'Giữ lửa' văn hóa đọc trong trường học
Để tạo nên thói quen đọc sách cho học sinh, giúp các em nâng cao sự hiểu biết và phát triển kỹ năng sống trước sự phát triển ngày càng nhanh của công nghệ thông tin như hiện nay, những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã có những cách làm hay, hiệu quả, nhằm 'giữ lửa' văn hóa đọc trong môi trường học đường. Qua đó, mang lại hiệu quả tích cực trong việc khơi dậy niềm đam mê và hình thành thói quen đọc sách của mỗi cá nhân.
Trường THCS Phương Xá, xã Minh Tân năm học 2024 -2025 có 14 lớp với 563 học sinh. Nhận thấy việc đọc sách là phương pháp học tập giúp các em học sinh tiếp thu và mở rộng kiến thức một cách đơn giản, hiệu quả, nhà trường đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích học sinh đọc sách thông qua các tiết sinh hoạt dưới cờ hàng tuần; xây dựng thư viện trường học phong phú gần 2.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Đồng thời, bố trí các tiết đọc tại thư viện, khuôn viên trường cho học sinh thỏa mãn nhu cầu đọc, tìm hiểu nhằm tạo hứng thú cho các em mỗi ngày.
Từ việc duy trì thói quen đọc sách cho các em, nhà trường đã vinh dự đại diện cho huyện tham dự Hội thi Thiếu nhi Đất Tổ kể chuyện, tuyên truyền, giới thiệu sách - Hè 2024 với chủ đề “Dấu chân người lính” và giành giải Ba.
Thầy giáo Bùi Huy Nghiệp – Hiệu trưởng Trường THCS Phương Xá cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của học sinh, hằng năm, nhà trường luôn chú trọng bổ xung những sách có ý nghĩa, đặc biệt là sách về về chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiên liêng của Tổ quốc. Điều này không chỉ giúp nâng cao văn hóa đọc cho học sinh mà còn nhân lên truyền thống yêu quê hương, đất nước để các em hình thành tư duy và nền tảng kiến thức tốt ngay từ khi còn trên nghế nhà trường”.
Còn tại Trường THPT Cẩm Khê, vào mỗi giờ giờ ra chơi, thay vì chạy nhảy, nô đùa, nhiều học sinh đã nhanh chóng đến với khu vực thư viện để tìm cho mình những cuốn sách hay, quyển truyện ưng ý. Cũng nhờ thói quen này mà em Hoàng Quỳnh Hương – học sinh lớp 12A1 đã giành được giải Chuyên đề tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Phú Thọ năm 2023-2024.
Quỳnh Hương chia sẻ: Cuốn sách “Dám nghĩ lớn” mang lại cho em động lực và sự vững vàng để bản thân có niềm tin vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Đến với cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, em không chỉ được gặp gỡ, giao lưu sở thích đọc sách với các bạn cùng trang lứa mà còn có cơ hội tiếp cận với nguồn tri thức vô tận để trau dồi nhân cách và định hướng tương lai của mình, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường.
Thời gian qua, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các nhà trường đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức thông qua việc tổ chức các hoạt động đa dạng như: Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam và Ngày văn hóa đọc; giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, sân khấu hóa nội dung về sách... Qua đó, tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh có điều kiện giao lưu, học tập, góp phần thực hiện phong trào “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”.
Để phát triển văn hóa đọc trong trường học trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội dẫn đến việc học sinh và xã hội có thói quen đọc và nghiên cứu trên internet, ít có thói quen đọc sách, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường xã hội hóa để xây dựng thêm các thư viện xanh, thư viện đạt chuẩn với đa dạng các đầu sách hay, giúp các em được tiếp cận với nguồn thông tin chính thống, trong đó, tập trung định hướng cho học sinh biết lựa chọn, cảnh giác trước những luồng thông tin độc hại trên mạng internet.
Cùng với những định hướng của ngành, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh phong trào đọc sách, đội ngũ giáo viên phải nêu gương với vai trò khuyến khích, hướng dẫn các em cách lựa chọn, khai thác và xử lý thông tin từ sách. Đồng thời, tổ chức thêm nhiều hoạt động tuyên truyền, tôn vinh sách giúp học sinh gần với sách, báo, tài liệu tham khảo. Qua đó, giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, cộng đồng và xây dựng xã hội học tập.