Lắng nghe sự bình an lên tiếng

Tiến sĩ Nguyễn Thành Hưởng là người con quê hương Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (cũ), từng nhận bằng khen Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 34 (năm 2014), giải A Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949 - 15/7/2024).

(Đọc "Dưới chân núi Tu Di", tập thơ của Nguyễn Thành Hưởng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2025).

Tập thơ “Dưới chân núi Tu Di” của Nguyễn Thành Hưởng -Ảnh: H.Đ.K

Tập thơ “Dưới chân núi Tu Di” của Nguyễn Thành Hưởng -Ảnh: H.Đ.K

Những ngày đầu tháng 7/2025, Nguyễn Thành Hưởng ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay "Dưới chân núi Tu Di". Thơ trong tập thơ này như lời chim non/ như hương trầm/như gió thổi ngàn năm (Giao thừa), dẫn dụ bạn đọc vào một thế giới khác: Vừa mơ vừa tỉnh, vừa trầm tĩnh mà không rời hiện thực, vừa thân quen như đất quê mà cũng lạ lẫm như tiếng vọng từ nơi sâu kín nhất trong lòng người.

Tên tập thơ gợi lên một hình ảnh mang tính biểu tượng và siêu hình học sâu sắc. Trong văn hóa Phật giáo, núi Tu Di là trung tâm của vũ trụ, là nơi cư ngụ của thập loại chúng sinh cho đến các tầng trời. Khi tập thơ lấy tên là "Dưới chân núi Tu Di", thì không chỉ là một cách định vị không gian, mà còn là một khẳng định về nơi chốn của tâm hồn, một sự chọn lựa đứng dưới ngọn nguồn cao cả, để ngước nhìn, để thấm nhận, lắng nghe.

"Lắng nghe” là một động thái thiêng liêng. Người đọc không chỉ được mời gọi để nghe âm thanh của chữ nghĩa, mà còn là để cảm nhận những âm vọng từ nội tâm, từ ký ức, từ quê hương, từ vết thương lịch sử, từ linh cảm siêu hình. Nguyễn Thành Hưởng không làm thơ như một sự kể tả, mà làm thơ như một sự lắng lọc. Có những bài thơ như hơi thở, như tiếng gió lướt qua vai áo. Có những bài lại như những đợt sóng thần thức đổ tràn lên lòng người.

Có thể nói, tập thơ là kết tinh của ba dòng chảy: Một dòng quê - đầy ắp nỗi nhớ và gắn bó máu thịt với mảnh đất miền Trung; một dòng thiền - hướng nội, chiêm nghiệm và vượt thoát; một dòng lịch sử - khắc khoải, chấn thương nhưng đầy tự hào. Ba dòng chảy ấy không song song mà xoắn quyện vào nhau như những vỉa nước ngầm, tạo nên một giọng thơ thâm trầm, khó trộn lẫn.

Trong sự hợp lưu ấy, tình yêu Tổ quốc nổi lên như một trục tâm linh không cần tô đậm. Ở bài thơ "Tổ quốc tôi", có thể nhận ra một mạch cảm xúc từ rất xa xưa, từ thuở Phù Đổng, từ những lớp sóng trống đồng, cho đến những nhịp đập hôm nay, nơi “trái tim mẹ trao con”, để nhịp sống cứ tiếp truyền miên viễn.

Không phải là sự tụng ca ồn ào, mà là lời thủ thỉ giữa những hồi tưởng và hiện diện. Tình yêu Tổ quốc trong thơ Nguyễn Thành Hưởng là thứ tình yêu không cần răn dạy, bởi nó đã tan vào máu, thấm vào hơi thở. Đó là Tổ quốc như “một chiếc nôi đong đưa nơi biển cả”, là tiếng mõ ban mai, là giọt nước mắt, là giấc mơ và lời ru.

Nhiều bài thơ trong tập có âm hưởng sử thi nhưng không phải để kể chuyện, mà để sống lại trong ý thức. Trong "Bài thơ nơi khu tưởng niệm Gạc Ma", giọng thơ rưng rưng mà không bi lụy. Những câu thơ khắc họa hình ảnh 64 người lính - những “trái tim bất khuất hóa mặt trời”, hình ảnh ấy vượt qua cái cụ thể để đi vào tầng biểu tượng, tầng linh thiêng.

Một trong những phẩm tính đáng trân trọng của tập thơ là sự bao dung, không phán xét. Bài thơ "Tấm ảnh “hai người lính" là một cái nhìn nhân văn: Hai người lính ở hai chiến tuyến vẫn chung một giống nòi, cùng nhau "thiêu đốt hoàng hôn". Thơ đứng về phe con người, phía nỗi đau và ký ức cần được chữa lành.

Trong những bài thơ như "Tồn tại và tư duy", "Này bóng này tôi", hay "Khả và bất khả", ta thấy Nguyễn Thành Hưởng bước vào lãnh địa của tư tưởng, nơi không chỉ cảm xúc mà còn là những tra vấn hiện sinh sâu sắc. Ông không làm triết học bằng thơ, nhưng để thơ chạm vào nỗi hoài nghi và những khoảng trống huyền nhiệm bất khả ngôn.

Thơ Nguyễn Thành Hưởng, dù hình thức nào, ngôn ngữ vẫn luôn nhắm đến sự giản dị cao độ, một thứ giản dị của chủ thể thơ đi qua biết bao trầm tích cảm xúc và trải nghiệm. Đó là sự giản dị của người đã sống đủ sâu để không cần trang trí, sống đủ thật để không phải chứng minh.

Tên bài viết này được gợi ý từ một câu thơ trong bài thơ "Hoa chùa". Nó là một tâm thế thơ. Một tiếng nói thì thầm kiên quyết, như từ một nơi rất sâu và rất sáng. Này tôi/tận lực thắp đèn lên để thấy/con người vô số bóng đen/cho đến khi thắp ánh tâm quang/từ bên trong tỏa chiếu ngập tràn/không tôi/không bóng/không ngọn đèn nào cả (Này bóng này tôi).

Thơ Nguyễn Thành Hưởng là một sự yên lặng có âm thanh, một sự trầm mặc có ánh sáng. Khi thế gian còn mãi xao xác, thì ở dưới chân núi Tu Di, vẫn có một người thơ đang ngồi lại, lặng yên, lắng nghe, "thương như thương nỗi đau”. Và từ sự lặng-thương ấy, thơ bung nở, như một nguồn suối tinh khiết, sáng trong, dẫn ta trở về chính cõi thẳm của mình.

Hoàng Đăng Khoa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/lang-nghe-su-binh-an-len-tieng-195804.htm
Zalo