Lợi nhuận Cao su Phước Hòa bật tăng nhờ giá cao su cải thiện và tăng thu từ bất động sản công nghiệp
Trong quý I/2025, lợi nhuận sau thuế của Cao su Phước Hòa bật tăng nhờ giá bán cao su cải thiện và mảng bất động sản công nghiệp bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh.
Theo báo cáo tài chính quý I/2025 của Công ty CP Cao su Phước Hòa (mã Ck: PHR), công ty ghi nhận doanh thu đạt 311,5 tỷ đồng, giảm 3,7% so với quý I/2024. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng mạnh mẽ 31%, lên mức 102,8 tỷ đồng. Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận đến từ việc cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp, từ mức 22,4% cùng kỳ năm trước lên 32,9% trong quý I/2025.
Sự cải thiện biên lợi nhuận giúp lợi nhuận gộp tăng trưởng ấn tượng 41,4%, tương ứng tăng thêm hơn 30 tỷ đồng, lên 102,5 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính giảm 9,5%, tương đương giảm 2,8 tỷ đồng xuống còn 26,7 tỷ đồng, nhưng được bù đắp bởi chi phí tài chính giảm mạnh 48,1%, tức giảm hơn 2 tỷ đồng xuống còn 2,3 tỷ đồng.
Lãi từ công ty liên doanh, liên kết cũng tăng 5,7%, đạt 22,7 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 26%, tương ứng tăng thêm 7,5 tỷ đồng lên 36,5 tỷ đồng. Các hoạt động khác không có biến động đáng kể.
Theo giải trình từ PHR, mặc dù doanh thu giảm, lợi nhuận ròng vẫn ghi nhận tăng trưởng nhờ giá bán cao su trong quý I tăng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, hoạt động cho thuê đất và hạ tầng khu công nghiệp tiếp tục mang lại giá trị gia tăng, trong đó riêng một khoản doanh thu ghi nhận một lần trong quý đạt 14,5 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý I/2025 của Cao su Phước Hòa.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của PHR đạt 5.921 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản cho thấy tính thanh khoản cao, với 1.851 tỷ đồng là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 31,3% tổng tài sản. Tài sản cố định đạt 1.814 tỷ đồng (30,7%), đầu tư tài chính dài hạn 555 tỷ đồng (9,4%), tài sản dở dang dài hạn 470 tỷ đồng (8%), phần còn lại là các khoản mục khác.
Về triển vọng ngành cao su năm nay, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, thị trường đang bước vào giai đoạn cung thấp do mùa khai thác mủ cao su tạm dừng từ tháng 2 đến tháng 5 hằng năm để cây thay lá, sản lượng dự kiến chỉ bắt đầu hồi phục từ tháng 6/2025 trở đi. Chứng khoán Phú Hưng dự báo, giá cao su trong nửa đầu năm 2025 sẽ tăng từ 4% đến 23% so với cùng kỳ năm ngoái, tạo động lực tích cực cho biên lợi nhuận toàn ngành.
Đồng thời, Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo thị trường toàn cầu thiếu hụt khoảng 1,6 triệu tấn cao su trong năm 2024 và tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2028, với mức thiếu hụt thường niên từ 600.000 đến 800.000 tấn.
Với PHR, theo ANRPC, một trong những yếu tố chiến lược góp phần thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận dài hạn của PHR đến từ việc tái cấu trúc quỹ đất thông qua chuyển đổi từ đất cao su sang đất khu công nghiệp và đô thị. Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021–2030, được phê duyệt vào tháng 8/2024, công ty được phép chuyển đổi tổng cộng 2.800 ha đất cao su, trong đó khoảng 580 ha thành đất khu công nghiệp, 1.150 ha cho phát triển khu đô thị và các mục đích sử dụng khác.
Theo Chứng khoán Vietcombank, nguồn thu của PHR có thể tăng cao từ năm 2025 nhờ quá trình đẩy mạnh hạch toán doanh thu cho thuê đất tại VSIP 3 và việc bắt đầu tạo dòng tiền từ dự án Nam Tân Uyên với mức giá thuê dự kiến 180-190 USD/m². Ước tính, hai dự án này có thể mang về thêm khoảng 300-400 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm cho công ty kể từ năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PHR trong phiên sáng ngày 8/5 đang giao dịch ở mức 45.550 đồng/cổ phiếu, tăng 4,95% so với phiên trước. Với hơn 135 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của công ty hiện đạt 6.172 tỷ đồng./.