Thiên tai hoành hành đe dọa an ninh lương thực thế giới

Mưa bão, ngập lụt hay nắng nóng, hạn hán kỷ lục trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến nghiêm trọng hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới và đẩy giá lương thực leo thang, tạo ra nguy cơ đe dọa an ninh lương thực với nhiều khu vực, quốc gia.

Lũ lụt làm sụt giảm sản lượng lương thực dẫn tới đe dọa an ninh lương thực tại nhiều nơi trên thế giới

Lũ lụt làm sụt giảm sản lượng lương thực dẫn tới đe dọa an ninh lương thực tại nhiều nơi trên thế giới

Những thiệt hại nặng nề do thiên tai

Nhiều nơi trên thế giới vừa phải trải qua những thảm họa thiên tai hiếm thấy và những trận bão tố, lũ lụt lịch sử ở nơi này hay hạn hán kỷ lục nơi khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp. Mới đây nhất là siêu bão Yagi (bão số 3 theo cách đặt tên của Việt Nam) càn quét qua Philippines, đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Việt Nam đã gây những thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản, hoa màu, đặc biệt với Việt Nam.

Hứng chịu siêu bão Shanshan vào những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9-2024, Nhật Bản cũng chịu những thiệt hại nặng. Điều đáng nói là ngay trước đó, đất nước này đã phải qua một trong những mùa hè nóng nực nhất dẫn tới việc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu gạo lớn nhất trong 30 năm qua, với các kệ hàng trống rỗng, giá cả tăng vọt. Chính phủ kêu gọi người mua sắm không nên hoảng loạn mua hàng. Những ngày đầu tháng 9 này, các siêu thị ở Nhật Bản đã giới hạn khách hàng chỉ được mua một bịch gạo một lần do thiếu hụt nghiêm trọng. Giá bao gạo tiêu chuẩn 5 kg ở Nhật Bản hiện vào khoảng 3.000 yên (tương đương 21 USD), cao hơn tới 60% so với một năm trước.

Khi siêu bão Yagi vừa càn quét qua 3 nước châu Á, ngày 9-9, một phát ngôn viên của Liên hợp quốc cho biết, các quốc gia châu Phi Sudan và Chad cũng đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt, trong khi Lesotho đối mặt với tình trạng hạn hán. Trong khi đó, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), mưa lũ lớn đã ảnh hưởng đến khoảng nửa triệu người ở các khu vực Nam Darfur, Biển Đỏ, sông Nile và các bang phía Bắc của Sudan kể từ cuối tháng 6, làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã rất tồi tệ tại đây.

Người phát ngôn chính của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, tại các khu vực có nguy cơ xảy ra nạn đói như thủ phủ El Fasher của bang Bắc Darfur, khoảng 124.000 người đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn. Ngoài ra, lũ lụt và nước đọng còn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, với gần 2.900 ca nghi mắc bệnh tả được báo cáo kể từ khi dịch bùng phát mới nhất vào giữa tháng 8.

Tại Chad, OCHA cho biết, tình hình lũ lụt đang trở nên tồi tệ hơn trên khắp cả nước. Theo chính quyền nước này, ít nhất 340 người đã thiệt mạng, gần 1,5 triệu người đang bị ảnh hưởng và 160.000 ngôi nhà đã bị phá hủy. Lũ lụt cũng đang ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp và hiện đã có gần 3,4 triệu người đối mặt với nạn đói.

Còn tại Lesotho, một quốc gia không giáp biển ở miền Nam châu Phi, tình hình an ninh lương thực đang xấu đi sau đợt hạn hán lịch sử do hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino gây ra. Sản lượng nông nghiệp trung bình của nước này đã giảm 30%. Ông Stephane Dujarric cho biết, khoảng 30% dân số Lesotho, tương đương 700.000 người, đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực trong những tháng tới.

Theo số liệu được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 6-9, tổ chức này đã hạ thấp dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm nay về bằng mức của năm ngoái là 2.851 tỷ tấn, giảm 2,8 triệu tấn so với dự báo trước. Mức điều chỉnh giảm này được đưa ra dựa trên dự báo giảm sản lượng thu hoạch ngũ cốc thô tại Liên minh châu Âu (EU), Mexico và Ukraine do thời tiết khô, nóng.

Tăng cường sản xuất lương thực bền vững

Theo các chuyên gia, nắng nóng kỷ lục và mưa lũ trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới và đẩy giá lương thực leo thang. Với tình trạng hạn hán và lượng mưa đạt dưới mức kỳ vọng trong tháng 7 và tháng 8, sản lượng thu hoạch hướng dương và ngô ở khu vực Biển Đen sắp tới khả năng giảm mạnh.

Nhiệt độ cao kỷ lục tại các vùng trồng trọt chính trên thế giới đã cản trở hoạt động sản xuất và ảnh hưởng mạnh tới các loại cây trồng đang phát triển. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, những vùng canh tác lớn ở Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và một phần của Mỹ đang trải qua tình trạng nắng nóng gay gắt và lượng mưa dưới mức trung bình.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nga cho biết, thời tiết nắng nóng ở miền Nam nước này đã khiến đất đai khô cằn, trong khi về phía Urals, Tây Siberia và Transbaikalia, lượng mưa và nền nhiệt cũng không đạt mức dự kiến. Theo Trung tâm dự báo thời tiết Ukraine, miền Nam và miền Đông nước này cũng đã chứng kiến thời tiết nóng khô kỷ lục, với lượng mưa mùa hè năm nay chỉ bằng 20 - 50% so với lượng mưa trung bình cùng kỳ.

Tại Mỹ, một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, nắng nóng khắc nghiệt đã bao trùm các khu vực bờ biển phía đông, khiến chính phủ phải hạ tỷ lệ ngô và đậu nành đạt chất lượng tốt và xuất sắc. Mưa lớn dữ dội cũng xảy ra ở các khu vực trồng trọt chính ở Trung Tây Mỹ, làm dấy lên lo ngại về lũ lụt làm giảm sản lượng lương thực.

Dự báo, sự gián đoạn nguồn cung thực phẩm do biến đổi khí hậu làm thời thiết cực đoan hơn sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn trong những năm tới. Nhiệt độ Trái đất tăng lên do khí phát thải nhà kính đe dọa sản lượng nông nghiệp ở các quốc gia hiện chiếm 25% xuất khẩu thực phẩm của thế giới trong vòng 25 năm tới. Các vựa lúa mì lớn, bao gồm Brazil, Ấn Độ và Australia, nằm trong số những quốc gia phải đối mặt với rủi ro cao nhất.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cùng FAO đã phải gióng lên hồi chuông cảnh báo khi các mối đe dọa đối với an ninh lương thực đang gia tăng trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng tại các điểm nóng về nạn đói. Báo cáo Chỉ số An ninh lương thực (FSI) gần đây nhất cho thấy, 135 quốc gia trên thế giới đang chứng kiến rủi ro an ninh lương thực, con số gia tăng kể từ quý IV-2022.

Các số liệu cũng chỉ ra nguy cơ đe dọa an ninh lương thực tiếp tục tăng cao ở khu vực thuộc các nước đang phát triển tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ - nơi nghèo đói, xung đột và quản trị kém có thể kết hợp với nhau để tạo điều kiện cho khủng hoảng lương thực có thể xảy ra. Cũng theo một báo cáo của WFP, hơn 2,4 tỷ người, tương đương với 30% dân số trên toàn thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia Liên hợp quốc, để đối phó với tình trạng báo động về mất an ninh lương thực, cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế, các quốc gia, tổ chức phi chính phủ và mỗi cá nhân. Các giải pháp nên tập trung vào tăng cường sản xuất lương thực bền vững, giảm thiểu lãng phí thực phẩm và hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Nếu không kịp thời triển khai những giải pháp phù hợp, mất an ninh lương thực sẽ mang đến một hệ số rủi ro nghiêm trọng, có thể gây ra tình trạng bất ổn xã hội và bất ổn chính trị, đồng thời cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, làm suy yếu khả năng phục hồi kinh tế - xã hội cả hiện tại và tương lai.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thien-tai-hoanh-hanh-de-doa-an-ninh-luong-thuc-the-gioi-post589007.antd
Zalo