Tác động của xung đột Nga-Ukraine với chế độ tuyển quân ở châu Âu

Hầu hết các quốc gia châu Âu đã bãi bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Giờ đây, một số nước rục rịch muốn đưa nó quay trở lại.

Binh sĩ Đức tham gia khóa huấn luyện tại Altengrabow, đông Đức, ngày 26/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ Đức tham gia khóa huấn luyện tại Altengrabow, đông Đức, ngày 26/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ năm nay, nghĩa vụ quân sự bắt buộc quay trở lại Latvia. Nếu không đủ tình nguyện viên đăng ký nghĩa vụ 11 tháng, quân đội Latvia sẽ áp dụng chế độ quân dịch với nam thanh niên. Nước láng giềng Litva đã áp dụng lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 2015, Thụy Điển vào năm 2017 và các quốc gia như Đức và Anh hiện đang thảo luận xem liệu họ nên có động thái tương tự hay không.

Bà Sophia Besch thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) nhận định: “Cam kết về nghĩa vụ quân sự thực sự có sức mạnh. Nó dường như mở ra một con đường để xây dựng lực lượng dự bị quân sự, đó là điều bạn cần trong trường hợp xảy ra chiến tranh”.

Nhiều quân đội châu Âu, hiện gặp khó khăn trong việc tuyển đủ binh lính. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc dường như không cần thiết ở châu Âu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhưng từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mọi thứ đã thay đổi. Bà Besch nhận định các nước châu Âu lo ngại xung đột trực tiếp với Nga và họ muốn được chuẩn bị cho điều đó.

Bà Besch nói, trong một thời gian dài, có quan điểm cho rằng quân đội châu Âu cần nhiều công nghệ hiện đại hơn, giảm lượng quân nhân chuyên nghiệp nhưng "Lục địa già" cần cả hai. Bà nhận xét: “Chúng ta cần lực lượng được trang bị tối tân. Cần công nghệ trên chiến trường và cần thêm quân. Đó chính xác là những gì cuộc chiến ở Ukraine cho chúng ta thấy”. Chiến tranh hiện đại cần có vũ khí công nghệ cao nhưng đồng thời cũng cần binh sĩ có khả năng vận hành chúng.

Nhưng có nhiều yếu tố cần cân nhắc khi tái áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Một trong số đó là áp lực về kinh tế. Theo một nghiên cứu gần đây, tái áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc có thể khiến Đức tốn tới 70 tỷ euro mỗi năm. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến nền kinh tế khi thanh niên phải phục vụ trong quân đội thay vì đi làm.

Binh sĩ Thụy Điển tham gia cuộc tập trận của NATO tại khu vực biên giới giữa Na Uy và Phần Lan ngày 9/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ Thụy Điển tham gia cuộc tập trận của NATO tại khu vực biên giới giữa Na Uy và Phần Lan ngày 9/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh đó, một chuyên gia nhận định với kênh DW (Đức) rằng việc nhập ngũ với thời gian huấn luyện dưới một năm đơn giản là không đủ.

Theo chuyên gia này, còn có một vấn đề khác nghiêm trọng hơn việc thiếu đào tạo và kinh nghiệm. Đó là việc buộc thanh niên phục vụ trong lực lượng vũ trang trái với ý muốn của họ kéo theo vấn đề về thiếu động lực tham gia chiến đấu.

Trong khi đó, mô hình của Thụy Điển được đánh giá cao bởi dựa trên tự nguyện. Chỉ những người có động lực cao mới được mời tham gia. Quân đội có thể sử dụng nhiều bài kiểm tra để chọn ra những cá nhân phù hợp nhất phục vụ trong lực lượng vũ trang. Bằng cách này, số lượng tân binh sẽ giảm, nhưng theo thời gian, quân đội có thể thu hút được một lượng rất lớn binh lính chất lượng.

Bà Besch cho rằng các quốc gia đang cân nhắc việc áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc nên tìm đến Phần Lan. Ở Phần Lan, người dân có động lực cao trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và sau đó tham gia lực lượng dự bị. Theo bà Besch, điều này rất quan trọng. Bà phân tích: "Bạn phải nuôi dưỡng tâm lý sẵn sàng phục vụ và ý thức về mục đích rằng bạn có thứ gì đó đáng để đấu tranh”. Theo bà, không thể áp đặt rằng thanh niên cần sẵn sàng chiến đấu và có thể hy sinh tính mạng vì đất nước của họ.

Do đó, theo DW, dự kiến có nhiều tranh luận kéo dài trước khi các quốc gia châu Âu khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/tac-dong-cua-xung-dot-ngaukraine-voi-che-do-tuyen-quan-o-chau-au-20240715112212591.htm
Zalo