Tái canh cà phê không đạt kế hoạch
Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.
Huyện Ia Grai có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ người dân tái canh và ghép cải tạo đối với các diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp. Ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Toàn huyện có hơn 18.150 ha cà phê, trong đó có khoảng 1.555 ha già cỗi. Năm 2024, huyện được tỉnh giao tái canh 480 ha.
Để đảm bảo kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã triển khai Dự án hỗ trợ chương trình tái canh cà phê năm 2024 với tổng kinh phí 400 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông-lâm của huyện.
Theo đó, bên cạnh tổ chức tập huấn kỹ thuật, huyện cấp không thu tiền 90.000 cây cà phê giống TRS1 trị giá 369 triệu đồng cho người dân. Đồng thời, hướng dẫn các hộ có nhu cầu cây giống cao hơn số lượng đã được hỗ trợ chủ động ươm hoặc mua tại các cơ sở kinh doanh cây giống uy tín hoặc đăng ký để được hỗ trợ từ chương trình tái canh cà phê của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam.
Đến nay, toàn huyện đã tái canh được 549,9 ha, vượt hơn 14,5% so với kế hoạch giao. Ngoài ra, người dân cũng trồng xen cà phê vào các loại cây trồng khác với tổng diện tích hơn 390 ha.
Đưa chúng tôi tham quan vườn cà phê tái canh đang phát triển tốt, bà Rcom H’Vun (làng Blang 1, xã Ia Dêr) cho hay: Gia đình bà có 3 ha cà phê trồng từ năm 1996. Năm 2018, được cán bộ huyện và xã hướng dẫn kỹ thuật, bà tự mua cây giống về tái canh. Đến năm 2023, bà tái canh được 1,6 ha. Năm 2024, được huyện hỗ trợ 200 cây giống, bà mua thêm hơn 100 cây về tái canh hơn 3 sào.
“Tất cả diện tích cà phê tái canh đều phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại. Hiện nay, diện tích tái canh năm 2018 đã cho thu hoạch, năng suất đạt gần 3,5 tạ nhân/sào”-bà H’Vun nói.
Năm 2024, huyện Đak Đoa được tỉnh giao tái canh 400 ha cà phê. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Huyện phối hợp với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam hỗ trợ người dân mua giống cà phê chất lượng với giá thấp hơn thị trường 1.000 đồng/cây và hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển.
Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Công ty tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và chỉ đạo các phòng, ban, các địa phương cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân tái canh.
“Đến nay, toàn huyện đã tái canh được 340 ha. Huyện đang tiếp tục tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân tái canh cà phê để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Hoàng Thi Thơ-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Theo Quyết định số 399/QĐ-UBND ngày 15-6-2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh thực hiện tái canh 9.320 ha và ghép cải tạo 130 ha. Riêng năm 2024, tỉnh đề ra kế hoạch tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê tại 10 địa phương.
Thực hiện kế hoạch trên, các địa phương đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật, hướng dẫn chọn giống mới có năng suất, chất lượng cao để tái canh. Trong đó, 7 địa phương đã bố trí nguồn vốn hỗ trợ hơn 1,855 tỷ đồng cho người dân tái canh.
Đến nay, toàn tỉnh mới tái canh và ghép cải tạo hơn 1.840 ha cà phê, đạt 76,7% kế hoạch. Một số địa phương thực hiện chưa đạt kế hoạch. Nguyên nhân là do từ cuối năm 2023 đến nay, giá cà phê tăng cao, người dân có xu hướng tiếp tục chăm sóc vườn cây để tận thu. Trong hoàn cảnh mùa mưa đã qua gần hết, kế hoạch tái canh và ghép cải tạo cà phê của tỉnh năm 2024 chắc chắn không đạt.
Theo ông Thơ, năm 2025, kế hoạch của tỉnh là tiếp tục tái canh và ghép cải tạo 2.400 ha cà phê. Để đạt mục tiêu đề ra, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi.
Đối với diện tích tái canh, sau khi thu hoạch xong cà phê niên vụ 2023-2024, các địa phương cần hướng dẫn người dân khẩn trương nhổ bỏ cây và vệ sinh vườn rẫy; đồng thời, thực hiện các biện pháp kỹ thuật xử lý đất theo đúng quy trình. Ngoài ra, ứng dụng phương pháp trồng, chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho vườn cây.