Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm
Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra, có nhiều triệu chứng giống nhau và dễ gây nhầm lẫn.
Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, gây ra bởi hơn 200 loại virus khác nhau. Bệnh có thể lưu hành ở mọi thời điểm trong năm, dễ bắt gặp nhất là vào thời điểm thời tiết trở lạnh vì hầu hết virus này dễ dàng phát triển ở môi trường có độ ẩm thấp.
Trong khi đó, cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus Influenza, lây truyền qua đường hô hấp. Các loại virus này có tính chất thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục.
Trung bình, một người có thể bị cảm 1-3 lần mỗi năm. Tuy nhiên một số người dễ mắc bệnh hơn và khi mắc bệnh dễ gặp biến chứng hơn, bao gồm:
Người trên 65 tuổi
Trẻ em dưới 6 tuổi
Người bị suy giảm hệ miễn dịch
Phụ nữ trong thai kỳ
Theo ThS.BS Lý Kiều Diễm, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện sau khoảng 2 ngày nhiễm virus. Trong thời gian này, trẻ sẽ có các biểu hiện như ho, sổ mũi, sốt, đau họng, viêm hô hấp... Tuy nhiên, trẻ không lừ đừ mà vẫn hoạt động, vui chơi bình thường, tỉnh táo, sau đó khỏe mạnh dần.
Ngược lại, trong trường hợp trẻ xuất hiện các triệu chứng kể trên với diễn tiến nặng hơn mỗi ngày, chẳng hạn sốt cao hơn, ho nhiều hơn, nước mũi trong chuyển sang nước mũi xanh/vàng, trẻ mệt lừ đừ..., ba mẹ có thể nhận diện trẻ đang bị cảm cúm.
Hầu hết phương pháp điều trị cảm lạnh và cảm cúm hiện nay là kê thuốc làm dịu các cơn đau đầu, đau họng và ho, làm thông mũi và xoang. Nhiều người lựa chọn kháng sinh để điều trị cảm lạnh và cảm cúm ngay từ đầu. Trên thực tế, kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, trong khi cảm lạnh và cảm cúm là do virus gây ra.
Khi bị cảm lạnh và cảm cúm, người bệnh nên tuân theo các nguyên tắc sau:
Giữ ấm cơ thể
Uống nhiều nước hoặc nước trái cây
Làm dịu cổ họng bằng cách xúc nước muối hoặc uống trà chanh mật ong
Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi
Ăn thức ăn ấm