Sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin
Cách đây đúng 177 năm, vào ngày 24/2/1848, được sự ủy thác của Đại hội II 'Đồng minh những người Cộng sản', Các Mác và Ăngghen đã công bố trước toàn thế giới tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Đây là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong cuộc đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức bóc lột, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc. Vượt qua không gian và thời gian, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn luôn rực sáng bởi tư tưởng vĩ đại là giải phóng loài người khỏi áp bức bất công. Cho đến hôm nay, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn trường tồn và có sức hấp dẫn với toàn thể nhân loại tiến bộ.

Đi lên con đường chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta đảm bảo quyền tự do, bình đẳng cho mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo. Ảnh: Bích Nguyên
Gần 180 năm trôi qua, kể từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, mặc dù các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, song tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng vẫn luôn vượt lên, bất chấp những rào cản của thời gian. Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới không phân biệt thể chế chính trị đã vận dụng những nguyên lý ưu việt của chủ nghĩa Mác-Lênin để phát triển đất nước mình. Điều đó chứng tỏ những giá trị nhân văn cao cả của ông về xây dựng một xã hội loài người tốt đẹp vẫn luôn có sức hấp dẫn rất lớn với loài người tiến bộ.
Theo nhận định của Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị: “Chủ nghĩa Mác-Lênin là chủ nghĩa vì con người, xuất phát từ con người và quay trở lại phục vụ con người. Và trong toàn bộ cuộc đời hoạt động của Mác và Ăngghen cũng như trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cách đây gần 200 năm thì tư tưởng của các ông đều hướng đến để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Và ta phải nhớ lại triết lý sâu sắc đầy tính nhân văn sâu sắc của Mác ngay từ thời còn trẻ, khi Mác nói rằng người nào mang lại hạnh phúc cho nhiều người nhất, người đó là người hạnh phúc nhất”.
Một trong hai phát kiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin là việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư. Đây được ví như “hòn đá tảng” trong toàn bộ học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin. Ông chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là mâu thuẫn giữa tính xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với tính tư nhân tư bản chủ nghĩa của việc chiếm hữu tư liệu sản xuất. Để tồn tại và vượt qua các cuộc khủng hoảng, chủ nghĩa tư bản luôn phải tự điều chỉnh để điều hòa mâu thuẫn này. Điều đó cho thấy, phát kiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin luôn đúng, ngay cả khi chủ nghĩa tư bản hiện đại bước vào thời đại toàn cầu hóa, ngay cả khi nhân loại bước vào thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng bào các dân tộc ở Việt Nam được tạo mọi điều kiện để phát triển về văn hóa, xã hội, giáo dục trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ảnh: Bích Nguyên
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho rằng, đó chính là minh chứng hùng hồn cho sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin: “Không phải chỉ chúng ta đâu, ngay cả các nhà tư bản người ta vẫn rất trân trọng, ghi nhận chủ nghĩa Mác, dẫu rằng người ta có thể nói cách này, cách khác nhưng người ta vẫn vận dụng, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin trong hoạt động của xã hội tư bản. Điều đó muốn nói lên giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin, không chỉ trước kia, không chỉ có hiện nay mà tư tưởng của các ông là mãi mãi sau này, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn còn nguyên giá trị”.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chúng ta kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Theo Thiếu tướng, Tiến sĩ Đỗ Hồng Lâm, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân, thì thực tiễn của những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc, Cuba... đã bác bỏ hoàn toàn quan điểm cho rằng, chủ nghĩa Mác không còn phù hợp trong thế giới đương đại: “Sau khi chủ nghĩa xã hội ở các nước Liên Xô và Đông Âu sụp đổ thì chủ nghĩa Mác-Lênin càng bị công kích từ nhiều phía. Các thế lực chống phá cho rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, lạc hậu. Trước tình hình đó, chúng ta phải khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin là một chủ nghĩa cách mạng, hoàn bị và luôn mở, chứ không phải là khép kín. Vì luôn mở nên có thể tiếp thu cái mới để hoàn thiện mình, cho nên mọi quan điểm chống đối, chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin đều đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại và đi ngược lại với lợi ích của loài người tiến bộ”.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng ta thêm vững tin và có đầy đủ cơ sở khoa học để vững bước trên con đường chủ nghĩa xã hội, cùng nhau chung sức phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản luôn đồng hành cùng chúng ta và luôn đồng hành với loài người tiến bộ trong cuộc đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp vì tự do và hạnh phúc của tất cả mọi người.