Sức mạnh T-54, xe tăng được sản xuất nhiều nhất trên thế giới
Trang National Interest thống kê, T-54 là dòng xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử quân sự thế giới với ước tính khoảng 85.000-100.000 chiếc đã xuất xưởng.
Bối cảnh phát triển
Khi Thế chiến II chưa kết thúc, các kỹ sư quân sự Liên Xô đã bắt đầu nghiên cứu một dòng xe tăng mới thay thế cho chiến tăng T-34 và mẫu duy nhất có trong tay họ khi đó là T-44. Tuy xe tăng T-44 có hỏa lực sánh ngang biến thể T-34-85 khi cả hai đều sử dụng pháo ZiS-S-53 85mm, nhưng tầm hoạt động tối đa của T-44 (300km) lại kém hơn T-34-85 (485km).

Xe tăng T-44. Ảnh: Kskdivniy.ru
Khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, chỉ có 200 chiếc T-44 được sản xuất. Giới lãnh đạo Liên Xô khi đó đã yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng nước này chế tạo xe tăng mới lắp pháo cỡ nòng 100mm và T-44 được chọn làm cơ sở để phát triển khí tài này.
Sau đó cùng năm, nguyên mẫu xe tăng phát triển dựa trên T-44 với pháo cỡ nòng 100mm đã hoàn tất và được đưa vào thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm, các kỹ sư đã phát hiện nhiều nhược điểm trong thiết kế và tiến hành khắc phục. Sang các năm 1947 - 1948, mẫu xe tăng mới với tên gọi T-54 bắt đầu được sản xuất tại các nhà máy.

Hình dáng ban đầu của xe tăng T-54. Ảnh: Wikipedia
Thiết kế
Theo trang tin vũ khí Weaponsystems, T-54 có trọng lượng rỗng 34 tấn và tối đa là 36 tấn. Xe dài 6,04m; rộng 3,27m; cao 2,75m. Mẫu xe tăng đời đầu được trang bị động cơ diesel V-54 công suất 520 mã lực. Các biến thể sau được trang bị những động cơ mạnh hơn, thậm chí có loại được lắp động cơ 800 mã lực. Tốc độ di chuyển trên đường bằng phẳng của T-54 đạt 50 km/h, với phạm vi hoạt động tối đa lên tới 710km khi đủ nhiên liệu.

Cấu tạo bên trong T-54. Ảnh: Topwar.ru
T-54 được trang bị pháo D-10T cỡ nòng 100mm cùng 34 viên đạn cùng 2 súng máy đồng trục SGMT và DShK trên nóc, có cỡ nòng lần lượt là 7,62 x 54mm và 12,7 x 108mm. Với loại đạn xuyên giáp BR-412B có sơ tốc 895 m/s, T-54 có thể bắn thủng khoảng 150mm giáp đồng nhất (RHA) ở cự ly 1.000m.
Lịch sử hoạt động
Liên Xô từng xuất khẩu T-54 tới nhiều khu vực trên khắp thế giới và được sử dụng trong các cuộc xung đột ở những nơi đó. Chẳng hạn, các xe tăng T-54 của quân đội Ấn Độ vào tháng 11/1971 đã bắn cháy 3 xe tăng M24 Chaffee của Pakistan tại làng Garibpur (nay thuộc tỉnh Dhaka, Bangladesh). Tháng 12 cùng năm, các xe tăng T-54 của Ấn Độ đã phá hủy 9 xe tăng M48 của Pakistan trong 2 trận chiến mà không hứng chịu tổn thất nào.

Xe tăng T-54. Ảnh: Vitaly Kuzmin/Wikipedia
Trong trận đánh Basantar diễn ra từ ngày 4 - 16/12/1971, các xe tăng T-54 của nhiều đơn vị thiết giáp Ấn Độ đã phá hủy 46 xe tăng M48 của Pakistan. Trong trận chiến này, phía Ấn Độ chỉ tổn thất 10 chiếc T-54.
Cho đến nay, xe tăng T-54 vẫn được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột hiện đại, ngay cả ở Ukraine. Trang Militarnyi từng ghi nhận trường hợp Kiev khôi phục một vài chiếc T-54/T-55, vốn được dùng làm vật mẫu triển lãm từ lâu để đưa ra tiền tuyến ở Mariupol.
Tương lai của T-54 trong chiến tranh hiện đại
Vào thời điểm hiện tại, T-54 tỏ ra lép vế so với nhiều thiết giáp hiện đại hơn như T-72, T-90… Dù vậy, một số quốc gia với nền công nghiệp quốc phòng hùng hậu đã đưa ra các gói nâng cấp dành cho khí tài này, điển hình như biến thể M-55S đến từ Đông Âu.

Xe tăng M-55S. Ảnh: Army Recognition
M-55S dài 9,9m tính cả nòng pháo; rộng 3,5m khi được lắp các loại giáp bên sườn; cao 2,39m và nặng khoảng 38 tấn. Khác với phiên bản T-54/T-55 chỉ được lắp pháo cỡ nòng 100mm, M-55S được trang bị pháo L7/M68 sử dụng đạn 105mm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đồng thời, hệ thống điều khiển hỏa lực (I2)-EFCS3-M55 lắp trên xe có thể giúp xạ thủ bắn hạ mục tiêu đối phương với tỷ lệ chính xác cao hơn.