Quân sự thế giới hôm nay (19-8): Tên lửa Iskander-M tiêu diệt pháo phản lực M270

Quân sự thế giới hôm nay (19-8-2024) có những nội dung: Nga tiêu diệt pháo phản lực M270 của Ukraine bằng tên lửa Iskander-M, Mỹ lắp đặt hệ thống chỉ huy bay không người lái trên tàu sân bay, Đan Mạch mua gần 6.000 bộ dẫn đường chính xác cho đạn pháo.

Nga tiêu diệt pháo phản lực M270 của Ukraine bằng tên lửa Iskander-M

Theo Army Recognition, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phá hủy hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 đầu tiên của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M ở gần thị trấn Bezdryk, tỉnh Sumy (Ukraine). Theo các nguồn tin, hệ thống pháo phản lực M270 bị tập kích khi đang tham gia hoạt động tấn công qua biên giới của Ukraine vào tỉnh Kursk (Nga). Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hệ thống pháo phản lực M270 trên bị UAV trinh sát phát hiện, đánh dấu tọa độ và chuyển thông tin cho kíp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.

 Ảnh chụp màn hình video được công bố bởi Bộ Quốc phòng Nga cho thấy hệ thống pháo phản lực M270 bị trúng tên lửa. Ảnh: Army Recognition

Ảnh chụp màn hình video được công bố bởi Bộ Quốc phòng Nga cho thấy hệ thống pháo phản lực M270 bị trúng tên lửa. Ảnh: Army Recognition

Ukraine đã nhận được tổng cộng 34 hệ thống pháo phản lực M270 từ các đồng minh phương Tây, bao gồm 14 hệ thống từ Anh, 11 hệ thống từ Na Uy, 5 hệ thống từ Đức, 4 hệ thống từ Italy và Pháp. Được chuyển giao từ tháng 7 đến tháng 10-2022, những hệ thống này đã tăng cường đáng kể khả năng tấn công chính xác tầm xa của Ukraine.

M270 là hệ thống pháo phản lực/tên lửa phóng loạt do Mỹ phát triển và đã được nhiều quốc gia sử dụng từ đầu thập niên 1980. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỏa lực tầm xa cho lực lượng mặt đất. M270 được gắn trên khung gầm xe bánh xích, giúp nó có khả năng cơ động trên nhiều địa hình khác nhau, từ đó có thể triển khai và thay đổi vị trí nhanh chóng khi tác chiến thực tế.

M270 có thể mang theo 12 quả rocket 227mm hoặc hai quả tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS. Các loại rocket và tên lửa này có thể được trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm đầu đạn nổ mạnh, đạn chùm hoặc đạn dẫn đường. Tầm bắn của rocket 227mm thay đổi tùy thuộc vào loại đạn, cụ thể rocket không dẫn đường có tầm bắn lên tới 32km, trong khi rocket dẫn đường có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 70-80km. Bên cạnh đó, tên lửa ATACMS, với tầm bắn lên tới 300km, giúp mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của hệ thống pháo M270.

Điều đó lý giải vì sao các hệ thống pháo như M270 hoặc HIMARS luôn là những mục tiêu ưu tiên tập kích của các lực lượng Nga. Bằng cách phá hủy các hệ thống này, Nga làm suy yếu khả năng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa với độ chính xác cao của Ukraine.

Mỹ lắp đặt hệ thống chỉ huy bay không người lái trên tàu sân bay

Hải quân Mỹ vừa hoàn tất việc lắp đặt Trung tâm tác chiến Thiết bị bay không người lái (UAWC) đầu tiên trên tàu sân bay USS George H.W. Bush (CVN-77). Đây là bước tiến quan trọng, cho phép tàu sân bay dễ dàng tích hợp và vận hành các phương tiện không người lái như máy bay tiếp nhiên liệu MQ-25 Stingray vào các hoạt động tác chiến.

Khu vực Trung tâm tác chiến Thiết bị bay không người lái trên tàu sân bay USS George H.W. Bush. Ảnh: Hải quân Mỹ

Khu vực Trung tâm tác chiến Thiết bị bay không người lái trên tàu sân bay USS George H.W. Bush. Ảnh: Hải quân Mỹ

UAWC sẽ đóng vai trò như một "phòng điều khiển" trên tàu sân bay, nơi các phi công điều khiển phương tiện bay (AVP) có thể giám sát và điều khiển các hoạt động của máy bay không người lái MQ-25 Stingray cũng như các phương tiện không người lái khác trong tương lai.

Theo thông cáo báo chí từ Bộ chỉ huy Hệ thống Không quân Hải quân (NAVAIR) vào ngày 15-8-2024, việc lắp đặt UAWC là một nỗ lực kéo dài nhiều năm, được phối hợp chặt chẽ bởi các lực lượng trong các giai đoạn bảo trì và triển khai của tàu sân bay.

Dự kiến đầu năm tới, tàu USS George H.W. Bush sẽ tiến hành thử nghiệm hoạt động của Trung tâm tác chiến Thiết bị bay không người lái trên biển lần đầu tiên. Đại tá Daniel Fucito, phụ trách Chương trình hàng không không người lái trên tàu sân bay (PMA-268), nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống này: "UAWC được lắp đặt trên USS George H.W. Bush giúp Hải quân Mỹ vận hành và kiểm soát hiệu quả các phương tiện bay không người lái. Hệ thống này ban đầu sẽ hỗ trợ MQ-25 Stingray nhưng cũng sẽ hỗ trợ các phương tiện không người lái khác trong tương lai”.

Máy bay không người lái MQ-25 Stingray được điều khiển từ xa để tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ F-35C Lightning II. Ảnh: Boeing

Máy bay không người lái MQ-25 Stingray được điều khiển từ xa để tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ F-35C Lightning II. Ảnh: Boeing

Việc lắp đặt UAWC trên tàu sân bay USS George H.W. Bush đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa của Hải quân Mỹ, hướng tới một tương lai với sự tham gia ngày càng tăng của các phương tiện không người lái trong các hoạt động tác chiến trên biển.

Đan Mạch mua gần 6.000 bộ dẫn đường chính xác cho đạn pháo

Theo Cơ quan hợp tác An ninh Quốc phòng (Bộ Quốc phòng Mỹ), Bộ Ngoại giao nước này vừa “bật đèn xanh” cho hợp đồng vũ khí của Bộ Quốc phòng Đan Mạch, bao gồm việc đặt mua gần 6.000 bộ dẫn đường chính xác từ tập đoàn Northrop Grumman cho các loại đạn pháo và các phụ kiện hỗ trợ liên quan, với tổng giá trị ước tính khoảng 85 triệu USD.

Đan Mạch mua gần 6.000 bộ dẫn đường chính xác cho đạn pháo. Ảnh minh họa: ukdefencejournal.org.uk

Đan Mạch mua gần 6.000 bộ dẫn đường chính xác cho đạn pháo. Ảnh minh họa: ukdefencejournal.org.uk

Đơn hàng của Đan Mạch bao gồm 5.832 bộ dẫn đường chính xác M1156, được thiết kế để nâng cao độ chuẩn xác của đạn pháo 155mm bằng cách biến chúng thành đạn dẫn đường chính xác. Hợp đồng mua bán cũng bao gồm các phụ kiện đi kèm, chi phí cho quá trình thử nghiệm độ tương thích, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo, cùng nhiều yếu tố đảm bảo khác.

Bộ dẫn đường chính xác M1156 do Lục quân Mỹ phát triển, hoạt động tương tự như hệ thống dẫn đường JDAM được sử dụng cho bom thông minh. Bộ dẫn đường chính xác được gắn vào đầu quả đạn pháo thông thường, kết nối GPS và các kết cấu điều khiển trên bề mặt cho phép điều chỉnh đường bay đạn pháo để cải thiện độ chính xác. Hệ thống này đã được triển khai sản xuất từ năm 2009 và được Quân đội Mỹ đưa vào sử dụng kể từ năm 2013.

TRUNG THÀNH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-19-8-ten-lua-iskander-m-tieu-diet-phao-phan-luc-m270-790054
Zalo