Mượt mà khúc hát Aray
Về xã Cư Jút (Lâm Đồng), chúng tôi được hòa mình vào những giai điệu mộc mạc, da diết của khúc hát Aray.

Trong ngôi nhà dài, nghệ nhân Y Sim thổi Đinh Năm và bà H’Ni (thứ 2 từ trái qua)
Aray là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc của người Ê đê. Khúc hát được cất lên từ trái tim, qua giọng hát truyền cảm của những nghệ nhân dân tộc, gợi về bao câu chuyện của núi rừng, về đời sống lao động, tình yêu và khát vọng.
Khi tất cả mọi người quây quần bên bếp lửa hồng cùng với ché rượu cần ấm nồng thì bà H’Ni cất lên làn điệu Aray quen thuộc của dân tộc mình, hòa cùng tiếng kèn Đinh Năm do nghệ nhân Y Sim thể hiện trầm bổng, réo rắt. Tiếng khèn khi trầm lắng, lúc dồn dập như tiếng bước chân người đi rẫy, tiếng nước chảy, tiếng lòng người Ê đê gửi gắm trong từng cung bậc.
Ông Y Jút - người uy tín ở buôn Nui giải thích đây là bài “Drông Tue” hay còn gọi là bài đón khách được hát trong lễ hội hoặc buôn làng có khách quý vào thăm. Trong tất cả các làn điệu dân ca, dân vũ của người Ê đê thì hát Aray là độc đáo và đặc sắc nhất. Aray thực chất là lời đối đáp tự sự, trữ tình của người Ê đê. Và một nhạc cụ không thể thiếu trong khi hát Aray chính là cây đàn Đinh Năm. Giai điệu của Đinh Năm mô phỏng tiếng gió thổi, tiếng chim hót...

Nghệ nhân Y Sim và chiếc khèn Đinh Năm - nhạc cụ luôn song hành với điệu hát Aray của người Ê đê
Theo luật tục của người Ê đê, hát Aray không chỉ thể hiện khi buôn làng vào hội, lúc đi lên nương rẫy mà còn dùng cả trong lễ bỏ mả. Đồng bào Ê đê quan niệm rằng, khi chết, con người không biến mất hẳn mà là sự khởi đầu cho cái mới, sự hồi sinh và hát Aray là để cầu chúc cho người chết về cõi vĩnh hằng và sớm đầu thai kiếp mới. Ngoài ra, Aray còn là khúc hát giao duyên để các chàng trai, cô gái tìm bạn đời cho mình…
Bài hát Aray kết thúc, mọi người vỗ tay không ngớt và bà H’Ni bắt đầu kể về “duyên nợ” với Aray. Theo đó, ngay từ khi 10 tuổi, bà H’Ni đã bắt đầu biết hát Aray, học đến đâu ghi nhớ đến đó và cứ thế tình yêu đối với hát Aray cứ lớn dần, thấm sâu trong lòng bà. Trải qua hơn 50 năm, giờ đây bà H’Ni đã trở thành người diễn xướng chính trong các lễ hội của người Ê đê trên địa bàn. Ngoài những ngày lên nương rẫy, bà lại tham gia hát Aray trong các lễ hội của buôn làng và các vùng lân cận khi được mời. Không chỉ hát các bài Aray truyền thống, bà H’Ni còn biết thể hiện các bài Aray đặt lời mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng quê hương, đất nước đổi mới.
Bà H’Ni chia sẻ: “Hát Aray của người Ê đê độc đáo lắm và chỉ ai thực sự đam mê mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. Tôi yêu những câu hát Aray và chỉ mong nó sẽ được các thế hệ sau gìn giữ và phát huy”.
Nghệ nhân Y Sim tâm sự: “Các buôn làng người Ê đê ở xã Cư Jút, người biết hát Aray và người biết thổi kèn Đinh Năm không nhiều lắm. Bởi vậy, khi buôn làng có khách quý hay lễ hội là chúng tôi lại “bắt cặp” để cùng nhau biểu diễn làn điệu Aray”.
Càng yêu làn điệu Aray thì bà H’Ni lại càng trăn trở làm sao cho lớp trẻ biết trân quý nét văn hóa độc đáo này. Bà H’Ni tâm sự: “Lớp trẻ hiện nay chỉ thích nhạc trẻ, phim ảnh thôi chứ ít mặn mà với Aray hay cồng chiêng lắm. Tôi chỉ mong chính quyền các cấp tạo điều kiện để chúng tôi có thể gìn giữ làn điệu Aray của dân tộc mình”.
Khúc hát Aray không chỉ là lời ca, tiếng hát, mà còn là cách người Ê đê kể về mình, giản dị mà sâu sắc, mạnh mẽ mà đậm tình người. Bà H’Ni chính là cầu nối gìn giữ hồn cốt văn hóa Ê đê cho mai sau.