Synopsys đầu tư chiến lược vào thế hệ kỹ sư thiết kế vi mạch tương lai

Synopsys chính thức khởi động học bổng thiết kế vi mạch đầu tiên tại Việt Nam, mở ra cơ hội cho sinh viên tiếp cận sâu hơn với công nghệ bán dẫn toàn cầu.

Chương trình học bổng này là một phần trong cam kết dài hạn của Synopsys Việt Nam nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đóng góp tích cực cho hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.

Động lực từ một ngành công nghiệp đang bùng nổ

“Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ, việc đầu tư vào giáo dục và phát triển nhân tài là yếu tố then chốt để đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ thiết kế vi mạch của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương,” ông Nguyễn Thế Linh, Giám đốc Điều Hành Kỹ Thuật của Synopsys chia sẻ.

Chương trình học bổng được thực hiện bởi sáng kiến Synopsys Academic Research Alliances (SARA), cầu nối giữa học thuật và công nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác đào tạo - nghiên cứu - tuyển dụng.

Tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Synopsys đã trao 6 suất học bổng với tổng giá trị 5.000 USD cho các sinh viên gồm Võ Văn Bưu, Lương Như Quỳnh, Hoàng Bảo Long, Ngô Hữu Quốc Anh, Nguyễn Thái Duy và Cao Nam Hải.

Tại TP.HCM, 12 sinh viên đến từ Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM đã được trao học bổng.

Dự kiến đến giữa tháng 4, Synopsys sẽ trao học bổng vinh danh 6 sinh viên xuất sắc thuộc Trường Điện - Điện tử tại miền Bắc.

 Synopsys trao học bổng thiết kế vi mạch cho các sinh viên xuất sắc. Ảnh: TIỂU MINH

Synopsys trao học bổng thiết kế vi mạch cho các sinh viên xuất sắc. Ảnh: TIỂU MINH

Phát triển hệ sinh thái bán dẫn

 ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật cấp cao Synopsys Việt Nam. Ảnh: TIỂU MINH

ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật cấp cao Synopsys Việt Nam. Ảnh: TIỂU MINH

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật cấp cao Synopsys cho biết: “Chương trình học bổng này là một phần trong cam kết dài hạn của Synopsys nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là khuyến khích, hỗ trợ và tạo động lực cho các sinh viên tài năng theo đuổi đam mê trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, một lĩnh vực đang có tiềm năng tăng trưởng rất lớn.”

Theo đại diện công ty, sinh viên Việt Nam sở hữu nền tảng học thuật tốt, tinh thần vượt khó, khả năng học hỏi nhanh và đam mê STEM, những yếu tố giúp họ phù hợp với lĩnh vực thiết kế vi mạch, vốn đòi hỏi cao về tư duy và kiên trì. Những sinh viên được trao học bổng năm nay đều có điểm số xuất sắc và định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Việt Nam là điểm đến mới của ngành thiết kế vi mạch

Synopsys đánh giá Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng và trung tâm R&D. Chính phủ đang tích cực thúc đẩy ngành bán dẫn trở thành ngành kinh tế trọng điểm, trong đó tập trung đặc biệt vào đào tạo nhân lực.

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực, từ nguồn nhân lực trẻ, chính sách hỗ trợ đến sự sẵn sàng từ các doanh nghiệp công nghệ,” đại diện Synopsys chia sẻ thêm.

Từ năm 2022 đến nay, Synopsys đã hợp tác cùng các tổ chức như SHTP, DSAC, NIC để tổ chức các chương trình đào tạo như Fast Track Training Program, Train The Trainer, Synopsys Certified Professional University Instructor… Kết quả, đã có hơn 180 sinh viên được đào tạo, với 90% tìm được việc làm vi mạch chỉ trong 3 tháng sau khi tốt nghiệp. Hơn 50 giảng viên tại các trường đại học kỹ thuật cũng được trang bị kiến thức chuyên sâu.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/synopsys-dau-tu-chien-luoc-vao-the-he-ky-su-thiet-ke-vi-mach-tuong-lai-post844071.html
Zalo