Đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng Dự án Kim Long Motor
Là 1 trong những Dự án trọng điểm của TP Huế và của huyện Phú Lộc. Kim Long Motor Huế có tổng diện tích quy hoạch gần 165ha, tọa lạc tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Qua thời gian triển khai, đến nay đã đi vào hoạt động, tuy nhiên trong quá trình mở rộng diện tích đúng quy hoạch ban đầu, vẫn còn mốt số hộ dân chưa chịu di dời.

Lãnh đạo huyện Phú Lộc trực tiếp đến nhà dân để vận động bàn giao mặt bằng.
Trước thực tế đó, huyện Phú Lộc đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng theo tiến độ đề ra.
Dân phấn khởi đồng tình
Ông Nguyễn Kính, thôn Thổ Sơn, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc cho biết, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên nhận tiền đền bù ra ở khu tái định cư mới, ông đã vận động thêm bốn người con cùng nhận tiền đền bù. " Ở khu tái định cư mới gia đình tôi cảm thấy rất phấn khởi, vui vẻ do khu vực này an toàn, sạch sẽ, thoáng mát, khang trang hơn, tôi đồng tình và tin tưởng vào chủ trương, chính sách và hỗ trợ của Thành phố Huế và huyện Phú Lộc dành cho người dân" - ông Kính chia sẻ.
Dự án Kim Long Motor Huế được phê duyệt với diện tích gần 165ha, có 220 hộ ảnh hưởng. Trong đó, có 89 hộ được bố trí tái định cư, 584 lăng mộ. Trong quá trình tuyên truyền vận động, lãnh đạo TP Huế, huyện Phú Lộc đã có hàng trăm buổi trực tiếp trao đổi, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, đồng thời để người dân nắm và hiểu Luật Đất đai. Qua đó, phần lớn bà con đều tình nguyện, chấp thuận nhận tiền và đất tái định cư. Tuy nhiên tới nơi ở mới, người dân vẫn còn nhiều tâm tư.
Chị Văn Ngọc Tới, Thôn Thổ Sơn xã Lộc Tiến cho biết, sau khi được chính quyền địa phương vận động nhận tiền đền bù gia đình chị đã xem xét và đồng ý nhận tiền theo chính sách và chủ trương của nhà nước, cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển ở địa phương tạo công ăn việc làm cho người dân.
Theo số liệu thống kê của huyện Phú Lộc, tính cho tới ngày 13-2 vẫn còn 22 hộ chưa nhận tiền đền bù, với tổng diện tích hơn 7ha, tương đương số tiền khoảng 22 tỷ đồng. Hiện nay, huyện Phú Lộc vẫn chú trọng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền đền bù, nhận đất tái định cư nơi ở mới tốt hơn, khang trang và đẹp hơn.
Đẩy nhanh tiến độ GPMB
Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lãnh đạo huyện Phú Lộc (trực tiếp là Chủ tịch huyện và Bí thư huyện) cùng Tổ Công tác 194 đã nhanh chóng bắt tay vào công việc, tiếp tục tiến hành gặp gỡ, vận động, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và thắc mắc của các hộ dân có đất và tài sản bị ảnh hưởng bởi dự án nhằm giải thích, cung cấp các thông tin, quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để các hộ dân hiểu và chấp hành nhận tiền, bàn giao mặt bằng.
Ông Trần Viết Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Lộc cho biết, trên thực tế, chính quyền địa phương, chủ đầu tư, các ban, ngành chức năng đã nhiều lần đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân. Dù các hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất ở xã Lộc Tiến, song theo nguyện vọng của đại đa số các hộ dân, địa phương đã bố trí tái định cư tại khu tái định cư Lộc Vĩnh (xã Lộc Vĩnh) vì ở đây vị trí giao thông và các điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn khu tái định cư xã Lộc Tiến.

Lãnh đạo huyện Phú Lộc trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân chấp hành bàn giao mặt bằng.
"Mặc dù các thông báo thu hồi đất ban hành năm 2019, 2020, tuy nhiên, địa phương đã làm việc với chủ đầu tư, áp dụng mức giá đền bù cao nhất. Thậm chí, để tạo công bằng cho người dân, những trường hợp đã được đền bù từ năm 2021- 2023 cũng được hỗ trợ thêm phần chênh lệch giá tại thời điểm năm 2024 vừa qua. Hiện, Trung tâm Phát triển Quỹ đất đang đề xuất cấp trên có phương án tháo gỡ thấu tình đạt lý cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án" - ông Tú nhấn mạnh.
Ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho rằng, dự án Kim Long Motors Huế đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành công nghiệp ô-tô, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, để đảm bảo thời gian cần dứt khoát trong công tác GPMB, cần học hỏi kinh nghiệm các địa phương đi trước trong GPMB, cần phân loại từng cụm và làm đồng loạt.
"Cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã cùng vào cuộc vận động, giải thích các thông tin, quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để các hộ dân hiểu. Đối với các hộ dân nhận tiền bồi thường, các cơ quan chuyên môn của huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng. Đối với Tổ Công tác 194, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác vận động, giải thích để dự án triển khai đúng tiến độ", ông Minh nhấn mạnh.