Sức sống mới trên những vùng quê cách mạng của Thủ đô

Theo chiều dài lịch sử dân tộc, từng tên làng, tên xã của Thủ đô đều gắn liền với những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng nước, giữ nước. Không chỉ là hậu phương lớn mà còn là 'cái nôi' của các phong trào cách mạng tiêu biểu như: 'Chiếc gậy Trường Sơn', 'Ba đảm đang', nhiều vùng quê của Hà Nội đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Hôm nay, khi chiến tranh lùi xa, các làng quê giàu truyền thống năm xưa tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Thay đổi về hạ tầng, đời sống, kinh tế - xã hội cho thấy sức sống mới đang lan tỏa mạnh mẽ trên chính mảnh đất từng nhuốm mồ hôi và máu của ông cha...

Từ những phong trào cách mạng nổi bật...

Làng quê Hòa Xá hôm nay. Ảnh: Sơn Tùng

Làng quê Hòa Xá hôm nay. Ảnh: Sơn Tùng

Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, khi lớp lớp thanh niên lên đường ra trận, quê hương Hòa Xá (xã Thái Hòa, huyện Ứng Hòa) đã ghi dấu ấn sâu đậm với phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”. Từ chiếc gậy tre nhỏ bé đồng hành với bộ đội Trường Sơn khi băng rừng, vượt núi rồi chính chiếc gậy giản dị đó trở thành biểu tượng của ý chí kiên cường, của tình quê hương gửi niềm tin vào chiến thắng!

Ông Phùng Văn, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá (nay là xã Thái Hòa), chia sẻ: “Chiếc gậy Trường Sơn gắn bó với người lính như một phần máu thịt. Trên mỗi chặng hành quân, mỗi khi mệt mỏi, gian khổ, chiếc gậy lại nhắc nhở chúng tôi về hậu phương thân yêu luôn mong đợi, tin tưởng vào ngày chiến thắng".

Theo Phó Bí thư Thường trực xã Thái Hòa Đỗ Văn Tuyên, trong kháng chiến chống Mỹ, xã Hòa Xá (trước khi sáp nhập hành chính) còn nổi bật với phong trào “Chiếc nhẫn thủy chung” của các cô gái gửi gắm tấm lòng sắt son khi người yêu ra trận. Với nhiều đóng góp to lớn, năm 1973, Hòa Xá vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Một góc thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng hôm nay. Ảnh: Minh Phú

Một góc thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng hôm nay. Ảnh: Minh Phú

Không riêng Hòa Xá, phong trào cách mạng còn lan rộng ở nhiều vùng quê khác của Hà Nội. Tại huyện Đan Phượng – vùng đất vốn yên bình bên bờ sông Hồng lại chính là nơi khởi nguồn của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” – phong trào có sức ảnh hưởng sâu rộng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Theo lời của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy, tháng 1-1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, Hội đã xin phép Huyện ủy phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”. Chỉ sau một tuần, hơn 5.600 hội viên phụ nữ đã tự nguyện đăng ký tham gia. Phong trào nhanh chóng lan rộng toàn miền Bắc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đặt tên lại là "Ba đảm đang".

Phụ nữ Đan Phượng khi đó “tay cày, tay súng”, vừa lao động sản xuất, vừa chăm sóc gia đình, vừa sẵn sàng tham gia phục vụ chiến đấu khi cần. Họ đảm nhiệm cả phần việc của nam giới chăm lo ruộng vườn, dạy dỗ con cái, chăm sóc cha mẹ già. Cũng nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ ấy, Đan Phượng trở thành địa phương đầu tiên ở miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha, tạo tiếng vang lớn thời đó.

Bên cạnh phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ trong huyện còn thi đua với các mô hình: “Ba không, ba đảm”, “Nhuộm màn, dệt xô vì miền Nam”, “Hai con, ba cây” (gồm con lợn, con cá và cây trồng như lúa, ngô, dâu tằm) để hỗ trợ tiền tuyến. Những nỗ lực ấy đã góp phần to lớn vào Đại thắng Mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

...đến kiến tạo tương lai

Phụ nữ Đan Phượng chung tay xây dựng quê hương. Ảnh: Minh Phú.

Phụ nữ Đan Phượng chung tay xây dựng quê hương. Ảnh: Minh Phú.

Ký ức hào hùng của thời đạn bom luôn sống động trong tâm thức người dân các vùng quê cách mạng. Song song với việc bảo tồn các di tích, hiện vật lịch sử, nhiều địa phương linh hoạt lồng ghép truyền thống vào thực tiễn phát triển hôm nay.

Tại xã Thái Hòa, nhiều gia đình cựu chiến binh vẫn giữ gìn những kỷ vật chiến tranh như: "Gậy Trường Sơn", nhật ký hành quân, thư tay từ tiền tuyến… Những hiện vật ấy được trưng bày tại Bảo tàng “Quê hương phong trào Chiếc gậy Trường Sơn” – "địa chỉ đỏ" trong công tác giáo dục truyền thống.

“Chúng tôi không chỉ lưu giữ kỷ vật mà còn gắn truyền thống đó với thực tiễn đời sống thông qua các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, gìn giữ nếp sống làng quê văn minh”, ông Đỗ Văn Tuyên cho biết.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường được phát huy mạnh mẽ. Các địa phương như: Thái Hòa, Hòa Phú, Phù Lưu, Bình Lưu Quang… đang tiếp tục được sắp xếp để tái lập đơn vị hành chính Hòa Xá – vừa gìn giữ truyền thống, vừa mở rộng không gian phát triển.

Làng quê Hòa Xá hôm nay. Ảnh: Sơn Tùng

Làng quê Hòa Xá hôm nay. Ảnh: Sơn Tùng

Là huyện đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, Đan Phượng tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong khi đến nay, 100% xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, địa phương luôn chú trọng khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy vai trò của phụ nữ và nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.

Quê hương “người gái đảm” hôm nay đổi thay từng ngày. Những con đường liên thôn rộng rãi, bê tông hóa sạch sẽ, tuyến đường hoa rực rỡ, bức tường bích họa sống động, hàng cây xanh tỏa bóng... đang hiện hữu. Phát huy truyền thống, người dân nơi đây luôn nhạy bén thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ cao, mô hình nông nghiệp thông minh, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế hộ, xây dựng gia đình văn hóa, nuôi dạy con ngoan, học giỏi...

Có thể thấy, tại những mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, các vùng quê của Hà Nội đang viết tiếp những trang sử mới - trang sử của đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững. Đó là minh chứng sinh động cho chân lý: Truyền thống cách mạng mãi là niềm tự hào, là nền tảng sức mạnh trong tiến trình bảo vệ, xây dựng quê hương, Thủ đô và đất nước...

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/suc-song-moi-tren-nhung-vung-que-cach-mang-cua-thu-do-700891.html
Zalo