Một vùng quê biên giới
Ngày 1-1-2025, tròn 28 năm tái lập tỉnh, cùng BPO lắng đọng với những thông tin giá trị, bài viết giàu cảm xúc và ý nghĩa trong số báo đầu tiên Báo Bình Phước phát hành ngày 1-1-1997.
MỘT VÙNG QUÊ BIÊN GIỚI
(Đăng trên Báo Bình Phước, ngày 1-1-1997)
Hoài Nhân
Những ngày cuối đông, trời se lạnh, cao su thay lá báo hiệu mùa xuân đã về. Về trên đất Lộc Ninh một sắc xuân mới làm bừng sáng vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng. Các vết tích chiến tranh đã trở thành những hoài niệm, kỷ niệm để các bậc cha ông nhắc lại cho con cháu mỗi khi giỗ chạp, lễ tết để con cháu hôm nay và mai sau hiểu được tại sao và vì sao cha ông đã chiến đấu và chiến thắng, để mà giữ gìn và xây dựng lại quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đến Lộc Ninh vào những ngày cuối năm, chúng tôi như thấy được sức sống mới ở vùng căn cứ kháng chiến cũ. Một sức sống biểu hiện qua sự đổi thay trong nhận thức, suy nghĩ và hành động của các đồng chí lãnh đạo địa phương cho đến tận người dân bình thường. Những cánh rừng cao su đang xanh màu lá mới, những cánh hoa cà phê trắng muốt đang tỏa hương thơm ngát, những chùm tiêu xanh trĩu hạt cùng những cánh đồng lúa chín vàng nặng hạt đang hòa quyện với vạn vật, với những con người của vùng đất anh hùng. Tất cả tạo nên vẻ đẹp, nên dáng dấp mới, nên sắc xuân ở một miền biên cương phía Tây Nam của Tổ quốc.
Tất cả những đau khổ, mất mát, những gian nan vất vả, cái đói, cái khát về ăn ở, học hành của người dân Lộc Ninh nói chung, của đồng bào dân tộc ít người nói riêng từng bước được khắc phục, cuộc sống được cải thiện và nâng dần về chất lượng lẫn hình thức. Được biết vào những năm đầu của thập kỷ 90, cuộc sống vẫn còn lắm cơ cực nhưng đã có những dấu hiệu của sự chuyển mình vươn lên và từ sự định hướng phát triển của Đảng, phát huy thế mạnh và sử dụng khai thác đúng đắn, có hiệu quả tiềm năng của địa phương, Lộc Ninh đã vươn lên với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vận dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến, cải tạo, lai giống, sử dụng các vật nuôi, cây trồng cho năng suất cao, tiến hành vận động đồng bào dân tộc ít người định canh, định cư, ổn định cuộc sống. Dòng điện, giếng nước sạch, trường học, bệnh viện, trạm y tế được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới xa xôi cải thiện, nâng cao dân trí, bảo vệ sức khỏe và có điều kiện phát huy các truyền thống văn hóa dân tộc. Với sự cố gắng cao độ, đời sống thu nhập người dân ngày càng cao với thu nhập bình quân đạt gần 341 USD, nhà cửa được xây dựng khang trang, sạch đẹp, hài hòa với cảnh sắc tự nhiên. Song song với việc phát triển kinh tế, Lộc Ninh tăng cường công tác an ninh quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn biên giới quốc gia, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, vận động xây dựng cuộc sống mới, ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền v.v… góp phần đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại, hàng năm có đến hàng chục lượt cán bộ các cấp được cử đi học các lớp với kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng.
Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, huyện luôn tạo điều kiện giúp đỡ các đối tượng chính sách, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ nhà tình nghĩa, phụng dưỡng cha mẹ liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng v.v… toàn huyện có 201 đối tượng có nhà xây, 347 nhà gỗ, trong đó có 122 nhà tình nghĩa được xây mới khang trang, xinh đẹp. Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vươn lên của bản thân, gia đình, đã có 236 đối tượng kinh tế khá, 536 đối tượng kinh tế ổn định và còn khó khăn là 266. “Đất lành chim đậu”, Lộc Ninh đã và sẽ là một vùng đất hấp dẫn bao con người từ mọi miền của đất nước đến lập nghiệp. Với tiềm năng và thế mạnh của mình, Lộc Ninh luôn là điểm chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Những thành tựu hôm nay, tuy còn khá khiêm tốn nhưng đó là những mầm xanh, nụ hoa, là sắc xuân của vùng đất anh hùng, biểu hiện cho sự hồi sinh của một vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cho sự định hướng phát triển đúng đắn mà cấp ủy Đảng địa phương đã đề ra qua các kỳ Đại hội Đảng bộ địa phương.
Mừng vui trước đổi thay của Lộc Ninh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, song chúng tôi cũng cảm nhận được những trăn trở, suy tư của các đồng chí lãnh đạo địa phương, của những con người có trách nhiệm đã sống, đang sống và sẽ sống vì sự lớn mạnh, giàu đẹp của vùng đất này.
Sức sống mới trỗi dậy trong từng con người, từng gia đình, hiện hữu trên từng nhịp thở của xã hội với những công trình, những dự án đã và đang dần trở thành hiện thực trong cuộc sống. Ánh đèn đường, đèn nhà của người dân đã tỏa sáng như tiễn đưa chúng tôi êm ái đi về trên con đường nhựa thẳng tắp mới được tu sửa, nâng cấp.
Ra về, chúng tôi cảm thấy niềm vui, niềm tự hào về sự trỗi dậy của một miền quê biên giới, sự trỗi dậy có cả ngọt ngào lẫn đắng cay nhưng vẫn tràn ngập niềm tin về một tương lai.
1-1997