Suy ngẫm kế hoạch chấm dứt nạn đói

Vừa qua, 5 cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc đã công bố báo cáo thường niên về tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới (SOFI). Báo cáo là sự hợp tác giữa Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Người dân thu hoạch ngô tại Kenya. Ảnh: World Bank

Người dân thu hoạch ngô tại Kenya. Ảnh: World Bank

Tình trạng mất an ninh lương thực vẫn ở mức cao

Bình luận về SOFI, truyền thông quốc tế dẫn lời các nhà phân tích cho biết, báo cáo đã nêu bật tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu trong việc hướng tới đạt được Điều 2 trong Mục tiêu phát triển bền vững (SDG - 2) là không còn nạn đói vào năm 2030.

Báo cáo cảnh báo rằng, mức độ đói nghèo trên toàn cầu đã trì trệ khi tình trạng suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến 713 đến 757 triệu người vào năm 2023, tăng khoảng 152 triệu người so với năm 2019. Tình hình đặc biệt tồi tệ ở châu Phi, nơi có hơn 20% dân số phải đối mặt với nạn đói. Giới chuyên gia chỉ ra rằng, con số này tương ứng cứ 11 người trên toàn cầu thì có 1 người đối mặt với nạn đói; riêng tại châu Phi, cứ 5 người sẽ có 1 người đối mặt với nạn đói.

Bản báo cáo thường niên này được công bố trong bối cảnh Hội nghị Bộ trưởng của Liên minh toàn cầu chống đói nghèo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Brazil. Báo cáo cho thấy, thế giới đã tụt hậu 15 năm, với mức độ suy dinh dưỡng tương đương với năm 2008 - 2009.

Giới phân tích lý giải, mặc dù có một số tiến bộ trong các lĩnh vực cụ thể như suy dinh dưỡng và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ..., nhưng một số lượng đáng báo động người dân vẫn phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

Xu hướng khu vực cũng đang thay đổi đáng kể, tỷ lệ dân số phải đối mặt với nạn đói tiếp tục tăng ở châu Phi (20,4%); ổn định ở châu Á (8,1%); tiến bộ ở khu vực Mỹ Latinh (6,2%)... Trong giai đoạn 2022 - 2023, nạn đói gia tăng ở khu vực Tây Á, Caribe và hầu hết các tiểu vùng châu Phi.

Theo cảnh báo của FAO, IFAD, UNICEF, WFP, WHO, nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, khoảng 582 triệu người sẽ bị suy dinh dưỡng mãn tính vào năm 2030, một nửa trong số đó ở châu Phi. Dự báo này rất giống với mức độ được thấy vào năm 2015 khi các SDG được thông qua, đánh dấu sự trì trệ đáng lo ngại trong tiến trình.

Báo cáo của 5 cơ quan nhấn mạnh rằng, việc tiếp cận đủ lương thực vẫn còn khó khăn đối với hàng tỷ người. Vào năm 2022, số người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh đã vượt quá 2,8 tỷ.

Đặc biệt, khoảng 2,33 tỷ người trên toàn cầu phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng, con số này không thay đổi nhiều từ khi tăng mạnh vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong số đó, hơn 864 triệu người đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, đôi khi không có thức ăn trong cả một ngày hoặc lâu hơn.

Con số này vẫn ở mức cao kể từ năm 2020 và trong khi Mỹ Latinh có dấu hiệu cải thiện thì vẫn tồn tại những thách thức lớn hơn, đặc biệt là ở châu Phi, nơi 58% dân số đang trong tình trạng thiếu lương thực ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng.

Cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả

Việc thiếu khả năng tiếp cận kinh tế với chế độ ăn uống lành mạnh cũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hơn một phần ba dân số toàn cầu. Sự chênh lệch này rõ rệt nhất ở các quốc gia thu nhập thấp, nơi 71,5% dân số không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh, so với 6,3% ở các quốc gia thu nhập cao. Đáng chú ý, con số này đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch ở châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu, trong khi tăng đáng kể ở châu Phi.

Mặc dù đã có tiến triển trong việc tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn lên 48%, nhưng việc đạt được các mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu sẽ là một thách thức. Tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân vẫn trì trệ ở mức khoảng 15% và tình trạng còi cọc ở trẻ em dưới 5 tuổi mặc dù đã giảm xuống còn 22,3%, vẫn chưa đạt được mục tiêu. Ngoài ra, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể trong khi tình trạng thiếu máu ở phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi lại gia tăng.

Bên cạnh đó, ước tính mới về tình trạng béo phì ở người lớn cho thấy sự gia tăng đều đặn trong thập kỷ qua, từ 12,1% (năm 2012) lên 15,8% (năm 2022).

Dự báo cho thấy đến năm 2030, thế giới sẽ có hơn 1,2 tỷ người lớn béo phì với tốc độ tăng mạnh trên toàn cầu ở mọi nhóm tuổi. Tình trạng gầy và thiếu cân đã giảm trong hai thập kỷ qua, trong khi tình trạng béo phì lại tăng mạnh.

5 cơ quan của Liên hợp quốc chỉ rõ, những xu hướng này nhấn mạnh những thách thức phức tạp của tình trạng suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức và nhu cầu cấp thiết về các biện pháp can thiệp có mục tiêu vì thế giới không đi đúng hướng để đạt được bất kỳ mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu nào trong 7 mục tiêu vào năm 2030.

Cùng với đó, báo cáo nhấn mạnh, việc đạt được SDG - 2 đòi hỏi một cách tiếp cận đa diện, bao gồm chuyển đổi và củng cố các hệ thống nông nghiệp, giải quyết bất bình đẳng và đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh giá cả phải chăng và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Đồng thời kêu gọi tăng cường tài trợ và hiệu quả hơn về mặt chi phí, với định nghĩa rõ ràng và chuẩn hóa về tài trợ cho an ninh lương thực và dinh dưỡng. Bên cạnh các khoản tài trợ khẩn cấp cũng cần những sáng tạo để đảm bảo tiếp cận bền vững với thực phẩm cho tất cả mọi người.

Chủ tịch IFAD và Chủ tịch Ủy ban về nước của Liên hợp quốc (UN-Water) Alvaro Lario cho biết, con đường nhanh nhất thoát khỏi nạn đói nghèo đã được chứng minh là thông qua đầu tư vào nông nghiệp. Toàn cầu cần tăng cường đầu tư vào khu vực tư nhân và đẩy mạnh cải cách tài chính nhằm giúp các quốc gia có thể tiếp cận được nguồn tài chính thuận lợi nhất.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/suy-ngam-ke-hoach-cham-dut-nan-doi-post479448.html
Zalo