Tác động của ô nhiễm môi trường đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe người dân nông thôn

Sự suy giảm chất lượng môi trường khu vực nông thôn tác động đến sức khỏe người dân, làm gia tăng tỉ lệ bệnh tật, suy giảm chất lượng cuộc sống, tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Thông tin này được nêu tại Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố.

Theo báo cáo, ô nhiễm môi trường và hệ quả của việc này đã được các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu và được công bố đến cộng đồng. Tác động của ô nhiễm môi trường đã được lượng hóa thông qua dữ liệu về sự suy giảm sức khỏe của con người, thiệt hại của các ngành kinh tế hay thông qua phản ánh, bức xúc của cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm.

Vấn đề ô nhiễm môi trường thực sự trở nên cấp bách khi xuất hiện tại các khu vực nhạy cảm, như các khu vực giáp ranh, khu vực đầu nguồn nước hay khu vực vùng sâu, vùng xa… mà thường phân bố ở khu vực nông thôn, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước.

Báo cáo chỉ ra rằng, sự suy giảm chất lượng môi trường khu vực nông thôn tác động đến sức khỏe người dân, làm gia tăng tỉ lệ bệnh tật, suy giảm chất lượng cuộc sống, tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Ô nhiễm môi trường tác động trực tiếp qua con người ăn uống và tiếp xúc với những khu vực bị ô nhiễm môi trường nước hoặc đất, dẫn đến nhiều loại bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, viêm gan, dịch tả, thiếu máu… và nhiều bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp và đường tiêu hóa.

Tác động của ô nhiễm môi trường ảnh trực tiếp đến sức khỏe con người cũng như thiệt hại đến kinh tế.

Tác động của ô nhiễm môi trường ảnh trực tiếp đến sức khỏe con người cũng như thiệt hại đến kinh tế.

Tác động của ô nhiễm không khí

Theo Báo cáo Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (IMHE, 2019), ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng về nguy cơ gây tử vong và bệnh tật tại Việt Nam, tăng một bậc so với năm 2017. Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Trẻ em, phụ nữ, phụ nữ mang thai, người già, người có thể trạng yếu, người đang mang bệnh là những đối tượng có nguy cơ cao bị suy giảm sức khỏe bởi ô nhiễm không khí. Mức độ ảnh hưởng đối với từng đối tượng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ, loại chất ô nhiễm và thời gian phơi nhiễm.

Ngoài ô nhiễm không khí ngoài trời, ô nhiễm không khí trong nhà do khí thải từ các hộ gia đình cũng gây nguy cơ đến sức khỏe con người rất lớn, đặc biệt ở khu vực nông thôn, tại đây nhiên liệu sinh khối và than đá được sử dụng để nấu ăn và sưởi ấm là chủ yếu. Việc đốt nhiên liệu rắn trong nhà được xem là nguồn 101 chính gây ra tình trạng ô nhiễm bụi mịn và thường được đánh giá bởi thông số bụi PM2,5. Giá trị thông số bụi PM2,5 càng cao thì tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng. Khói sinh khối làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi và các nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp trên ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tác động của ô nhiễm nguồn nước

Theo báo cáo tổng kết của Bộ Y tế về tình hình thực hiện Chỉ thị số 29/CTTTg ngày 26 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, đến hết năm 2022, vẫn còn khoảng gần nửa hộ gia đình nông thôn chưa được sử dụng nguồn nước đạt chuẩn. Sự hạn chế trong tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Nguồn nước bị nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút, nhiễm hóa chất BVTV, kim loại nặng nếu không qua xử lý, khi con người sử dụng lâu dài là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh liên quan đến nước. Một số nhóm bệnh điển hình liên quan đến nguồn nước có thể kể đến gồm: các bệnh về đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn; bệnh giun sán như giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim; các bệnh do muỗi truyền như bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… và (iv) các bệnh về mắt, ngoài da và bệnh phụ khoa.

Mặc dù tỉ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt đã tăng lên, nhưng còn nhiều vùng nông thôn hoặc do chưa có hệ thống xử lý nước sạch, hoặc do người dân không có đủ điều kiện để chi trả cho việc dùng toàn bộ nước máy nên người dân vẫn phải dùng nguồn nước ngầm hoặc những nguồn nước khác bị ô nhiễm trong sinh hoạt hàng ngày như tắm, giặt thậm chí nấu ăn trong thời kì khô hạn. Việc sử dụng nguồn nước này thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều bệnh liên quan đến tiêu hóa, ngoài da, bệnh đau mắt thậm chí là ung thư vẫn đang diễn ra trong đời sống người dân nông thôn.

Tác động của chất thải và ô nhiễm môi trường đất

Tình trạng ô nhiễm đất do dư lượng hóa chất BVTV, từ đó tích lũy vào nông sản, thực phẩm, gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm và những tác động lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Ngoài ra, còn các mối đe dọa tiềm tàng lớn hơn từ sự xâm nhập của chất ô nhiễm trong đất vào tầng nước dưới đất được sử dụng cho con người.

Ngoài ra, ở nhiều vùng nông thôn trên cả nước, không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát cạnh con đường liên thôn, liên xã. Thậm chí, CTRSH còn bị người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông, trên các kênh, rạch, sông, suối… Các loại chất thải này đang được thải ra môi trường nông thôn mỗi ngày mà phần lớn là chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Điều này dẫn đến hóa chất và vi sinh vật từ chất thải dễ dàng thâm nhập gây ô nhiễm đất. Đất bị ô nhiễm trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người 103 thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc qua đường hô hấp do sự bốc hơi hoặc qua chuỗi thức ăn đi vào cơ thể người và gây ra các bệnh về tim mạch, thần kinh, xương khớp, hô hấp, ung thư…

Tác động đến phát triển kinh tế - xã hội

Ô nhiễm nguồn nước, suy giảm chất lượng canh tác… đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân, nhất là đối với người nông dân nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc không thể có cơ hội thay đổi công việc, chỗ ở. Môi trường nước mặt (sông, hồ, kênh, mương) là nguồn tưới tiêu chính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Khi chất lượng nước của hệ thống này bị ô nhiễm dẫn tới những thiệt hại không nhỏ đối với hoạt động canh tác tại các khu vực nông thôn.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường đất. Việc sử dụng dư thừa các sản phẩm hóa học như phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu, trừ cỏ… đã khiến cho đất bị chua hóa và chai cứng…, dẫn đến năng suất cây trồng bị giảm sút. Sử dụng hóa chất BVTV cũng gây nên tình trạng sản phẩm bị nhiễm độc, ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm, từ đó thu nhập của người nông dân cũng bị giảm đáng kể.

Ô nhiễm không khí cũng gây thiệt hại tới cây trồng và kinh tế, đặc biệt khí thải từ các lò sản xuất gạch ngay tại khu canh tác đã gây ra những tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng cây trồng.

Ngoài ra, dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn tại các khu vực cửa sông. Mực nước biển dâng sẽ dẫn đến xâm nhập mặn, một trong những nguyên nhân gây thiệt hại đáng kể cho nông nghiệp, nếu hiện tượng này kéo dài có thể gây tổn hại đến hệ sinh thái nước ngọt, đe dọa đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, đặc biệt là các vùng đất thấp canh tác nông nghiệp ở ven biển.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tac-dong-cua-o-nhiem-moi-truong-den-doi-song-sinh-hoat-va-suc-khoe-nguoi-dan-nong-thon-96080.html
Zalo