Tác giả Việt đang định hình vị thế mới trên văn đàn thế giới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản quốc tế, ngày càng nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đang vượt qua biên giới quốc gia, tiếp cận độc giả toàn cầu. Điều đặc biệt là mỗi tác giả Việt lại chọn cho mình một hướng đi riêng, từ việc viết bằng ngoại ngữ đến khai thác chiều sâu văn hóa dân tộc, để lan tỏa tiếng nói Việt ra thế giới theo cách của riêng mình.

Cuốn sách “Người Hà Nội, chuyện ăn, chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung (bên trái) xuất bản tại Trung Quốc.
Tác giả Việt – nhịp cầu đưa văn hóa dân tộc ra thế giới
Là một trong những gương mặt nổi bật của văn học Việt Nam đương đại, Nguyễn Phan Quế Mai đang cho thấy sức ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới thông qua hai tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh: The Mountains Sing và Dust Child.
Cả hai đều đã được dịch ra tiếng Pháp và giành các giải thưởng văn học danh giá tại Pháp.
Gần đây nhất, Dust Child đã được trao giải Văn học nước ngoài xuất sắc tại hội sách Créteil en poche ở Paris, một sự kiện uy tín thu hút tới 20.000 độc giả mỗi năm.
Trước đó, The Mountains Sing cũng được vinh danh là Tiểu thuyết xuất sắc nhất năm do bạn đọc nhà xuất bản Points bình chọn từ hơn 300 cuốn sách.
Thành công của Nguyễn Phan Quế Mai không chỉ thể hiện tài năng viết lách mà còn là minh chứng cho sự dấn thân bền bỉ và bản lĩnh của một cây bút Việt trong dòng chảy văn chương thế giới.
Dù viết bằng tiếng Anh, nhưng những tác phẩm của cô đều thấm đẫm tâm hồn Việt, mang đậm chất sử thi, nhân văn và cảm xúc.
Cô viết về Việt Nam, về chiến tranh, mất mát, hy vọng, tình thân và lòng vị tha, bằng một giọng văn rất riêng của người Việt.
Nếu như Quế Mai chọn ngoại ngữ để mở rộng biên độ tiếp cận độc giả, thì nhà nghiên cứu Vũ Thế Long lại để tác phẩm của mình “xuất ngoại” thông qua dịch thuật.
Cuốn sách Người Hà Nội - chuyện ăn, chuyện uống một thời do ông chấp bút, sau khi được dịch sang tiếng Trung, đã lọt top 10 sách Đông Nam Á có ảnh hưởng tại Trung Quốc năm 2025.
Tại lễ trao giải trong khuôn khổ Tuần lễ Sách văn hóa Trung Quốc – ASEANmới đây, ban tổ chức nhận định: “Tác phẩm kết hợp trọn vẹn giữa kiến thức chuyên sâu và xúc cảm ấm áp, đem lại cho độc giả Trung Quốc một bức tranh sống động về văn hóa ẩm thực Hà Nội”.

Cuốn sách "Vắt qua những ngàn mây" của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng bản tiếng Trung và tiếng Việt
Đây là một minh chứng cho việc văn hóa Việt, đặc biệt là ẩm thực có sức hấp dẫn lớn với bạn bè quốc tế khi được kể lại bằng ngòi bút tinh tế và cách tiếp cận nhân văn.
Với một nền tảng nghiên cứu vững chắc, Vũ Thế Long đã không chỉ tái hiện lại ký ức ẩm thực Hà Nội mà còn giúp độc giả Trung Quốc hiểu được bối cảnh lịch sử, xã hội của Việt Nam qua từng món ăn.
Cách ông viết là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư liệu khảo cổ, ghi chép dân gian và trải nghiệm cá nhân, khiến cuốn sách vừa mang giá trị nghiên cứu, vừa giàu chất đời sống.
Một thế hệ tác giả mới, một làn sóng xuất bản mới
Không lựa chọn con đường nổi bật hay những đề tài "quốc tế hóa", nhà văn Đỗ Quang Tuấn Hoàng lại hướng ngòi bút vào chiều sâu văn hóa dân tộc.
Tác phẩm Vắt qua những ngàn mây của ông là một hành trình tìm kiếm và ghi chép lại các mạch nguồn văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam đã được mua bản quyền và xuất bản tại Trung Quốc cuối năm 2024.
Tại Ngày hội Đọc sách quốc tế và Thư pháp TP Sùng Tả (Trung Quốc) mới đây, Đỗ Quang Tuấn Hoàng là khách mời chính, cùng giao lưu với các nhà văn nổi tiếng Trung Quốc.
Trong phần chia sẻ, ông khẳng định sứ mệnh của nghề viết là “đãi cát tìm vàng” để lưu giữ những tri thức văn hóa bản địa đang dần mai một.
Câu chuyện về những người H’mông miệt mài chế tác khèn, người Dao gìn giữ tri thức canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang hay người Chăm biến vùng đất khô cằn thành nơi phát triển sản vật du lịch… được kể bằng giọng văn mộc mạc, đầy cảm hứng.
Văn hóa, theo Đỗ Quang Tuấn Hoàng sẽ không còn tồn tại nếu ta không biết trân trọng và nâng niu nó như một phần của tài sản sống.
Có thể thấy, điểm chung giữa Nguyễn Phan Quế Mai, Vũ Thế Long và Đỗ Quang Tuấn Hoàng là đều không chọn cách ồn ào để ra thế giới.
Họ kiên trì đi theo con đường riêng, viết bằng ngôn ngữ quốc tế, dịch tác phẩm một cách bài bản, hoặc thổi hồn dân tộc vào từng trang viết để lay động người đọc trên thế giới.
Những câu chuyện của họ không cần thiết phải viết về những điều "to tát", mà chỉ cần viết chân thật, viết bằng cả trái tim và sự tôn trọng văn hóa của chính mình, thì những tác phẩm ấy vẫn luôn tìm được độc giả trên toàn cầu.

"The Mountains Sing" đã được dịch ra tiếng Pháp và giành giải thưởng văn học danh giá tại Pháp
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào đời sống văn hóa thế giới, sự vươn ra thế giới của văn học Việt không chỉ mang lại niềm tự hào mà còn mở ra cơ hội định vị lại văn hóa dân tộc bằng chính giọng nói của người Việt.
Và hành trình ấy đang được tiếp nối mỗi ngày, bằng những nỗ lực lặng thầm nhưng bền bỉ của những cây bút mang tâm huyết đưa văn hóa Việt ra thế giới.