Các địa phương Đông Nam Bộ phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hai con số
Theo Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ có 3 tỉnh nằm trong 18 địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số và không có địa phương nào tăng trưởng dưới 8%.

Bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu tại cảng Bình Dương. Ảnh minh họa
Ngay từ đầu năm 2025, các địa phương đang nỗ lực tập trung triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cùng nhiều giải pháp thiết thực nhằm phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu được giao.
Nhiều lợi thế tăng trưởng
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên, từ cuối năm 2024, tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng giao phải đặt mục tăng trưởng từ 10% trở lên cho năm 2025. Đây là mục tiêu tăng trưởng lớn nhưng phải quyết tâm hoàn thành bằng được, bởi tăng trưởng của Đồng Nai còn có ý nghĩa góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nước. Sở phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát lại tất cả các nguồn lực, đề ra giải pháp mạnh để có thể huy động cho mục tiêu tăng trưởng cao.
Thực tế, ngay trong quý I/2025 này, kinh tế của tỉnh đã thu được nhiều kết quả khả quan, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số. Cụ thể, cảng Phước An đã chính thức đón chuyến tàu hàng quốc tế đầu tiên, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 đã hòa lưới điện quốc gia, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 4 có kế hoạch đốt lửa lần đầu tiên vào tháng 4/2025. Dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành đã thông xe đoạn từ nút giao Phước An (huyện Nhơn Trạch) ra Quốc lộ 51.
Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn, Đồng Nai đã có 4 khu công nghiệp tập trung quy mô được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong tháng 2 này, tỉnh thu hút được 14 dự án của nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 738 triệu USD, đạt trên 80% kế hoạch năm 2025. Việc các dự án, nhất là dự án giao thông trọng điểm quốc gia, đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, hoặc đã đi vào vận hành với giá trị lớn sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể cho mục tiêu tăng trưởng cao của tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, Bình Dương là mảnh đất “vàng” của vùng Đông Nam Bộ, một trung tâm công nghiệp, một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Với vị trí địa lý chiến lược, hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng, đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của chính quyền và nhân dân, Bình Dương đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong những tỉnh có động lực tăng trưởng mạnh mẽ hàng đầu cả nước, thu hút đầu tư, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, theo kế hoạch tăng trưởng năm 2025, dự kiến kịch bản tăng trưởng của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 10%, riêng ngành công nghiệp tăng trưởng trên 12% và dịch vụ tăng trên 10% so cùng kỳ năm 2024; quy mô nền kinh tế tỉnh ước đạt trên 572.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 195 triệu đồng/người.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương Phạm Văn Xô cho rằng, Bình Dương có lợi thế là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển mạnh nhất cả nước, là nơi hội tụ nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, môi trường đầu tư luôn được tỉnh quan tâm, cải thiện theo hướng minh bạch. Cùng đó, xuất khẩu tiếp tục được đánh giá là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của tỉnh... Những lợi thế này chính là niềm tin và động lực, tạo khí thế cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư và ổn định sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; đồng thời, tạo tiền đề cho tăng trưởng hai con số của Bình Dương trong năm 2025 và thời gian tới.
Đồng bộ giải pháp
Nhằm mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10%, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ngành và UBND huyện, thành phố tập trung xây dựng ngay kịch bản chi tiết về phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ cùng Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Đồng Nai sẽ đẩy mạnh thực hiện Đề án NetZero của tỉnh để thực hiện chuyển đổi xanh, có giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư Khu công nghiệp Hàng Gòn, các cụm công nghiệp Hàng Gòn, Quang Trung 1, Quang Trung 2 theo chuẩn khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh, sinh thái đáp ứng quy chuẩn Net-Zero; nắm bắt cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 xây dụng chính sách thu hút nhân tài trong và ngoài nước về sinh sống và làm việc tại Đồng Nai.
Cùng đó, Đồng Nai tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ thi công công trình dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn, trọng điểm của tỉnh như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3, Vành đai 4, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án Cảng Phước An… để sớm đưa vào khai thác, tạo động lực cho kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế đô thị, kinh tế vùng, liên kết vùng được đẩy mạnh; đồng thời, đề xuất Trung ương xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng…
Tại Bình Dương, không chờ đến khi Nghị quyết số 25/NQ-CP được ban hành, từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều diễn đàn, hội thảo, nhiều cuộc họp được UBND tỉnh tổ chức để huy động trí tuệ tập thể, tìm kiếm giải pháp đột phá từ chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước hiến kế để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương cùng quyết tâm thực hiện Kế hoạch tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Bình Dương cần tận dụng chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính mang tính cách mạng hiện nay và phương châm chỉ đạo về phân cấp phân quyền “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” xây dựng nền công vụ hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực của chính quyền địa phương. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, cần xây dựng và minh bạch hóa các dự án đầu tư theo phương châm “chính quyền kiến tạo phát triển” với công cụ số hóa toàn bộ quy trình thủ tục và dịch vụ hành chính công.
Các chuyên gia cho rằng, Bình Dương cần đẩy mạnh cải cách thể chế bằng cách xây dựng quy định và chính sách ưu đãi rõ ràng, minh bạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số, xây dựng hệ thống trung tâm dữ liệu, mạng lưới logistics thông minh và khu công nghiệp số hóa để tối ưu hóa hiệu suất kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh…