Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu nam châm và một số khoáng sản quan trọng sang Mỹ
Trung Quốc đã đình chỉ xuất khẩu nhiều loại khoáng sản quan trọng và nam châm, một động thái có thể cắt đứt chuỗi cung ứng các linh kiện quan trọng cho các nhà sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ, công ty bán dẫn và nhà thầu quân sự toàn cầu.

Trung Quốc hiện đã ngừng xuất khẩu đất hiếm, thứ nguyên liệu chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Ảnh: Worldljournal.
Nam châm rất cần thiết cho quá trình lắp ráp nhiều loại sản phẩm, từ ô tô, máy bay không người lái đến robot và tên lửa. Nhiều cảng Trung Quốc đã ngừng vận chuyển nam châm trong lúc chính phủ soạn thảo hệ thống giám sát quản chế mới. Khi được áp dụng, hệ thống mới có thể chặn vĩnh viễn một số công ty, trong đó có các nhà thầu quân sự Mỹ nhận được nguồn cung.
Đòn trả đũa chí mạng của Trung Quốc với Mỹ
Động thái này là một phần trong biện pháp trả đũa của Trung Quốc đối với quyết định tăng thuế mạnh của Tổng thống Trump có hiệu lực từ ngày 2/4.
Hôm 4/4, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu 6 loại kim loại đất hiếm nặng chỉ được tinh chế tại Trung Quốc, cũng như nam châm đất hiếm (90% được sản xuất tại Trung Quốc). Những kim loại đó và nam châm đặc biệt làm từ chúng hiện nay chỉ có thể được vận chuyển ra khỏi Trung Quốc khi có giấy phép xuất khẩu đặc biệt.

Nam châm đất hiếm, mặt hàng được Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ. Ảnh: Sohu.
Tuy nhiên, Trung Quốc nay mới bắt đầu thiết lập hệ thống cấp phép. Điều đó đã khiến các nhà điều hành trong ngành ngỡ ngàng. Họ lo ngại quá trình này có thể kéo dài và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung khoáng sản và sản phẩm hiện có ở bên ngoài Trung Quốc.
Nếu các nhà máy ở Detroit và những nơi khác sử dụng hết nguồn nam châm đất hiếm mạnh hiện có, họ có thể sẽ không thể lắp ráp ô tô và các sản phẩm động cơ điện khác cần có chúng. Quy mô quỹ dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp như vậy giữa các công ty rất khác nhau, nên rất khó dự đoán tình trạng gián đoạn sản xuất sẽ kéo dài bao lâu.
Các kim loại đất hiếm nặng bị ngừng xuất khẩu được dùng để sản xuất nam châm cần thiết cho nhiều loại động cơ điện. Những động cơ này là thành phần quan trọng trong xe điện, máy bay không người lái, robot, tên lửa và tàu vũ trụ. Xe chạy bằng xăng cũng sử dụng động cơ điện có nam châm đất hiếm cho các nhiệm vụ quan trọng như điều hướng.
Những kim loại này cũng có thể được dùng để sản xuất động cơ phản lực, tia laser, đèn pha ô tô và một số loại bugi. Những kim loại hiếm này cũng là thành phần quan trọng trong tụ điện, linh kiện điện tử của chip máy tính cung cấp năng lượng cho máy chủ trí tuệ nhân tạo và điện thoại thông minh.

Ông Michael Silver, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của American Elements. Ảnh: CNN.
Michael Silver, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của American Elements, nhà cung cấp hóa chất tại Los Angeles, cho biết công ty của ông đã được thông báo sẽ mất 45 ngày để cấp giấy phép xuất khẩu, sau đó hoạt động xuất khẩu kim loại đất hiếm và nam châm có thể được tiếp tục. Silver cho biết công ty của ông vào mùa đông năm ngoái đã tăng lượng hàng dự trữ để chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, để có thể thực hiện các hợp đồng đã ký trong khi chờ giấy phép.
Daniel Picard, chủ tịch Ủy ban tư vấn khoáng sản quan trọng của Văn phòng Đại diện thương mại và Bộ Thương mại Mỹ, bày tỏ lo ngại về tình hình cung ứng đất hiếm.
Tình hình có thể trở nên phức tạp hơn nữa do các hạn chế xuất khẩu mới do Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành chung, cấm các công ty thực hiện bất kỳ giao dịch nào với ngày càng nhiều công ty Mỹ, đặc biệt là các nhà thầu quân sự.
James Litinsky, người đứng đầu MP Materials, một công ty khai khoáng hàng đầu của Mỹ, cho biết tình hình cung cấp đất hiếm cho các nhà thầu quân sự đặc biệt đáng lo ngại.
Ông nói: "Máy bay không người lái và robot được coi là phương hướng phát triển của chiến tranh, dựa trên tình hình đang thấy, nguồn cung ứng quan trọng cho chuỗi cung ứng tương lai của chúng ta đã bị đóng lại". MP Materials sở hữu mỏ đất hiếm duy nhất tại Mỹ là Mountain Pass ở sa mạc California gần biên giới Nevada, hy vọng vào cuối năm nay có thể bắt đầu sản xuất nam châm tại Texas cho GM và các nhà sản xuất khác.
Tuy nhiên, nhiều công ty Mỹ có ít hoặc không có hàng dự trữ vì họ không muốn lãng phí tiền vào việc mua trữ những vật liệu đắt tiền. Một trong những kim loại bị ảnh hưởng bởi lệnh kiểm soát mới là oxit dysprosi được giao dịch ở mức 204 USD/kg tại Thượng Hải và ở bên ngoài Trung Quốc còn đắt hơn nhiều.

Mỏ đất hiếm gần thành phố Lũng Nam bị ảnh hưởng bởi lệnh ngừng xuất khẩu sản phẩm này của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: The New York Times.
Trung Quốc bị ảnh hưởng không đáng kể
Nam châm đất hiếm chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và các nước khác. Do đó, tác động kinh tế của việc đình chỉ xuất khẩu chúng đối với Trung Quốc là rất nhỏ, trong khi nó có thể gây ra hậu quả rất lớn ở Mỹ và những nơi khác.
Các quan chức hải quan Trung Quốc đã cấm xuất khẩu kim loại đất hiếm nặng và nam châm không chỉ sang Mỹ mà còn sang bất kỳ quốc gia nào khác, trong đó có Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên, các người phụ trách ngành công nghiệp đất hiếm cho biết cho đến nay, việc thực hiện các yêu cầu cấp phép xuất khẩu mới vẫn chưa nhất quán tại các cảng của Trung Quốc.
Hầu hết, nhưng không phải tất cả nam châm đất hiếm đều chứa đất hiếm nặng, thành phần cần thiết để ngăn nam châm mất từ tính ở nhiệt độ cao hoặc trong một số trường điện nhất định. Một số nam châm đất hiếm chỉ được làm từ đất hiếm nhẹ và không bị hạn chế xuất khẩu. Các viên chức hải quan tại một số cảng Trung Quốc cho phép xuất khẩu nam châm miễn là chúng chỉ chứa một lượng nhỏ đất hiếm nặng và không được đưa đến Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức tại một số cảng khác của Trung Quốc lại có lập trường nghiêm ngặt hơn, yêu cầu các nhà xuất khẩu phải thử nghiệm trước khi xuất khẩu và chứng minh rằng mọi lô nam châm đều không có chứa đất hiếm nặng.