Sun Group nhập cuộc, Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc bước vào giai đoạn quy hoạch mới?
TP.HCM thông báo mời các đơn vị tư vấn thiết kế đăng ký tham gia cuộc thi tuyển quốc tế 'Ý tưởng quy hoạch Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc' tại TP Thủ Đức. Sun Group mong muốn được tham gia đấu thầu đầu tư dự án 395 ha này.
Nếu được chấp thuận, đây sẽ là một trong những dự án đầu tiên của Sun Group tại TP.HCM.
Thi tuyển quốc tế tìm ý tưởng quy hoạch tối ưu
Cuộc thi mở rộng cho các đơn vị tư vấn thiết kế trong và ngoài nước, có đủ năng lực chuyên môn theo quy định. Theo kế hoạch, cuộc thi diễn ra một vòng, có thể thực hiện bước sàng lọc hồ sơ nếu cần thiết.
Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc tọa lạc phía Đông Nam Xa lộ Hà Nội, thuộc địa bàn phường Long Bình (TP Thủ Đức) và phường Bình Thắng (TP Dĩ An, Bình Dương). Ranh giới quy hoạch: phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây Bắc giáp xa lộ Hà Nội, phía Tây giáp Khu dân cư và Nhà ga Depot, phường Long Bình, phía Bắc giáp khu dân cư (khu tái định cư Long Sơn, phường Long Bình) và phía Nam giáp khu sân golf Lâm Viên, khu dân cư.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận hồ sơ đăng ký dự thi trong thời gian 15 ngày, bắt đầu từ 17/2.
Việc tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch được kỳ vọng sẽ mang lại một diện mạo hiện đại, đồng bộ cho Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình đầu tư phát triển dự án trong thời gian tới.
Trước đó, tại hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 và xúc tiến đầu tư đầu năm 2025, Tập đoàn Sun Group đã đề xuất đầu tư mạnh tay vào ba dự án trọng điểm, trong đó có dự án Công viên Lịch sử – Văn hóa Dân tộc.
Quy hoạch công viên sẽ ra sao?
Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc không chỉ đơn thuần là một khu công viên, mà còn là một bức tranh sống động về lịch sử Việt Nam. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, công viên có tổng diện tích 395 ha được chia thành 4 khu vực chức năng chính, mỗi khu phản ánh một giai đoạn quan trọng của dân tộc.
Khu I – Khu cổ đại (84,15 ha): Tái hiện những sự kiện lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước với các công trình mang đậm dấu ấn văn hóa cổ, như Đền Hùng, khu tưởng niệm các vị vua Hùng và các di tích khảo cổ. Đây sẽ là không gian giáo dục lịch sử, kết hợp trưng bày và tổ chức các sự kiện truyền thống.
Khu II – Khu trung đại (29,19 ha): Mô phỏng các triều đại phong kiến từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê đến Nguyễn, với các công trình kiến trúc tiêu biểu như hoàng cung, chùa chiền và các di tích lịch sử. Khu vực này sẽ mang đến trải nghiệm chân thực về lịch sử Việt Nam qua từng thời kỳ.
Khu III – Khu cận - hiện đại (35,92 ha): Giới thiệu về thời kỳ đấu tranh giành độc lập và quá trình phát triển đất nước. Các hạng mục chính bao gồm bảo tàng chiến tranh, triển lãm đô thị hóa, khu trưng bày thành tựu công nghiệp và văn hóa hiện đại.
Khu IV – Khu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí (245,74 ha): Đây là khu vực lớn nhất, kết hợp công viên chuyên đề, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu ẩm thực và trung tâm tổ chức sự kiện.

Tỷ lệ sử dụng đất
Công viên được quy hoạch theo hướng hài hòa giữa không gian văn hóa, cảnh quan sinh thái và hạ tầng giao thông.
Khu vực công viên công cộng văn hóa - lịch sử chiếm 45 - 55% tổng diện tích, tập trung vào các công trình mang tính giáo dục, bảo tồn và tổ chức sự kiện lịch sử - văn hóa.
Công viên chuyên đề đa chức năng chiếm 38 - 42%, trong đó mật độ xây dựng tối đa không vượt quá 25%, đảm bảo duy trì môi trường tự nhiên và tạo không gian mở phù hợp với nhu cầu du lịch, vui chơi, giải trí. Giao thông chính, bao gồm tuyến đường vành đai 3 và các tuyến kết nối nội khu, chiếm 8 - 12% tổng diện tích, đáp ứng nhu cầu di chuyển linh hoạt và thuận tiện trong toàn bộ công viên.
Hệ thống kết nối giao thông được thiết kế nhằm tối ưu hóa khả năng tiếp cận và lưu thông trong và ngoài công viên. Nhà ga Metro sẽ được bố trí tại phía Tây Bắc công viên, kết nối với tuyến Metro số 1 và tuyến mở rộng đi Bình Dương, Đồng Nai, giúp du khách và người dân dễ dàng di chuyển đến công viên bằng phương tiện công cộng.
Bên cạnh đó, giao thông đường thủy cũng được phát triển mạnh, khai thác tối đa lợi thế tiếp giáp sông Đồng Nai. Việc quy hoạch bến thủy nội địa không chỉ giúp kết nối với hệ thống giao thông đường sông của TP.HCM và Bình Dương mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch đường thủy, mang lại trải nghiệm mới lạ cho du khách.
Hệ thống giao thông công cộng trong nội khu cũng được chú trọng với việc tích hợp bến xe buýt, tàu điện, monorail và cáp treo, đảm bảo khả năng di chuyển thuận tiện giữa các khu vực chức năng mà vẫn giữ gìn cảnh quan sinh thái.
Danh mục ưu tiên đầu tư
Danh mục tập trung vào các công trình mang tính biểu tượng và có giá trị văn hóa - lịch sử cao. Đền tưởng niệm Vua Hùng sẽ là trung tâm quy hoạch, giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống và tổ chức các sự kiện văn hóa - tâm linh.
Khu du lịch tâm linh cũng được bảo tồn và phát triển, kết hợp với các công trình tín ngưỡng như đình, chùa để thu hút du khách trong và ngoài nước. Một trong những hạng mục quan trọng là việc xây dựng Bảo tàng tổng hợp TP.HCM và Bảo tàng thiên nhiên Nam Bộ, giúp giới thiệu về lịch sử, văn hóa, đa dạng sinh học và quá trình phát triển của TP.HCM cũng như khu vực Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, công viên chuyên đề cũng sẽ được phát triển theo hướng tích hợp các hoạt động du lịch, dịch vụ thương mại và vui chơi giải trí, mang đến trải nghiệm đa dạng cho người dân và du khách. Hạ tầng giao thông cũng nằm trong danh mục ưu tiên, bao gồm việc mở rộng các tuyến đường nội bộ, xây dựng trạm xe buýt, ga Metro, bến thủy nội địa và các tuyến kết nối với TP.HCM, Bình Dương, giúp công viên trở thành một điểm đến hấp dẫn, dễ dàng tiếp cận từ nhiều khu vực.
Sau khi Sun Group đề xuất đầu tư, Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc đang bước vào một giai đoạn quan trọng với định hướng phát triển đồng bộ, hiện đại và mang tầm cỡ khu vực.