Chân dung chủ mới của chuỗi The Coffee House?
Golden Gate đang phải tái cấu trúc vì hoạt động kinh doanh không đạt kỳ vọng. Đơn vị này cũng chưa có dấu ấn đậm nét với thị trường trà - cà phê Việt Nam.

Golden Gate - "ông trùm" của các chuỗi lẩu nướng tại Việt Nam được cho là đã thâu tóm chuỗi cà phê The Coffee House từ Seedcom. Ảnh: Phương Lâm.
Theo DealStreetAsia, Golden Gate - chủ sở hữu một loạt thương hiệu F&B nổi tiếng tại Việt Nam như Gogi, Manwah, Kichi Kichi, Vuvuzela... được cho là đã thâu tóm chuỗi cà phê The Coffee House từ Seedcom.
Liên quan thương vụ thâu tóm này, Seedcom từ chối bình luận, trong khi một số nguồn tin cho biết The Coffee House đã về tay Golden Gate từ tháng 12 năm ngoái.
Đáng chú ý, thương vụ thâu tóm diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của The Coffee House lao dốc, liên tục thu hẹp số lượng cửa hàng. Trong khi đó, Golden Gate cũng đang gặp vấn đề trong hoạt động kinh doanh với kết quả thu về không đạt kỳ vọng.
Kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng
Golden Gate là một trong những "ông lớn" ngành F&B Việt Nam với hàng loạt thương hiệu nhà hàng nổi tiếng như Ashima, Kichi-Kichi, Gogi House, iSushi, Vuvuzela... Công ty này hiện quản lý và vận hành hơn 500 nhà hàng với trên 40 thương hiệu F&B tại 42 tỉnh, thành phố cả nước.
Với vai trò là chuỗi F&B lớn nhất Việt Nam, năm 2023, Golden Gate ghi nhận 6.289 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng gần 140 tỷ đồng. Gần như toàn bộ nguồn thu đều đến từ hoạt động bán thực phẩm và đồ uống.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh kể trên của Golden Gate đã giảm đáng kể so với năm liền trước với doanh thu suy giảm 10% và lợi nhuận sau thuế giảm tới 79%.
Kết quả này khiến công ty không hoàn thành cả 2 mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra cho năm 2023. Thậm chí, kế hoạch lợi nhuận năm 2023 vốn đã được Golden Gate đặt mục tiêu giảm 75% so với con số thực hiện của năm 2022.
Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh năm 2023 sụt giảm đến từ những biến động kinh tế vĩ mô khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, qua đó hạn chế nhu cầu ăn uống, tụ tập, giải trí.
Gần đây, Golden Gate đã phải đóng cửa nhiều chi nhánh hoạt động không hiệu quả. Trong đó, chuỗi lẩu Manwah đã ngừng hoạt động 2 chi nhánh tại Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) và Nguyễn Hoàng (Hà Nội); 3 chi nhánh trà sữa YuTang tại Hà Nội cũng lần lượt đóng cửa từ cuối năm ngoái.

Golden Gate đã phải đóng 3 chi nhánh YuTang tại Hà Nội. Ảnh: YuTang.
Gần đây, lãnh đạo Golden Gate đã thay đổi chiếc lược kinh doanh mới nhằm tái cấu trúc tập đoàn.
Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 30/12/2024, cổ đông Golden Gate đã thông qua nghị quyết không chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt, thay thế cho kế hoạch đã được phê duyệt tại phiên họp thường niên vào tháng 6/2024 trước đó.
Lý giải cho điều chỉnh này, lãnh đạo Golden Gate cho biết năm 2024-2025, công ty dự kiến triển khai các dự án đầu tư và mở rộng kinh doanh quy mô lớn trong và ngoài nước. Để có nguồn lực tối ưu, việc tập trung vốn rất quan trọng.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tại ngày 16/12/2024, Golden Gate có vốn điều lệ hơn 77,9 tỷ đồng. Danh sách cổ đông không được công bố chi tiết. Người đại diện pháp luật của công ty là ông Đào Thế Vinh, sinh năm 1972, đồng thời giữ chức Tổng giám đốc.
Còn theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, CTCP Golden Gate Partners đang là cổ đông lớn nhất của Golden Gate với 43,5% vốn. Bên cạnh đó, Chủ tịch công ty Trần Việt Trung cũng nắm trực tiếp 2,3% vốn, Tổng giám đốc Đào Thế Vinh nắm 5,45% vốn còn Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Tường nắm 3,03%.
Mới đây, CTCP Thương mại dịch vụ Trà Cà Phê VN - đơn vị vận hành The Coffee House - đã công bố ông Trần Việt Trung là người thay thế ông Ngô Nguyên Kha làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Dấu ấn mờ nhạt trên thị trường trà - cà phê
Dù là doanh nghiệp F&B lớn nhất trong nước, điểm mạnh của Golden Gate chủ yếu tập trung tại nhóm nhà hàng lẩu, nướng, bia tươi, trong khi ở thị trường trà - cà phê, công ty vẫn chưa sở hữu thương hiệu nào ấn tượng.
3 thương đồ uống thuộc danh mục quản lý của "ông lớn" này là The Coffee Inn, YuTang và Universal Tea, nhưng cả 3 chưa thể có chỗ đứng vững chắc trong thị trường cạnh tranh gay gắt.
The Coffee Inn là thương hiệu được Golden Gate mua lại vào cuối năm 2016. Đây là một trong chuỗi quán cà phê kem Italy đầu tiên và tạo nên trào lưu cà phê đá xay tại Hà Nội giai đoạn 2013.
Tuy nhiên, Golden Gate có phần chậm chân vì khi thực hiện M&A, The Coffee Inn đã trong trạng thái "kiệt sức" khi trào lưu đi qua. Sau đó, công ty này cũng không có nhiều động thái vực dậy thương hiệu khiến chuỗi dần rơi vào quên lãng.
Năm 2017, Golden Gate tiếp tục phát triểu YuTang - mô hình tiệm trà sữa kết hợp đồ ăn. Sau 8 năm hoạt động, chuỗi này chỉ có 11 cửa hàng - con số khiêm tốn so với tiềm lực vốn có của đại gia ngành F&B này.
Đến năm 2023, Golden Gate tiếp tục cho ra mắt thương hiệu Universal Tea. Hiện tại, chuỗi cũng chỉ có 5 cửa hàng tại Hà Nội - con số chưa đủ để tạo ấn tượng với khách hàng sau 2 năm hoạt động, đặc biệt nếu so với tốc độ mở mới của các chuỗi trà, cà phê mới nổi như Phê La hay Katinat...
Có thể thấy dù thành công trong lĩnh vực ẩm thực với loạt nhà hàng nổi tiếng song Golden Gate vẫn loay hoay trong việc phát triển chuỗi đồ uống.
Dù có thâu tóm được The Coffee House, giành lại thị phần trên thị trường trà, cà phê Việt vẫn là bài toán hóc búa với Golden Gate khi thị trường này quy tụ rất nhiều tên tuổi lớn với sự hậu thuẫn của các đại gia, tỷ phú phía sau như Highlands Coffee, Starbucks, Phúc Long, Phê La, Katinat...