Trí tuệ nhân tạo khó có thể thay thế người thầy
Việc tích hợp AI vào giáo dục đặt ra những vấn đề quan trọng về quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu và đạo đức sử dụng công nghệ.
Ngày 22-11, Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục: Từ thử thách đến đột phá".
Công nghệ hỗ trợ nhưng không thay thế được con người
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, việc tích hợp AI vào giáo dục đặt ra những câu hỏi quan trọng về quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu và đạo đức sử dụng công nghệ. Cần đảm bảo rằng thông tin cá nhân của học sinh được bảo vệ và việc sử dụng AI không dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Ngoài ra, cần cân nhắc về vai trò của giáo viên trong môi trường giáo dục ứng dụng AI, làm sao để công nghệ trở thành công cụ hỗ trợ chứ không thay thế con người. Điều này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực GD-ĐT vốn lấy con người làm mục tiêu và trung tâm.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết TP triển khai các giải pháp AI trong GD-ĐT bằng việc sử dụng AI trong phân tích dữ liệu hành vi và định hướng học tập. TP HCM là đô thị lớn nhất Việt Nam và là trung tâm GD-ĐT lớn, đi đầu trong đổi mới giáo dục của đất nước. Sở GD- ĐT quản lý mạng lưới các trường học với tổng quy mô hơn 1,7 triệu học sinh nên việc triển khai giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trở nên cấp thiết.
Nhận ra tiềm năng của AI trong việc giải quyết các thách thức về giáo dục, Sở GD-ĐT đã đặt mục tiêu triển khai các giải pháp AI trên toàn bộ lĩnh vực GD-ĐT. Nhưng cũng gặp những thách thức đáng kể, đó là hạn chế về cơ sở hạ tầng, các ràng buộc về chính sách trong việc mua phần cứng cần thiết và các cân nhắc về tài chính khi sử dụng các dịch vụ AI dựa trên đám mây...
Dù vậy, bất chấp những thách thức về cơ sở hạ tầng và chính sách, Sở GD- ĐT đã tận dụng các nguồn dữ liệu lớn có sẵn của ngành để phát triển và triển khai các giải pháp AI. Sở đã vận dụng các mô hình hợp tác để huy động nguồn lực triển khai. Việc mở rộng tích hợp dữ liệu trên nhiều nền tảng, nâng cao chất lượng dữ liệu và thúc đẩy các nỗ lực hợp tác là rất quan trọng trong việc hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của AI trong giáo dục...
Với tham luận "Phân tích một số mô hình chuẩn hóa kiến thức trên thế giới để định danh đơn vị kiến thức hướng đến xây dựng kho học liệu số theo Chương trình GDPT 2018", ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP, cho biết việc xây dựng một kho học liệu số thống nhất, góp phần số hóa tài liệu giáo dục là điều cần thiết. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy cập, phân phối và tái sử dụng kiến thức mà còn đảm bảo sự phù hợp giữa nội dung học liệu với chương trình giáo dục, tối ưu hóa quá trình giảng dạy và học tập trên nền tảng số, hỗ trợ đắc lực cho quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công xây dựng kho học liệu, cần xem xét đến các yếu tố khách quan, chủ quan; đảm bảo về các nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực và các điều kiện để duy trì hệ thống vận hành. Một kho học liệu số được định danh và phong phú về nội dung sẽ là nền tảng căn bản để tiếp tục hoàn thiện một khung đánh giá năng lực tổng thể, toàn diện, đáp ứng yêu cầu đáp ứng các mục tiêu chung của Chương trình GDPT 2018, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Thay đổi cảm giác sợ công nghệ
Bà Nguyễn Phương Lan, Tổng Giám đốc EMG Education, cho biết đơn vị đã ứng dụng AI trong giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, cụ thể là ứng dụng AI tạo sinh để thực hành kiến thức và nhận xét về bài làm của học sinh.
Theo bà Lan, một ví dụ về ứng dụng AI được EMG Education sử dụng là Speechace, một công cụ AI cung cấp phản hồi chi tiết về cách phát âm của học sinh. Công cụ này không chỉ cho học sinh biết các em có phát âm đúng hay không mà còn chỉ ra chính xác âm vị nào sai và làm mẫu cách phát âm từ đó sao cho đúng.
Một ví dụ khác là Quilliam của EMG, một gia sư ảo do AI tạo ra mà học sinh của EMG đã được tương tác và sử dụng. Học sinh đang sử dụng Quilliam để luyện nói tiếng Anh nhằm chuẩn bị cho bài kiểm tra nói trong kỳ thi PEIC của Pearson...
Ngoài ra, theo bà Lan, chatbot AI cung cấp cho học sinh cơ hội sử dụng các kỹ năng tiếng Anh của mình một cách tương tác, giống như phương thức xảy ra trong cuộc sống đời thật nhưng học sinh giảm bớt nỗi lo lắng khi phải thực hiện như vậy trước lớp hoặc với người bản ngữ. Với thế hệ LLM mới nhất, người dùng có thể sử dụng khả năng chuyển lời nói thành giọng nói để trò chuyện qua lại một cách tự nhiên với gia sư tiếng Anh hỗ trợ ảo AI...
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT-Bộ GD-ĐT, đánh giá Sở GD-ĐT TP HCM đã rất chủ động, tiên phong, tiếp cận các công nghệ mới trong ngành GD-ĐT. Ông Hải cho biết hiện mọi người đã thay đổi cách nghĩ về AI. Trước đây, có ý kiến cho rằng nó sẽ thay thế con người nên có người có cảm giác sợ công nghệ nhưng bây giờ AI là một công cụ hữu hiệu phục vụ việc học, còn dùng thế nào là mỗi người quyết định.
Theo ông Hải, AI hỗ trợ hữu hiệu cho hoạt động giáo dục, tuy nhiên nó cũng đem lại những thách thức. Cụ thể, nếu quá lạm dụng chúng trong hoạt động giáo dục, học sinh giảm sự tương tác, mất đi tư duy độc lập, là thách thức cho đội ngũ nhà giáo trong thay đổi phương pháp dạy học và cách đánh giá...“Chỉ khi chúng ta nhìn rõ được những thách thức thì sẽ có giải pháp để vận dụng AI hiệu quả và đúng hướng” - ông Hải nói.
Ông Jason See, Giám đốc công nghệ (Bộ Giáo dục Singapore), cho biết trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ, là một cấu phần trong cuộc sống hiện nay. Do đó, học sinh và giáo viên cần phải biết, hiểu và sử dụng nó hợp lý. Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế giáo viên, khi giáo viên ứng dụng chúng vào công việc thì chúng là công cụ mạnh mẽ để chuyển đổi số giáo dục. Ông Jason See cũng khẳng định trí tuệ nhân tạo sẽ tác động không nhỏ đến giáo dục nếu không có chính sách quản lý và tác động phù hợp, không cẩn thận trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ khiến giáo dục chệch hướng. Do đó, việc tập huấn, đào tạo giáo viên để hiểu biết về trí tuệ nhân tạo rất quan trọng.