Tái cấu trúc chuỗi cung ứng để ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ

Để ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ, Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đầu tư công nghệ và đa dạng hóa thị trường. Đối với các DN cần chú trọng quản trị chuỗi cung ứng, tăng cường các kịch bản ứng phó phù hợp.

Đánh giá kỹ tác động đến doanh nghiệp và mọi lĩnh vực

Chia sẻ tại tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 8/4, Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) Mai Sơn cho biết, ngay khi có thông tin Mỹ công bố áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam, cơ quan thuế và ngành tài chính đã có đánh giá tác động từ các DN trực tiếp xuất khẩu và nhiều lĩnh vực liên quan.

Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) Mai Sơn.

Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) Mai Sơn.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 119 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực chiếm trị giá tổng trị giá là hơn 98 tỷ USD và chiếm hơn 82%. Các DN trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ trong 10 nhóm hàng, các nhóm hàng chủ lực thu về khoảng 77.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,8% tổng thu ngân sách. Bên cạnh đó, các DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chịu tác động lớn hơn DN trong nước. Thực tế, có DN đã đưa ra cảng để xuất khẩu mà phải hủy vì chính sách mới.

Theo đánh giá, có 3 tác động khác là người lao động, ngân sách Nhà nước, nhập khẩu nguyên vật liệu. Cụ thể, chính sách thuế mới của Mỹ sẽ khiến tỷ giá VNĐ, USD chịu áp lực cao, có khả năng mất giá. Điều này làm gia tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, khiến các sản phẩm khó cạnh tranh hơn, làm ảnh hưởng đến Ngân sách Nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy.

Nhận định về những tác động của chính sách thuế mới của Mỹ với các DN Việt, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy phân tích, có 3 tác động lớn gồm: trực tiếp, gián tiếp và lâu dài.

Tác động trực tiếp khiến các DN gia tăng chi phí, suy giảm về năng lực cạnh tranh, song chỉ là trong tạm thời. Đối với việc Mỹ áp mức thuế 46% lên hàng Việt Nam sẽ khiến giá thành của sản phẩm có thể đội lên, làm mất lợi thế so sánh với các đối thủ mà họ chịu mức thuế thấp hơn. Ngoài ra, ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ở mức khiêm tốn như gỗ, dệt may, thủy sản...

DN khó khăn trong duy trì đơn hàng, nhiều DN nhỏ có thể thu hẹp lại hoặc dừng hoạt động, tái cơ cấu ngành nghề. Đối với các doanh nghiệp FDI có thể tái định vị lại chuỗi cung ứng, họ nhìn nhận và cân nhắc dịch chuyển qua các thị trường tốt hơn hay ở lại.

Tác động gián tiếp gây sức ép về tài chính, có thể gây suy giảm doanh thu và lợi nhuận tạm thời, kéo theo khả năng liên quan đến trả nợ ngân hàng. Hiện tại, vẫn lưu thông về logistic nên có thể thanh khoản được, chỉ là khó khăn tạm thời. Nhà nước có thể có chính sách hỗ trợ thanh khoản phù hợp với các DN ảnh hưởng bởi đợt áp thuế quan này.

Cùng với đó, lao động có thể tạm thời suy giảm về việc làm trong thời gian ngắn hạn. Các DN, hiệp hội cần linh động tác cấu trúc lại thị trường. Chẳng hạn như, đưa ra cách quản trị về DN xuất khẩu, không để một thị trường chiếm quá 10% tỷ trọng, có kịch bản linh hoạt.

Tác động về lâu dài, một trong những điều quan trọng liên quan đến thách thức về tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Đối với biện pháp thuế của Mỹ phản ảnh phần nào quan ngại, hoài nghi về xuất xứ, nguồn gốc về hàng hóa, tiêu chuẩn lao động. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các cơ quan quản lý truy xuất nguồn gốc, minh bạch đặc biệt trong các hàng hóa có nguyên vật liệu nhập từ các quốc gia khác, qua đó chứng minh năng lực sản xuất thực chất của Việt Nam.

Những giải pháp và kịch bản ứng phó

Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) Mai Sơn thông tin, trên cơ sở điều hành vĩ mô của Chính phủ, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất chính sách, tạo ra sức bật cho nền kinh tế nói chung và DN trong nước. Chính sách hiện nay đang triển khai áp dụng đối với các DN nói chung và DN xuất khẩu nói riêng.

Dệt may xuất khẩu là ngành hàng của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế đối ứng của Mỹ. Ảnh minh họa

Dệt may xuất khẩu là ngành hàng của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế đối ứng của Mỹ. Ảnh minh họa

Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP đã giảm thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng của đối tác thương mại lớn, trong đó có Mỹ, trong đó có nhiều dòng thuế về 0%. Theo đó, có 16 nhóm mặt hàng nhập về Việt Nam được giảm thuế như ô tô, sản phẩm nông nghiệp, than, gỗ… Đây là giải pháp của Chính phủ nỗ lực cân bằng cán cân thương mại 2 nước, giúp người tiêu dùng Việt Nam tăng cường sử dụng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Bên cạnh đó, Nghị định 81/2025/NĐ-CP được Chính phủ ban hành mới đây, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế từ tháng 2 đến tháng 6/2025. DN phải nộp số thuế này chậm nhất ngày 20/11. Tiền thuế này được gia hạn năm nay ước tính khoảng 14.100 tỷ đồng.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 82/2025/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2025. Tổng số thuế gia hạn 102.000 tỷ đồng.

Để ứng phó với chính sách thuế từ phía Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng GDP 2 con số như mục tiêu Chính phủ đề ra trong năm nay, cơ quan thuế đã đề ra các giải pháp cụ thể.

Đó là, tăng cường kiểm soát hoàn thuế của các DN gia công lắp ráp đơn giản sau đó xuất khẩu. Cùng với đó, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu về các giao dịch thương mại quốc tế và có cơ chế chia sẻ thông tin với cơ quan thuế Mỹ. Điều này sẽ giúp tăng cường minh bạch trong hoạt động thương mại song phương, đồng thời tạo cơ sở để hai bên có thể phối hợp hiệu quả trong việc ngăn chặn các hành vi gian lận thuế xuyên quốc gia.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng đẩy nhanh giải quyết vướng mắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho các DN có hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam đề khơi thông dòng vốn lưu động của các DN, khuyến khích mở rộng đầu tư và sản xuất khẩu.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia đồng quan điểm, Việt Nam là 1 trong hơn 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới, do vậy trong bối cảnh hiện nay Việt Nam phải ứng xử như một nước lớn.

Khuyến nghị đối với các DN Việt, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy đề nghị DN cần tập trung thay đổi 4 trụ cột. Thứ nhất, chuẩn hóa và nâng cao năng lực cung ứng. Thứ hai, nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó về phòng vệ thương mại. Thứ ba, chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao (phát triển mẫu mã, thương hiệu, nội địa hóa chuỗi giá trị). Thứ tư, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới.

“Mặc dù việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các DN và cơ quan Nhà nước đổi mới sáng tạo và vươn lên thành công. Các DN cần có vốn chủ đủ mạnh và khả năng thích ứng với sự thay đổi để có thể thành công trong quá trình chuyển đổi” – ông Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tai-cau-truc-chuoi-cung-ung-de-ung-pho-voi-thue-doi-ung-cua-my.665901.html
Zalo