Tác giả sách 'best seller' chia sẻ bí kíp hô biến việc đọc sách thành vũ khí phát triển bản thân
Tiếp tục loạt bài chào đón các tân sinh viên năm học 2024-2025, Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuộc trò chuyện cùng tác giả sách 'best seller' Tiến sĩ Trần Kim Liễu, giảng viên, cán bộ quản lý tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Bà sẽ chia sẻ về vai trò của kỹ năng đọc sách trong hành trình phát triển bản thân, cùng những phương pháp hữu ích giúp sinh viên xây dựng và duy trì thói quen đọc sách.
Thưa bà, kỹ năng đọc sách có vai trò như thế nào trong việc phát triển bản thân của một tân sinh viên?
TS. Trần Kim Liễu: Kỹ năng đọc sách thực sự quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là giới trẻ, vì một số lý do sau đây.
Trước tiên, việc đọc sách cung cấp tri thức, vì sách, báo, và các tài liệu đều là những nguồn tri thức kết tinh của nhân loại. Trong mỗi cuốn sách đều là những bài học truyền đạt, chia sẻ kiến thức, đưa ra một cái nhìn khía cạnh trong đời sống. Việc đọc sách hàng ngày sẽ giúp bạn trẻ trau dồi cho bản thân một lượng tri thức lớn.
Thứ hai, đọc sách giúp rèn luyện tư duy, kích thích trí tưởng tượng tốt hơn so với việc chỉ xem phim vì câu chữ có giá trị gợi mở nhiều hơn hình ảnh trực tiếp. Sách cũng giúp chúng ta có thể đối mặt với những vấn đề thường gặp trong cuộc sống vì khi đọc sách, ta sẽ phát hiện ra rằng không phải chỉ một mình ta có vấn đề, mà có nhiều người gặp vấn đề như ta.
Thứ ba, đọc sách cải thiện kỹ năng giao tiếp, vì mỗi ngày chúng ta học được từ sách cách lắng nghe, tiếp nhận và làm phong phú vốn từ ngữ, giúp việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn và ít nhàm chán hơn khi có kiến thức để chia sẻ.
Cuối cùng, đọc sách phát triển trí tuệ cảm xúc vì sách là nơi đúc kết và chứa đựng những triết lý, quan điểm đúng đắn được chiêm nghiệm từ bao đời nay. Sách có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp chúng ta có thể suy nghĩ tích cực hơn, cảm xúc cũng từ đó mà được cải thiện tốt hơn.
Nhiều sinh viên chưa có thói quen đọc sách từ sớm, vậy bà có thể chia sẻ những phương pháp hiệu quả để giúp các bạn bắt đầu hành trình đọc sách?
TS. Trần Kim Liễu: Để hình thành thói quen đọc sách, sinh viên có thể áp dụng một số phương pháp sau. Đầu tiên, hãy mua những cuốn sách đẹp, hấp dẫn và để ở nơi dễ nhìn thấy để kích thích hứng thú đọc. Những cuốn sách đẹp luôn dễ thu hút hơn. Đặt chúng ở bất cứ nơi nào có thể tiếp cận, kể cả ở nơi thư giãn như phòng tắm hoặc nhà vệ sinh.
Thứ hai, tạo thói quen đọc vào một thời gian nhất định mỗi ngày, như đọc 10-15 phút trước bữa sáng hoặc 5-10 trang trước khi ngủ để dần tạo thành một thói quen đọc ổn định. Dần dần bạn sẽ có thói quen cần phải “đọc một cái gì đó” vào giờ ấy. Thế là tốt rồi.
Tiếp theo, ta cần thiết lập mục tiêu khi đọc những cuốn sách. Khi đã tạo được thói quen, chúng ta cần thiết lập mục tiêu: Bạn cần biết và cần thực hiện điều gì? Ví dụ, muốn học cách giao tiếp, hãy tìm những cuốn sách về kỹ năng giao tiếp và đọc chúng; muốn phát triển kỹ năng kinh doanh, tìm và đọc những cuốn sách về nghệ thuật làm giàu; muốn quản lý tốt hãy đọc những sách về nghệ thuật dùng người, cẩm nang quản trị công ty…
Thứ tư, có thể ghi những ý hay từ sách, những điều bạn đã học được qua nhân vật trong sách, qua những gì sách đề cập. Điều đó giúp bạn nhớ lâu hơn những gì mình đã đọc và tích tụ thêm cho bạn những kiến thức bổ ích mới.
Ngoài ra, sinh viên cũng có thể tạo cảm hứng đọc sách bằng cách trang trí không gian đọc với những vật dụng yêu thích như ấm trà hoặc cà phê, và đặt điện thoại xa tầm mắt khoảng 30 phút mỗi ngày để tập trung đọc sách.
Cuối cùng, hãy đọc sách cùng bạn bè. Tuy ban đầu khi chưa có thói quen đọc , bạn có thể lười và ngại đọc, hãy tham gia hoặc mạnh dạn tạo nhóm đọc, cùng đọc với nhau vào một giờ mà ai cũng có thể tham gia: sáng sớm hoặc tối muộn, dần dần bạn sẽ có được thói quen.
Với nguồn tài liệu phong phú hiện nay, sinh viên thường gặp khó khăn trong việc chọn sách. Theo bà, làm thế nào để sinh viên có thể lựa chọn những cuốn sách và tài liệu phù hợp với nhu cầu và mục tiêu của bản thân?
TS. Trần Kim Liễu: Thứ nhất, để chọn sách phù hợp, sinh viên nên xác định rõ mục tiêu đọc của mình, biết mình muốn học gì hoặc bổ sung kiến thức nào.
Thứ hai, nên tìm hiểu thông tin về cuốn sách, chẳng hạn như tên sách, tác giả và nhà xuất bản để thuận tiện cho việc tìm kiếm để mượn hoặc mua sách.
Thứ ba, xem mục lục sách để đánh giá nội dung có phù hợp với tên sách và mục tiêu đọc của bản thân không.
Thứ tư, đọc lời nói đầu và lời tựa, vì đây là phần tác giả truyền tải thông điệp chính của cuốn sách; nếu lời tựa được viết bởi chuyên gia uy tín, độ tin cậy của sách sẽ tăng cao.
Cuối cùng, đọc thử một vài đoạn để xem văn phong có hấp dẫn và chuyên nghiệp không trước khi quyết định mua hoặc đọc. Sau khi thấy các thông tin ấy đã đủ để khẳng định cuốn sách ấy phù hợp với mình thì bạn quyết định mua và đọc nó.
Bà có thể gợi ý một số đầu sách mà sinh viên nên đọc trong năm học đầu tiên để phát triển tư duy và kỹ năng sống không?
TS. Trần Kim Liễu: Có rất nhiều sách hay trên nhiều lĩnh vực phù hợp với giới trẻ, nhưng có những cuốn không nên bỏ qua như: Nhà giả kim (tựa gốc tiếng Bồ Đào Nha: O Alquimista) là tiểu thuyết được xuất bản lần đầu ở Brazil năm 1988, và là cuốn sách nổi tiếng nhất của nhà văn Paulo Coelho. Tác phẩm đã được dịch ra 67 ngôn ngữ và bán ra tới 95 triệu bản (theo thống kê ngày 19 tháng 5 năm 2008), trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại; hay như Những bí quyết trong giao tiếp của Larry King; hay Muôn kiếp nhân sinh là một bộ sách về tâm linh do giáo sư John Vũ sáng tác dưới bút danh Nguyên Phong và được công ty First News phát hành năm 2020. Thông qua hành trình trải nghiệm quá khứ qua nhiều kiếp sống của một doanh nhân người Mỹ, tác phẩm bàn về luật nhân quả, sự luân hồi, tái sinh và cuộc sống của con người.
Sinh viên thường phải đối mặt với lịch học dày đặc trên trường. Theo bà, làm sao để duy trì thói quen đọc sách một cách hiệu quả trong khi vẫn hoàn thành tốt việc học tập?
TS. Trần Kim Liễu: Để duy trì thói quen đọc sách trong lịch học dày đặc, sinh viên nên thử thức dậy sớm hơn vào buổi sáng, dành vài phút khởi động não bộ bằng cách đọc 5-10 trang sách, hoặc tạo thói quen "cách ly" điện thoại 30 phút mỗi ngày cho việc đọc. Trong khi di chuyển bằng phương tiện công cộng, sinh viên có thể tận dụng thời gian đọc sách yêu thích hoặc nghe sách nói nếu không tiện mang sách giấy.
Bà có thể chia sẻ những sai lầm thường gặp mà sinh viên hay mắc phải trong việc tiếp cận việc đọc sách, và cách khắc phục những sai lầm này?
TS. Trần Kim Liễu: Thực ra, không nên nói đến việc “sai lầm” khi bạn quyết định đọc sách, vì đọc là tốt rồi. Nhưng cũng nên tránh một số điều khiến cho việc đọc trở nên ít hiệu quả:
Thứ nhất, không xác định mục tiêu để đọc: Muốn gì khi đọc cuốn sách ấy?
Thứ hai, đọc theo phong trào: có những cuốn sách “hot” nhưng không phù hợp với bạn ở thời điểm này, việc đọc sẽ làm mất thêm nhiều thời gian của bạn
Thứ ba, ép mình đọc sách khi không thể tập trung: việc đọc như vậy sẽ không thể tập trung, sẽ không thấy sách hay và không nhờ được những gì mình đọc, thì sẽ không cảm thụ được và không ứng dụng được vào cuộc sống.
Theo bà, đọc sách online và đọc sách in có sự khác biệt gì trong việc tiếp nhận kiến thức và phát triển kỹ năng? Sinh viên nên lựa chọn phương pháp nào?
TS. Trần Kim Liễu: Đọc online thì tiện cho giới trẻ vì: không phải mang vác, không phải tốn nhiều chi phí mua sách giấy (thường đắt hơn khi mua quyền đọc 1 cuốn sách điện tử), nhưng sẽ hại mắt và ít cho người đọc cảm xúc về sự đọc (là điều khá quan trọng trong văn hóa đọc), đôi khi sẽ ngại với những cuốn sách dài vì cảm giác lướt nhanh trên bản mềm sẽ khiến người đọc nhanh bị chán.
Đọc sách giấy giúp đỡ hại mắt hơn, cho cảm giác sờ vào từng trang sách và sở hữu cuốn sách khiến người đọc thấy yêu sách và gắn bó với cuốn sách, từ đó duy trì được việc thích đọc cuốn sách ấy.
Tùy điều kiện mà bạn trẻ chọn cách đọc thích hợp với điều kiện và sức khỏe của mình.
Cuối cùng, bà có lời khuyên nào cho sinh viên về cách tiếp cận việc đọc sách để đạt hiệu quả tốt nhất trong học tập và phát triển cá nhân?
TS. Trần Kim Liễu: Sinh viên hãy tin tưởng rằng đọc sách là hữu ích, từ đó tạo động lực đọc mỗi ngày. Hãy bắt đầu với những mục tiêu nhỏ, như đọc 5 phút hoặc 5 trang sách mỗi ngày, đọc nhanh rồi đến đọc sâu… đừng ép mình làm những gì quá lớn ngay từ đầu, sẽ nhanh nản chí nếu không đạt mục tiêu. Bên cạnh đó, hãy kết hợp việc đọc sách với thói quen hàng ngày, chẳng hạn như nghe sách nói khi chạy bộ hoặc đọc vài trang trước bữa sáng, sẽ giúp hình thành và duy trì thói quen đọc sách.
TS. Trần Kim Liễu hiện là giảng viên và cán bộ quản lý tại trường Đại học Luật Hà Nội. Từng theo học chuyên văn tại trường Lê Hồng Phong - Nam Định, TS. Kim Liễu đã sớm hình thành niềm đam mê đọc sách, từ các tác phẩm văn học đến Hán Nôm. Từ năm 2020, bà đã thành lập một câu lạc bộ đọc sách, duy trì thói quen đọc vào 5:00 sáng mỗi ngày. TS. Trần Kim Liễu là đồng tác giả của cuốn Thư thả sống - một trong những tác phẩm "best-seller" trong quý 1/2024.