Sức sống tuổi trung niên

Ở Cao Bằng ít có ngôi trường nào có địa thế đẹp như Trường THPT Thông Huề, xã Đoài Dương (Trùng Khánh). Trường dựa lưng vào núi, trước mặt có dòng sông Bắc Vọng bốn mùa nước xanh màu ngọc bích chảy qua. Một vùng đất phẳng, núi đá bao bọc, chở che cho ngôi trường tiến những bước dài theo năm tháng.

Khi Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cận kề, Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo luôn bận rộn chuẩn bị cho lễ kỷ niệm và 40 năm ngày thành lập trường. Một bên lo chuẩn bị đón tiếp lãnh đạo ngành, địa phương, các thầy, cô giáo đã từng công tác tại trường về hội tụ. Và kia là những cựu học sinh các khóa háo hức chờ ngày được gặp lại các thầy, cô giáo, những người bạn ở các nơi để ôn lại kỷ niệm của một thời. Nhóm zalo được lập, vài phút lại có tin nhắn, những hình ảnh chụp chung của lớp cách đây đã mấy chục năm. Nhìn lại những khuôn mặt trẻ thơ, mái đầu xanh thuở nào, giờ có người mái tóc đã pha sương mà không khỏi bồi hồi xao xuyến. Vui lắm ngày gặp lại, trong cái ôm vội của vòng tay bạn bè, cái bắt tay những thầy cô mà lòng rưng rưng. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về, có người đầu óc bỗng quên tên bạn vì vui quá.

Lướt qua bản báo cáo của nhà trường, thấy sự lớn mạnh, từng bước trưởng thành của ngôi trường bước vào tuổi tứ tuần. Ngày thành lập trường chỉ có 3 lớp với khoảng 80 học sinh, 12 thầy, cô giáo. Đến năm học 2024 - 2025 có 10 lớp/355 học sinh, 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên; các giáo viên đều đạt chuẩn, trên chuẩn. Chỉ điểm qua vài con số đã thấy được rằng những năm qua Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, từng cán bộ, giáo viên không ngừng nỗ lực trong công tác giảng dạy để trường có thành tích tốt nhất.

Nhìn những ngôi nhà cao 3 tầng khang trang, sạch đẹp, chúng tôi vui với lớp học sinh hiện tại được học trong phòng học đầy đủ tiện nghi. Ngược thời gian về khóa học của chúng tôi, trường khi đó khối THCS, THPT gộp làm một với cái tên chung là Trường cấp 2, 3 Thông Huề. Lớp học mái ngói âm dương, tường vách đất trộn rơm, cửa không cánh hoặc cánh được đan bằng tre, vầu. Lớp học không có điện, những ngày trời nổi mây đen vần vũ không sao học nổi bởi bảng đen càng thêm đen sẫm; trời tối căng mắt hết cỡ mà không nhìn rõ được chữ thầy cô viết trên bảng đen. Mưa dột xuống làm ướt sách, vở học trò. Vì là mái ngói âm dương, cứ một hai năm phụ huynh lại phải đến trường lao động, đóng lại dui, đảo lại mái ngói để con em ngồi học ở trong lớp khỏi phải mưa dột khi trời mưa to. Sân trường cỏ dại mọc tốt tươi, những ngày hè, trâu, bò vào sân trường thản nhiên gặp cỏ. Để ngăn trâu, bò đi vào sân trường, thầy cô cho học sinh đào giao thông hào quanh trường, làm hàng rào bằng gai tre nhưng không ngăn được.

Các thế hệ giáo viên Trường THPT Thông Huề (Trùng Khánh).

Các thế hệ giáo viên Trường THPT Thông Huề (Trùng Khánh).

Mấy chục năm đã trôi qua, cảnh vật có nhiều đổi thay, bao nhiêu thế hệ học sinh ra trường, nhiều người đi học các trường đại học trở thành những cán bộ lãnh đạo quan trọng trong xã hội. Ngày trở lại trường vào những ngày đầu đông, chúng tôi nhớ đến những ngày đông giá thuở nào, ngồi trong lớp học mà đôi tay lạnh buốt không cầm được bút viết. Gió rét thốc vào cửa, len lỏi qua những khe cửa sổ làm đôi tay run run, hàm răng va vào nhau lập cập. Nhiều thầy, cô giáo không bao giờ quên những ngày đứng lớp mùa đông, thương những cô, cậu học trò ở xa, đạp xe đạp trên con đường đất, đá, căng mình bởi gió rét. Khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng tình cảm yêu thương luôn đong đầy như dòng sông Bắc Vọng mùa nước lũ. Mỗi ngày đến lớp dù rét đến đâu những chỗ ngồi vẫn kín khiến thầy, cô giáo chủ nhiệm nở nụ cười tươi như hoa mặt trời (hoa dã quỳ) lung linh trong nắng. Mỗi khi có bạn ốm, bàn thiếu vắng một người trong lớp cảm thấy buồn.

Khóa chúng tôi (1995 - 1998) chứng kiến những đổi thay kỳ diệu của ngôi trường từ nhà tranh vách đất, đến nhà xây bằng đá hộc, nhà xây gạch lợp ngói đáp cầu. Và bây giờ là những ngôi nhà tầng khang trang, sạch đẹp, đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Lớp chúng tôi có người rất thích môn Hóa học, muốn tìm hiểu, khám phá về các loại chất, hợp chất nhưng làm gì có phòng thí nghiệm. Đến như giấy quỳ cũng chỉ biết qua sự miêu tả của thầy, cô giáo nào ai biết mặt mũi tờ giấy quỳ nó thế nào. Đến môn Vật lý cũng chỉ học trên lý thuyết, nào có ai được sờ vào con lắc lò xo, được tận mắt, tận tay sờ vào cái điện trở, mạch… Có lẽ những thế hệ học sinh hiện tại không thể hình dung được thời bố mẹ đã từng học ở những lớp học thiếu thốn như thế nào, khi không được xem qua những hình ảnh ít ỏi mà nhà trường còn lưu giữ.

Sẽ có người nói chúng tôi kể khổ, kể khó ngày xưa trong dịp lễ quan trọng của trường là không đúng lắm, nhưng không kể làm sao có thể thấy từng bước trưởng thành của ngôi trường. Không kể ra thì làm sao những thế hệ học sinh sau này biết được nhà trường đã trải qua những ngày khó khăn ra sao? Những thế hệ học sinh sau này nhìn vào những tấm hình của các bậc cha mẹ mới biết được một thời gian khó, biết được sự cố gắng của bao thế hệ thầy cô trong việc giảng dạy, biết được bố mẹ đã vất vả thế nào để có được kiến thức, để các em thấy tự hào và khâm phục những thế hệ đi trước.

Vui trong ngày gặp lại thầy cô, bè bạn mấy mươi năm mưu sinh mỗi người một phương, khi ra về trong lòng có gì đó luyến lưu. Nhiều người thi nhau chụp ảnh ngôi trường, đứng chụp với nhau trong một ngày trở về đáng nhớ. Dòng Bắc Vọng nước hiền hòa trong xanh chảy đêm ngày không ngưng nghỉ, thành tích của trường mỗi năm một đi lên. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn, số em được đi học các trường đại học nhiều hơn, đó là điều các thầy cô thấy vui và tự hào hơn cả.

Đông về, sáng sớm sương mù phủ khắp dòng sông mờ ảo, khi ánh nắng mặt trời chiếu rọi sương tan, nước sông lại hóa màu xanh ngọc bích, soi bóng ngôi trường in đáy nước. Đứng trên cầu Thông Huề, thu ngôi trường vào trong tầm mắt, trường đẹp lung linh dưới ánh đèn điện, đèn năng lượng mặt trời. Ôi ngôi trường đẹp quá, ngôi trường chúng tôi đã từng học. Ai đó khẽ thốt lên. Nhìn những bức ảnh của bạn bè up lên nhóm zalo, lên facebook mà tôi cảm thấy tiếc nuối khi không thể về tham dự. 4 năm học cấp 2, 3 năm học phổ thông, gần 10 năm học tại ngôi trường yêu dấu, nhìn những bức ảnh cảm xúc bỗng ùa về trong tôi một vài cảm nhận để “tạ lỗi” với thầy cô và ngôi trường yêu dấu.

Nông Quốc Lập

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/suc-song-tuoi-trung-nien-3173702.html
Zalo