Suy ngẫm về văn hóa đọc hiện nay

Hằng năm, cứ đến Ngày Sách Việt Nam, báo chí, truyền thông lại bàn về chuyện đọc sách nói riêng và văn hóa đọc nói chung. Là một người trẻ ham đọc sách, tôi nhận thấy rằng, việc đọc sách giờ đây không còn là vấn đề của mỗi cá nhân mà là vấn đề cấp thiết của cộng đồng nếu muốn xây dựng một đất nước văn minh, giàu đẹp.

Học sinh chọn mua sách tại Hội Sách tỉnh Phú Yên năm 2024. Ảnh: VIỆT AN

Học sinh chọn mua sách tại Hội Sách tỉnh Phú Yên năm 2024. Ảnh: VIỆT AN

Phải nói rằng sách là một phát minh vĩ đại, một sản phẩm diệu kỳ, một phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, ý nghĩa, kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ rất lâu, các bậc hiền triết, chính trị gia, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã đúc kết giá trị to lớn của việc đọc sách. Nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen cho rằng “Người càng thông thái thì càng đọc nhiều và những người thông thái nhất là những người đọc nhiều nhất”. Triết gia Thomas Carlyle (người Scotland) đã từng phát biểu: “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành đều được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”. Hay V.I.Lênin cũng khẳng định “Không có sách thì không có tri thức”…

Ai cũng biết đọc sách có vai trò rất lớn, là chìa khóa vạn năng để mỗi chúng ta làm hành trang vững chắc, bồi đắp tầm hiểu biết vươn tới biển trời tri thức. Văn hóa đọc xét ở góc độ nào đó chính là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức có trong sách. Thế nhưng dường như chúng ta đang thờ ơ với sách hoặc nếu có thì miễn cưỡng. Theo thống kê trung bình mỗi người dân Việt Nam chúng ta mỗi năm đọc 4 cuốn sách (kể cả sách giáo khoa). Một con số “biết nói” về thực trạng đọc sách của người dân Việt Nam hiện nay.

Việc ra đời Ngày sách Việt Nam là một cú hích cần thiết nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức người dân về giá trị, ý nghĩa lớn lao của việc đọc sách. Từ đó học hỏi, nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy cũng như rèn luyện đạo đức, nhân cách con người.

Hiện nay, chủ yếu học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ tìm đến sách phục vụ cho việc học tập, công việc chuyên môn. Một số ít đam mê thật sự dành tiền mua sách sưu tầm, tìm tòi và phát triển kiến thức, kỹ năng. Một số lại tìm đến sách để giải trí như đọc truyện tranh, sách văn học nổi tiếng. Một số khác lại chạy theo phong trào, thấy người khác đọc cũng mua đọc theo nhưng cũng nhanh chán. Người thành thị tiếp cận sách dễ dàng, người vùng núi xa xôi hẻo lánh có khi sách là một điều gì đó xa xỉ.

Hiện nay, việc đọc sách ở mỗi người, đặc biệt là giới trẻ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự đa dạng các loại hình đa phương tiện. Một số khác lại ảnh hưởng bởi cuộc sống bận rộn, có nhiều vấn đề phải lo toan. Học sinh trong nhà trường tiếp cận mỗi sách giáo khoa đã quá tải nên không còn mặn mà với sách kỹ năng hay tham khảo.

Đọc sách là một quá trình từ từ để ta suy ngẫm, tư duy với từng con chữ mà tác giả đã truyền tải. Thông qua việc đọc sách, con người ta sẽ tích lũy vốn hiểu biết, cách cư xử, văn hóa, lịch sử… Để hình thành, lan tỏa văn hóa đọc nói chung, đọc sách nói riêng, mỗi người cần tạo cho mình thói quen đọc sách, đọc có kỹ năng, có sự chọn lọc, tránh lan man, không trọng tâm, dẫn đến chán nản. Hình thành thói quen đọc sách bắt đầu từ từng hộ gia đình, cha mẹ làm gương cho con cái, nhà trường, thầy cô tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách, tầm quan trọng của sách tới học sinh, khơi dậy niềm đam mê đọc sách. Song song đó, chính quyền cần lồng ghép các hoạt động văn hóa đọc vào các buổi ngoại khóa, định hướng, cổ vũ.

Việc ra đời Ngày sách Việt Nam là một cú hích cần thiết nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức người dân về giá trị, ý nghĩa lớn lao của việc đọc sách. Từ đó học hỏi, nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy cũng như rèn luyện đạo đức, nhân cách con người.

TĂNG HOÀNG PHI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/van-nghe/202504/suy-ngam-ve-van-hoa-doc-hien-nay-8491ab8/
Zalo