Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của đảng cách mạng và định hướng giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay
Nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng ta là một bộ phận rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng về chính trị; bao trùm, chi phối mạnh mẽ những nội dung khác của công tác xây dựng Đảng về chính trị, nhằm giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Để công việc này đạt hiệu quả, cần nhận thức sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của đảng cách mạng, vận dụng tốt quan điểm ấy trong xác định giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay.

Bác Hồ với công nhân xe lửa Gia Lâm (tranh của họa sĩ Phạm Lung, sáng tác năm 1969)_Ảnh: Tư liệu
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của đảng cách mạng
Bản lĩnh chính trị (BLCT) của đảng cách mạng được hiểu là khả năng và ý chí kiên định lý tưởng, mục tiêu của đảng, con đường cách mạng đã chọn, nhất là trước những khó khăn, phức tạp, đảng bình tĩnh, sáng suốt đề ra quyết sách đúng đắn để thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng, song linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; dám thừa nhận sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa; đấu tranh kiên quyết, loại trừ những suy thoái, tiêu cực trong đảng; làm thất bại hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch…
Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa đưa ra quan niệm tổng thể, khái quát về BLCT của đảng cách mạng, song qua các tác phẩm, bài báo, bài phát biểu, nói chuyện và qua hoạt động thực tiễn của Người đã thể hiện đầy đủ và rõ ràng quan niệm của Người về điều này. Những mặt, khía cạnh chủ yếu trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về BLCT của đảng cách mạng, gồm:
Một là, năng lực nhận ra xu thế phát triển của lịch sử loài người, và kiên định đi theo, đồng thời vận dụng vào hoàn cảnh đất nước. Bản lĩnh chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là cơ sở hình thành, phát triển BLCT của Đảng ta trong quá trình Người xây dựng, giáo dục, rèn luyện Đảng và lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Trong những thập niên đầu của thế kỷ trước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành luôn trăn trở suy nghĩ tìm câu trả lời làm cách nào để cứu đất nước khỏi sự giày xéo của bọn thực dân, đế quốc và bọn áp bức, bóc lột, cứu nhân dân Việt Nam thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than, bị áp bức, bóc lột nặng nề. Với ý chí, quyết tâm sắt đá, nghị lực phi thường, bản lĩnh của người thanh niên yêu nước, thương dân, năm 1911, Người đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Suốt hành trình hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, thử thách quyết liệt, Người đã tìm được con đường cứu nước, cứu dân và hiện thực hóa con đường đó, đưa đất nước Việt Nam đến độc lập, nhân dân ta thoát khỏi kiếp nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hai là, trước những khó khăn, phức tạp của cách mạng, đảng bình tĩnh, sáng suốt đưa ra quyết định đúng đắn, kịp thời, có quyết tâm chính trị cao để thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng đã xác định.
Để chuẩn bị cho sự thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ - những “hạt giống đỏ” của Đảng. Người trực tiếp biên soạn và giảng bài, nội dung đó được tập hợp trong tác phẩm “Đường cách mệnh”. Trong bài “Cách mệnh”, Người đặt câu hỏi và khẳng định: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(1). Như vậy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc coi đảng cách mạng như người cầm lái con thuyền; người cầm lái kiên định mục tiêu, con đường cách mạng, sáng suốt, có BLCT cao, ý chí quyết tâm đưa “con thuyền cách mạng” vượt qua thác ghềnh, phong ba, bão táp đến thắng lợi.
Ba là, không giấu giếm khuyết điểm, tự nhìn nhận và chỉ ra khuyết điểm của mình, động viên nhân dân chỉ rõ khuyết điểm đó, cầu thị tiếp nhận và quyết tâm sửa chữa.
Đây là biểu hiện đặc biệt quan trọng của một đảng cách mạng có BLCT cao. Để đảng tự nhìn nhận và chỉ ra khuyết điểm của mình, động viên nhân dân chỉ rõ khuyết điểm đó, cầu thị tiếp nhận và quyết tâm sửa chữa, là một việc không dễ dàng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn làm gương sáng; đồng thời, trong lãnh đạo, chỉ đạo, Người luôn nhấn mạnh và giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng về điều này.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I, Người đã thay mặt Đảng, Chính phủ nghiêm khắc nhận khuyết điểm về những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xin lỗi nhân dân và quyết tâm sửa sai. Người nhấn mạnh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(2).
Bốn là, trong lãnh đạo cách mạng, đảng cách mạng phải nắm vững và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của mình, kiên định mục tiêu, lợi ích chiến lược của cách mạng, kiên quyết giữ vững độc lập, lợi ích chiến lược của đất nước, dân tộc; song, phải linh hoạt, mềm dẻo về sách lược.
Những tư tưởng nêu trên của Người thể hiện tập trung ở phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, khẳng định BLCT, sự quyết đoán, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng. Sau khi Đảng tuyên bố tự giải tán (vào ngày 11-11-1945), nhưng về thực chất, Đảng bước vào thời kỳ hoạt động bí mật, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng phải dùng mọi cách để sống còn, hoạt động và phát triển, để lãnh đạo kín đáo và có hiệu quả hơn, và để có thời giờ củng cố dần dần lực lượng của chính quyền nhân dân, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất. Lúc đó, Đảng không thể do dự. Do dự là hỏng hết, Đảng phải quyết đoán mau chóng, phải dùng những phương pháp - dù là những phương pháp đau đớn - để cứu vãn tình thế”(3). Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”(4).
Năm là, gắn bó mật thiết, tôn trọng quần chúng, hỏi ý kiến quần chúng, nhưng không theo đuôi quần chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng gắn bó mật thiết với quần chúng, hỏi ý kiến quần chúng, cùng quần chúng bàn bạc tìm giải pháp thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Song, Đảng phải định hướng đúng, có chính kiến trong việc này và không theo đuôi quần chúng. Người nhắc nhở: “việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc, và giải thích cho dân chúng”(5) song “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng”(6).
Sáu là, dám đề ra những quyết định đúng về công tác cán bộ, quyết tâm thực hiện thắng lợi và chịu trách nhiệm về những quyết định ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong công tác cán bộ, cấp ủy các cấp phải có bản lĩnh, chính kiến, dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình, nhất là về sử dụng cán bộ, nhìn ra được thế mạnh của cán bộ, phát huy trí tuệ, tính sáng tạo của cán bộ; dám cất nhắc cán bộ. Người nhấn mạnh: “Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc”(7); “Phải có gan cất nhắc cán bộ”(8).
Từ luận giải trên, có thể khái quát quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về BLCT của đảng cách mạng là: Trung thành tuyệt đối và lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm cốt, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin; khả năng và ý chí kiên định lý tưởng, mục tiêu, con đường cách mạng mà đảng và nhân dân lựa chọn; bình tĩnh, sáng suốt, quyết đoán đề ra các quyết định đúng đắn khi cách mạng gặp khó khăn; dám đề ra các quyết định đúng đắn về công tác cán bộ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các quyết định đó; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; thẳng thắn nêu ra và thừa nhận sai lầm, khuyết điểm của mình, cổ vũ, động viên nhân dân chỉ ra sai lầm, khuyết điểm của mình, tiếp nhận một cách tôn trọng, cầu thị và quyết tâm sửa chữa; đấu tranh kiên quyết, loại trừ những suy thoái, tiêu cực trong đảng; đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với hoạt động phá hoại đảng, phá hoại cách mạng của các thế lực thù địch.
Từ những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về BLCT của đảng cách mạng, có thể khẳng định những nội dung BLCT của đảng cách mạng, như sau:
1- Trung thành tuyệt đối và lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm cốt, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin; kiên định lý tưởng, mục tiêu của đảng và con đường cách mạng.
2- Bình tĩnh, sáng suốt, quyết đoán đề ra các quyết định đúng đắn khi cách mạng gặp khó khăn, nhất là các quyết định về công tác cán bộ; kiên trì và quyết tâm thực hiện thắng lợi các quyết định đó.
3- Nắm vững và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng; kiên định mục tiêu chiến lược của cách mạng, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược.
4- Gương mẫu tự phê bình, chỉ ra và thừa nhận sai lầm, khuyết điểm của mình, cổ vũ, động viên nhân dân phê bình, chỉ rõ sai lầm, khuyết điểm đó, tiếp nhận một cách tôn trọng, cầu thị và quyết tâm sửa chữa.
5- Kiên quyết ngăn chặn và loại trừ những suy thoái, tiêu cực trong đảng; đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với hoạt động phá hoại đảng, phá hoại cách mạng của các thế lực thù địch.
Con đường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của Đảng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với đặc điểm nước ta, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập, nắm vững và nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hành động theo chủ nghĩa ấy. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm cốt, không có nghĩa là dập khuôn máy móc những nội dung của chủ nghĩa ấy, mà trong mọi hoạt động của Đảng phải coi chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng, cơ sở để vận dụng, phát triển sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ cách mạng; đề ra đường lối cách mạng, quyết sách chính trị đúng đắn và kiên trì lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi. Qua đó, dần dần hình thành, phát triển và nâng cao BLCT của Đảng. Người nhấn mạnh, không nên “nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”(9).
Thứ hai, tích cực học tập nâng cao trình độ trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và của Đảng.
Trình độ trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và của Đảng là yếu tố đặc biệt quan trọng, có tính quyết định sự hình thành, phát triển, củng cố và nâng cao BLCT của cán bộ, đảng viên và của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Để có được hiểu biết, phải “Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ”(10).
Thứ ba, gắn bó với thực tiễn, đối mặt với những khó khăn, gian khổ, thách thức quyết liệt, tích cực rèn luyện để nâng cao BLCT.
Bản lĩnh chính trị của Đảng chủ yếu được hình thành, phát triển, củng cố và nâng cao qua thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng, nhất là khi đối mặt với khó khăn, gian khổ, thách thức quyết liệt phải đưa ra quyết sách chính trị đúng đắn, kịp thời và kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi quyết sách đó. Cũng như đạo đức cách mạng, để nâng cao BLCT, Đảng phải rèn luyện thường xuyên, liên tục. Hơn nữa, BLCT là một bộ phận rất trọng yếu của đạo đức cách mạng, vì vậy, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện, củng cố, nâng đạo đức cách mạng cũng là lời dạy của Người về rèn luyện, củng cố, nâng cao BLCT: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(11). Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(12).
Thứ tư, thường xuyên rèn luyện, củng cố, phát triển tình yêu thương vô hạn đối với nhân dân, chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân; dựa vào nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong nâng cao BLCT của Đảng.
Tình yêu thương vô hạn đối với nhân dân, chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân sẽ tạo nên động lực to lớn hình thành, củng cố, phát triển, nâng cao BLCT của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng ngời, mẫu mực về điều này. Người đã chứng kiến và đau xót trước tình cảnh nhân dân Việt Nam chịu cảnh nô lệ, lầm than, bị áp bức, bóc lột nặng nề. Từ tình yêu thương vô hạn đó, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có ý chí quyết tâm cao từ giã gia đình, quê hương, đất nước, bôn ba khắp bốn biển, năm châu tìm con đường cứu nước, cứu dân và Người đã thành công. Tấm gương sáng ngời của Người là phương châm, con đường đặc biệt quan trọng, hiệu quả để hình thành, phát triển, nâng cao BLCT của Đảng. Người còn chỉ rõ, để hình thành, phát triển, nâng cao BLCT của Đảng, ngoài tình yêu thương nhân dân, Đảng phải dựa vào nhân dân, phát huy mạnh mẽ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc nâng cao BLCT của Đảng. Người dạy rằng: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được./ Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(13).
Thứ năm, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tiêu cực trong Đảng, nhất là về tư tưởng chính trị, đấu tranh kiên quyết, làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại Đảng và cách mạng của các thế lực thù địch
Những suy thoái, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên và sự phá hoại của các thế lực thù địch cản trở rất lớn sự phát triển, nâng cao BLCT của Đảng, thậm chí thủ tiêu BLCT đã đạt được của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tiêu cực trong Đảng, nhất là những biểu hiện về tư tưởng chính trị và loại trừ sự phá hoại Đảng và cách mạng của các thế lực thù địch. Trong hoạt động phá hoại, chúng thường tập trung hơn vào việc phá hoại Đảng về chính trị, nhất là BLCT của Đảng. Trước âm mưu của chúng, Người chỉ rõ: “Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài”(14); đồng thời, nhấn mạnh cần luôn coi trọng đấu tranh kiên quyết làm thất bại âm mưu và hành động phá hoại Đảng và cách mạng của các thế lực thù địch.
Thứ sáu, gắn bó mật thiết với thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phát triển lý luận về BLCT của Đảng, tạo cơ sở lý luận vững chắc để xây dựng, nâng cao BLCT của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề này, Người chỉ rõ “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(15).

Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương và đoàn công tác Trung ương thăm, làm việc tại Lữ đoàn Tên lửa 490, Binh chủng Pháo binh_Ảnh: TTXVN
Định hướng giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay
Một là, quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về BLCT của đảng cách mạng, đó là một bộ phận rất quan trọng, bao trùm, xuyên suốt công tác xây dựng Đảng về chính trị trong các thời kỳ cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới; từ đó, đặc biệt coi trọng nâng cao BLCT của Đảng.
Trong thời kỳ đổi mới, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chịu tác động nhiều chiều, cả tích cực và tiêu cực của việc thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập quốc tế, nhất là những tác động tiêu cực, sự cám dỗ về kinh tế và những cám dỗ khác, vì thế đòi hỏi, yêu cầu rất cao về BLCT; cần tập trung cao độ thực hiện quyết liệt việc nâng cao BLCT của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.
Hai là, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu của cách mạng, đường lối đổi mới của Đảng.
Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Ba là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao BLCT, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt coi trọng giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay; tiếp tục nâng cao BLCT, trình độ trí tuệ trong Đảng, nâng cao tính chiến đấu của toàn Đảng, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược; đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Đảng, chế độ; thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định của Đảng, thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Bốn là, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng.
Cấp ủy, tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên hiện nay; cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thực hiện nghiêm Quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương; tăng cường phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi những suy thoái, tiêu cực cản trở việc nâng cao BLCT của các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Năm là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng công tác hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với mục tiêu “xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”(16).
Coi trọng nâng cao năng lực dự báo và ứng phó với các thách thức, diễn biến rất nhanh, khó lường của tình hình chính trị thế giới, khu vực; bám sát và xuất phát từ thực tiễn đất nước khi hoạch định đường lối, chủ trương, giải pháp, đánh giá tác động, cân đối, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện có hiệu quả; nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và của các cấp ủy, tổ chức đảng.
Sáu là, phát huy mạnh mẽ, hiệu quả vai trò của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân tham gia các hoạt động nâng cao BLCT của Đảng.
Nâng cao nhận thức của cán bộ, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân tham gia các hoạt động nâng cao BLCT của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng đẩy mạnh việc tuyên truyền, thuyết phục bằng các hình thức, phương pháp phù hợp với từng tổ chức và các tầng lớp nhân dân về việc tham gia vào các hoạt động nâng cao BLCT của Đảng, đem lại hiệu quả, làm cho các tổ chức đó và nhân dân nhận thức sâu sắc rằng đây là vinh dự, quyền lợi và trách nhiệm của mình; từ đó, tham gia tích cực, chủ động, thiết thực, hiệu quả hơn. Các cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, đủ năng lực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động nâng cao BLCT của Đảng. Thực hiện nghiêm các quyết định của Đảng về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát, phản biện xã hội; tạo thuận lợi cho các tổ chức này tham gia hiệu quả vào việc nâng cao BLCT của Đảng, để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, năng lực, trí tuệ, đạo đức lãnh đạo đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.
PGS, TS Đinh Ngọc Giang - TS Nguyễn Thị Thảo
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 301
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 27
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 555
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 335
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 338
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 320
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 321
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 312
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 243
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 612
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 333
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 290
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 92
(16) GS, TS. Tô Lâm: “Một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 1.050 (tháng 11-2024), tr. 3