Bí ẩn những hình khắc cổ trên đá ở suối Cỏ, xã Mỹ Thành
Từng gây bất ngờ lẫn sửng sốt cho các nhà khoa học và giới khảo cổ trong nước, những hình khắc cổ có niên đại lên tới hàng nghìn năm trên đá ở suối Cỏ, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) mang ý nghĩa gì, có thông điệp bí ẩn gì? Đó là những câu hỏi các nhà khoa học đang trên hành trình đi tìm lời giải đáp...
Từng gây bất ngờ lẫn sửng sốt cho các nhà khoa học và giới khảo cổ trong nước, những hình khắc cổ có niên đại lên tới hàng nghìn năm trên đá ở suối Cỏ, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) mang ý nghĩa gì, có thông điệp bí ẩn gì? Đó là những câu hỏi các nhà khoa học đang trên hành trình đi tìm lời giải đáp...
Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ Sở VH-TT&DL, Bảo tàng tỉnh điều tra, khảo sát bãi đá có hình khắc cổ tại suối Cỏ, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn).
Bí ẩn những hình "mặt quỷ” khắc trên đá
Cách đây chưa lâu, các nhà khoa học, khảo cổ học vô cùng kinh ngạc khi phát hiện giữa hoang rậm của suối Cỏ có 3 viên đá mang trên mình những hình khắc bí ẩn. Theo suy đoán của các nhà khoa học, những hình khắc cổ được tạo tác từ hàng nghìn năm trước. Với hình thù kỳ dị như mặt quỷ, ẩn chứa nhiều bí mật chưa được giải đáp, do vậy người dân trong khu vực gọi là "đá mặt quỷ”.
Cụm di tích bãi đá có hình khắc cổ tại suối Cỏ thuộc địa phận xóm Rậm và xóm Chum, xã Mỹ Thành. Cụm di tích gồm 2 điểm di tích là bãi đá có hình khắc cổ và miếu Đồng Đóng. Căn cứ báo cáo kết quả điền dã, điều tra, khảo sát, nghiên cứu về di tích được các nhà khoa học đưa ra tại hội nghị ngày 25/8/2023, do UBND huyện Lạc Sơn tổ chức đã xác định cụm di tích bãi đá có hình khắc cổ là di tích khảo cổ và lịch sử. Cụm di tích nằm trong một thung lũng rộng lớn người dân gọi là thung lũng suối Cỏ, cách trung tâm xã khoảng 3km, được bao bọc bởi những dãy đồi cao, xen kẽ là các thửa ruộng bậc thang cùng những ngôi nhà sàn của người Mường.
Qua lời kể của các cao niên thì khu vực này từng có một lớp người cư trú. Vì khi những cư dân mới chuyển đến sinh sống đã thấy có một số thửa ruộng bậc thang. Khu vực trung tâm bãi đá khi đó còn là rừng cây rậm rạp, nhiều thú dữ không phải ai cũng dám đến. Theo đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Sơn, các hình khắc cổ trên đá tại suối Cỏ được phát hiện từ lâu, trong quá trình người dân canh tác, ban đầu không ai biết giá trị của chúng. Sau khi nắm bắt được thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND xã tiến hành khảo sát sơ bộ để làm hồ sơ báo cáo tỉnh. Trên cơ sở báo cáo của huyện, Sở VH-TT&DL đã có chỉ đạo về việc thực hiện các bước lưu trữ, bảo vệ các hình khắc cổ. Tháng 8/2022, Bảo tàng tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị chuyên môn, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tổ chức điều tra, khảo sát. Qua đó phát hiện 2 khối đá có hình chạm khắc cổ và 1 khối đá giống hình con cá có 9 lỗ vũm (người dân còn gọi là hòn đá "Đóng”). Theo nhận định bước đầu của các nhà khoa học, hình khắc trên các phiến đá tại suối Cỏ có từ thời tiền - sơ sử, niên đại cách ngày nay hàng nghìn năm.
Giá trị lớn về khảo cổ học, lịch sử, văn hóa và nghệ thuật
Theo TS. Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, phát hiện hình khắc trên các khối đá ở suối Cỏ có ý nghĩa rất lớn đối với nghiên cứu tiền sử, lịch sử của huyện, tỉnh và của đất nước, thậm chí có ý nghĩa quốc tế. Bởi đây là những hình khắc có ý thức, kỹ năng tạo tác rất rõ ràng, có liên quan đến tín ngưỡng cổ truyền của các cộng đồng cư dân cổ xưa sinh sống tại khu vực này. Hình khắc đó là do con người tạo ra. Do mới chỉ phát hiện 2 hòn đá với 5 hình khắc, trong đó 3 hình rõ nét còn 2 hình khá mờ chưa nhận ra. Tuy nhiên, có thể nhận thấy phong cách nghệ thuật khá nhất quán với chủ đề chung là khuôn mặt người dạng thú. Các vòng tròn đồng tâm mang phong cách trang trí Đông Sơn thể hiện mắt người, phần thu nhỏ thể hiện mũi, miệng khá đồng nhất ở các hình khắc. Tư duy của người khắc cho thấy có thể là chân dung mô phỏng của một vị thần. Hiện chỉ có thể dựa vào lịch sử cư trú trong vùng để phỏng đoán chủ nhân hình khắc có thể là những cư dân thuộc giai đoạn cuối của Văn hóa Hòa Bình.
Tài liệu khảo cổ học cho thấy, khoảng 3.500 năm trước có nhiều cuộc viếng thăm của cư dân trồng lúa thời Phùng Nguyên - Mán Bạc, sau đến tận thời Đông Sơn từ vùng hạ lưu sông Bưởi lên vùng này. Ở Hang xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn) trong và ngoài hang dấu tích của họ để lại khá đậm nét. Thể hiện trên số lượng đồ gốm, rìu, vòng đá mài, nhất là các vết cưa mớm trên đá để tách các mảnh tước mỏng sắc. Dấu tích này còn thấy cả ở di tích Mái đá làng Vành (xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn). Các hình khắc thể hiện sự điêu luyện của những người tạo ra chúng. Nét khắc và nội dung khá thống nhất, hoàn toàn không phải tự tạo ngẫu hứng. Đặt trong hệ thống các hình khắc trên đá ở Việt Nam, có thể thấy hình khắc ở bãi đá suối Cỏ giống với các hình khắc cổ trên đá ở Sa Pa (Lào Cai) ở chỗ chúng đều được thể hiện trên các khối đá granit cổ, nhưng trình độ mỹ thuật và kỹ thuật của các hình khắc ở suối Cỏ cao hơn những hình khắc trên đá ở Sa Pa...
Còn theo GS.TS. Trương Quốc Bình, nguyên Cục phó Cục Di sản văn hóa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các hình khắc cổ tại suối Cỏ là những dấu tích vật chất ngưng đọng thông qua sự tác động của con người. Những đường nét chạm khắc thể hiện tính biểu tượng và có giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật.
Với những ý nghĩa, giá trị đó, cụm di tích bãi đá có hình khắc cổ tại suối Cỏ là viên "ngọc quý” cần được bảo tồn, giữ gìn, phát huy trong sự kết nối với các di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành của vùng đất Mường Vang vừa được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.