Đà Nẵng mong muốn trở thành điểm đến văn hóa và du lịch mang tầm khu vực
Ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương. Lũy kế 6 tháng, thành phố đón hơn 8,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 3,7 triệu lượt, tăng tương ứng 16% và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2024.

Khách tham quan các hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: Kha Phạm/ TTXVN
Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt hơn 18,3 ngàn tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành Du lịch đã tham mưu UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn tại Quyết định 1404/QĐ-TTg ngày 28/6/2025; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt dự thảo “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp mặt sân cỏ của sân bóng đá Hòa Xuân; nhà ở vận động viên bóng đá; thực hiện cải tạo, nâng cấp Nhà hát Trưng Vương, nhà vệ sinh ven biển đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. Sở tiếp nhận và triển khai dự án tháp Chăm Bằng An, tháp Chăm Chiên Đàn, tháp Sáng thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương; tiếp tục theo dõi, đôn đốc triển khai dự án Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố, Bảo tàng Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ) và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm...
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: Hiện, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 2 di sản văn hóa thế giới; 1 di sản được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 28 di sản văn hóa phi vật thể thuộc Danh mục quốc gia; 4 di tích quốc gia đặc biệt; 84 di tích quốc gia; 475 di tích cấp thành phố và 19 bảo vật quốc gia.
Công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật cho các bảo tàng tiếp tục được triển khai. Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật và thể thao được tổ chức đa dạng, có chiều sâu, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần người dân và quảng bá hình ảnh thành phố.

Màn trình diễn pháo hoa của đội Trung Quốc tại đêm chung kết Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2025. Ảnh: Trần Lê Lâm/ TTXVN
Nhiều sự kiện quy mô lớn như Lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF 2025, Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng năm 2025, Đại hội Du lịch Golf châu Á - AGTC 2025, Hội thi Hợp xướng quốc tế Hội An 2025 cùng các chương trình nghệ thuật đường phố, festival văn hóa đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của đông đảo của du khách trong và ngoài nước.
Thời gian tới, Sở tiếp tục có giải pháp khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh phát triển du lịch, văn hóa, thể thao trên địa bàn; chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, hình thành các giá trị màu sắc văn hóa riêng, phù hợp với lịch sử phát triển văn hóa, con người Đà Nẵng. Sở đa dạng hóa hoạt động nghệ thuật quần chúng, thể dục, thể thao quần chúng; tổ chức hiệu quả hoạt động tuyên truyền các ngày lễ lớn; nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch trong tình hình mới...