Suối Reo - tờ báo trong nhà tù Sơn La
Trong khoảng 15 năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà tù Sơn La là một trong những lao ngục tàn bạo nhất mà thực dân Pháp dựng lên để đàn áp ý chí của những chiến sĩ cộng sản. Chống chịu với thiên nhiên hà khắc đồng thời chiến đấu với sự kìm kẹp của bọn cai ngục, những chiến sĩ cách mạng trung kiên, tri thức, vẫn cho ra đời và xuất bản đều đặn tờ báo Suối Reo. Tờ báo đã góp phần truyền bá đường lối, chủ trương của Đảng, thắp sáng lý tưởng cách mạng cho các tù nhân và quần chúng yêu nước địa phương.
![Các đại biểu, du khách tham quan mô hình mô phỏng lại cảnh tù chính trị biên tập tờ Suối Reo trong nhà tù Sơn La. Ảnh: Nguyên Ngọc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_458_51437471/4fb9e183dacd33936adc.jpg)
Các đại biểu, du khách tham quan mô hình mô phỏng lại cảnh tù chính trị biên tập tờ Suối Reo trong nhà tù Sơn La. Ảnh: Nguyên Ngọc
Các tài liệu của Bảo tàng Sơn La ghi nhận, tất cả các phòng giam tại nhà tù Sơn La, không phòng nào giống nhau. Mỗi cái một kiểu kỳ dị, ghê gớm. Tất cả đều tối, nằm thì không vừa thân mà đứng thì không vừa đầu. Toàn bộ nhà tù được xây bằng đá cùng một phần gạch, không có trần. Chúng còn gắn hệ thống cùm sắt dọc theo sàn nhà.
Mùa đông với bốn bề núi đá, rừng sâu khiến cho cả vùng đất Sơn La đóng băng tê cóng. Các tù nhân lại phải nằm nhà đá, thiếu thốn quần áo, chăn màn. Còn mùa hè thì đỉnh điểm nhất của cái nóng lại chính là đồi Khau Cả - nơi đặt nhà tù Sơn La. Với độ cao nhỉnh hơn hẳn mặt bằng chung, nhà tù Sơn La trơ trọi giữa nắng gắt. Phòng chật, không cửa sổ, không lỗ thông hơi khiến cho “địa ngục trần gian” trở thành hỏa ngục thực sự.
Trong hơn 1.000 người tù cộng sản từng bị đày đọa tại Sơn La có rất nhiều cái tên kiên trung, ví như: Lò Văn Giá, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng, Trần Huy Liệu, Tô Hiệu... Những chiến sĩ cách mạng ấy không bị cảnh ngục tù gian khổ khuất phục. Ngược lại, họ biến hoàn cảnh chông gai trở thành nơi tôi luyện ý chí, không những thế, còn khiến cho ngọn lửa đấu tranh cháy rừng rực giữa những tù nhân của thời đại.
Về cuộc đấu tranh của các chiến sĩ tại nhà tù Sơn La, các tài liệu ghi chép lại: Tháng 2-1941, Hội nghị lần thứ nhất của những người cộng sản ở nhà tù Sơn La bí mật họp thành lập chi bộ. Hội nghị gồm 11 đảng viên, cử đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư chi bộ. Chi bộ chủ trương xuất bản tờ báo Suối Reo và cử đồng chí Trần Huy Liệu làm chủ bút. Sau đó, Chi bộ giao cho đồng chí Xuân Thủy, từng có 10 năm viết báo làm chủ bút nhằm tuyên truyền, giáo dục đảng viên nâng cao lập trường, ý chí chiến đấu. Bắt đầu từ tháng 5-1941 đến 3-1945, báo phát hành mỗi tháng 1 kỳ, 2 trang, viết tay trên giấy tận dụng, khổ 14x20cm.
![Một góc Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La. Ảnh: Nhị Hà](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_458_51437471/40fdf8c7c3892ad77398.jpg)
Một góc Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La. Ảnh: Nhị Hà
Hồi ức “Suối Reo năm ấy” của đồng chí Xuân Thủy có viết: Nơi cảnh tù đày, bút viết, giấy mực còn hiếm hoi, không thể in ấn, vì thế tờ báo Suối Reo được viết tay trên nền giấy thường.
Để thực hiện chủ trương của Chi bộ nhà tù là cho ra đời tờ báo Suối Reo, những người được phân công làm báo đã vận động bạn tù đấu tranh đòi cai tù cung cấp giấy và bút, mực để viết thư gửi về cho gia đình. Gạt đi tình cảm riêng tư, những người tù gom giấy, bút, mực để dành cho ban biên tập làm báo.
Có giấy, bút, mực, những người làm báo đã tận dụng ánh sáng lờ mờ của trăng để viết báo; khi không có trăng thì thắp đèn dầu để viết và cử người canh gác cẩn mật. Việc viết báo cũng thật thú vị, người đứng viết, người ngồi, người để lên bàn tay, người đặt lên đầu gối, người kê lên sàn gạch... miễn là có thể viết được.
Theo lệnh của giám ngục, đến 20 giờ hằng ngày là tắt điện, anh em tù nằm yên trên sàn xi măng, còn các “nhà báo” tiếp tục viết báo. Nhiều đêm liền, những người tù cộng sản viết báo bằng ánh sáng của ngọn đèn điện mắc trộm vào xó ngục, xa cửa ra vào và che kín. Hễ có biến động, các nhà báo tắt điện ngay, mọi đồ nghề tạm đem che giấu trong nhà vệ sinh nhưng vẫn bảo đảm: “Đi theo ánh sáng vào trong ấy/ Chớ để văn phong phải nặng mùi”.
![Mô hình mô phỏng lại cảnh tù chính trị biên tập tờ Suối Reo trong nhà tù Sơn La. Ảnh: Nguyên Ngọc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_458_51437471/cc5e7b64402aa974f03b.jpg)
Mô hình mô phỏng lại cảnh tù chính trị biên tập tờ Suối Reo trong nhà tù Sơn La. Ảnh: Nguyên Ngọc
Cũng theo hồi ký “Suối Reo năm ấy”, do báo Suối Reo được viết tay nên việc xuất bản về mặt số lượng còn hạn chế, quân cai ngục thì liên tục kiểm soát gắt gao. Do đó, việc đọc báo cũng phải bí mật, làm sao khéo léo chuyển qua các phòng giam. Báo được đọc vào buổi tối sau khi giám thị đã đi kiểm tra và khóa hết cửa phòng giam.
Bất chấp sự lùng sục gắt gao và những trò phá phách của địch, tờ Suối Reo đầu tiên vẫn ra đời với nhiều thể loại bài từ nghị luận chính trị, truyện ngắn đến châm biếm, vui cười và thơ ca về quê hương đất nước... Trong tờ báo đầu tiên có ghi lời tựa của đồng chí Xuân Thủy với 4 câu thơ: “Thu sang, hoa cỏ già rồi/ Suối reo lên để cho đời trẻ trung/ Thu sang non nước lạnh lùng/ Suối Reo lên để cho lòng ta reo”.
Có thể nói, trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, ấn phẩm Suối Reo là tờ báo vô cùng đặc biệt. Đặc biệt từ khâu nội dung, trình bày đến phát hành. Báo được luân phiên chuyển từ trại giam này sang trại giam khác và được bảo quản bí mật, chỉ cử ra một người đọc cho mọi người trong các khám và xà lim cùng nghe vào buổi tối. Suốt 4 năm (1941-1945), báo Suối Reo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, là món ăn tinh thần, cổ vũ, động viên, đoàn kết, giáo dục các lực lượng trong nhà tù trên con đường giành độc lập, giải phóng dân tộc.
Tinh thần vượt khó, ý chí son sắt, sự sáng tạo không mệt mỏi, vượt qua gian nan của những người tù cầm bút tại “địa ngục trần gian” Sơn La là tấm gương mẫu mực, cũng là sự khích lệ to lớn đối với những người làm báo hôm nay.