lên mức cao kỷ lục, hơn 106.000 tỉ đô la. Riêng Trung Quốc chiếm hơn 2.000 tỉ đô la trong số đó. Tỷ lệ nợ của chính phủ Trung Quốc so với GDP là 93% và dự kiến đạt 100% trước khi kết thúc năm nay.

Nợ của các thị trường mới nổi bên ngoài Trung Quốc cũng đạt mức kỷ lục xét theo giá trị danh nghĩa, với Brazil, Ấn Độ và Ba Lan chứng kiến mức tăng lớn nhất về giá trị nợ bằng đồng đô la.

Điều đáng lo ngại là các thị trường mới nổi đang đối mặt với khoản thang toán nợ trái phiếu và khoản vay đến hạn cao kỷ lục 7.000 tỉ đô la trong thời gian còn lại của năm 2025. Đối với các nền kinh tế phát triển, con số này là gần 19.000 tỉ đô la.

Sự giảm giá của đô la đã giúp các thị trường mới nổi giảm bớt tác động tiêu cực từ sự bất ổn kinh tế do cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump gây ra.

Tuy nhiên, nếu sự bất ổn về chính sách thương mại vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài, chính sách tài khóa của các chính phủ có thể cần phải trở nên ngày càng thích ứng hơn, đặc biệt là ở các nước có mối liên hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ.

Ngoài ra, một mối lo ngại khác là mức nợ ngày càng gia tăng của chính phủ Mỹ và nhu cầu tài chính lớn từ nền kinh tế lớn nhất thế giới một phần do động thái cắt giảm thuế doanh nghiệp, có thể ảnh hưởng đến lợi suất trái chính phủ Mỹ.

IIF cho biết, nếu lượng cung trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh, điều này sẽ gây áp lực tăng lợi suất trái phiếu. dẫn đến chi phí lãi vay của chính phủ Mỹ tăng đáng kể.

“Trong kịch bản như vậy, rủi ro lạm phát cũng sẽ tăng lên”, IIF cảnh báo.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump coi thuế quan là một cách để tạo ra nguồn thu mới trám lỗ hổng ngân sách khi triển giảm chính sách giảm thuế doanh nghiệp. Dù vậy, sự không chắc chắn xung quanh chính sách thương mại đã khiến giới doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu đầu tư, gây sức ép lên tăng trưởng của Mỹ.

Theo Reuters

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/no-toan-cau-tang-len-muc-ky-luc-hon-324-000-ti-do-la/
Zalo