Từ triệu chứng cảm cúm thông thường, nữ sinh suýt mất mạng vì sốc nhiễm khuẩn

Một trường hợp sốc nhiễm khuẩn nguy kịch do liên cầu khuẩn nhóm A đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cứu sống thành công sau hai tuần điều trị tích cực.

Bệnh nhân được điều trị bằng lọc máu liên tục. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân được điều trị bằng lọc máu liên tục. Ảnh: BVCC

Ca bệnh được đánh giá là một trong những trường hợp tiến triển nhanh và đe dọa đến tính mạng ngay từ những giờ đầu nhập viện.

Theo đó, nữ sinh viên 22 tuổi nhập viện với các triệu chứng tương tự cảm cúm thông thường như sốt cao, đau họng, ho khan và mệt mỏi. Tuy nhiên, chỉ sau 24 giờ, tình trạng của bệnh nhân xấu đi nhanh chóng với các biểu hiện khó thở tăng dần, tụt huyết áp, tím môi và rối loạn ý thức.

Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, tổn thương phổi lan tỏa và suy đa cơ quan. Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của ca bệnh, ê-kíp điều trị đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hồi sức chuyên sâu như cấy máu, đờm để tìm căn nguyên vi khuẩn, thở máy xâm nhập, tăng dần liều vận mạch, lọc máu liên tục và phối hợp kháng sinh sớm - đúng đích.

Nguyên nhân gây bệnh được xác định là liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes). Đây là loại vi khuẩn thường gây viêm họng phổ biến, nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể gây nhiễm trùng huyết, sốc độc tố và dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đáng chú ý, người trẻ tuổi và không có bệnh nền vẫn có thể trở thành nạn nhân của biến chứng nguy hiểm này, như trường hợp của nữ sinh viên này.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã dần thoát sốc, ngừng được vận mạch, cải thiện chức năng phổi và tỉnh táo trở lại. Chỉ sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã có thể tự thở, trò chuyện.

Ca bệnh này không chỉ là một trường hợp đặc biệt, mà còn là minh chứng sống động cho hiệu quả của phương pháp hồi sức tích cực hiện đại, trong đó vai trò của lọc máu liên tục và sử dụng kháng sinh sớm đóng vai trò quyết định trong điều trị sốc nhiễm khuẩn nặng.

Đồng thời, ca bệnh cũng là lời cảnh tỉnh về việc không nên chủ quan với các triệu chứng hô hấp thông thường, đặc biệt là trong mùa lạnh khi vi khuẩn hoạt động mạnh.

Bảo Long

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tu-trieu-chung-cam-cum-thong-thuong-nu-sinh-suyt-mat-mang-vi-soc-nhiem-khuan-416513.html
Zalo