'Sức mạnh mềm' của văn hóa

Theo các chuyên gia, để sức mạnh mềm văn hóa thực sự trở thành trụ cột vững chắc trong chiến lược phát triển quốc gia, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và dài hạn. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia phải gắn liền với việc định vị giá trị văn hóa nổi bật và tạo ra các sản phẩm văn hóa đẳng cấp...

Những dấu ấn rõ nét

Trong những năm qua, sức mạnh mềm văn hóa đã thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau mang lại dấu ấn tích cực. Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, các tác phẩm điện ảnh như “Bên trong vỏ kén vàng”, “Song Lang”, “Hai Phượng”… đã tạo được tiếng vang và nhận được đánh giá tích cực từ giới chuyên môn quốc tế.

Còn các loại hình nghệ thuật truyền thống như nhã nhạc cung đình, hát xoan, quan họ, ca trù… thường xuyên được giới thiệu tại các sự kiện giao lưu văn hóa và lễ hội quốc tế, góp phần khẳng định giá trị độc đáo của văn hóa Việt.

CLB ca trù Chanh Thôn biểu diễn tại Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội lần thứ 2 tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: M.H

CLB ca trù Chanh Thôn biểu diễn tại Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội lần thứ 2 tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: M.H

Trong lĩnh vực du lịch, Việt Nam đã khai thác hiệu quả các di sản được UNESCO công nhận như: vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Huế… nhằm phát triển du lịch bền vững. Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá các điểm đến nổi tiếng, Việt Nam còn đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng và trải nghiệm văn hóa bản địa. Những hoạt động này đang ngày càng thu hút du khách quốc tế, giúp họ khám phá sâu sắc hơn về đời sống, con người và chiều sâu văn hóa Việt Nam.

Song hành với du lịch, ẩm thực Việt Nam cũng trở thành một kênh quan trọng trong việc lan tỏa hình ảnh đất nước ra thế giới. Những món ăn như phở, bún chả, bánh mì, nem cuốn… không chỉ phổ biến rộng rãi mà còn được xem là biểu tượng văn hóa trên bản đồ ẩm thực quốc tế. Đặc biệt, các tuần lễ ẩm thực Việt Nam tổ chức tại đại sứ quán ở nhiều quốc gia đã thu hút sự quan tâm của truyền thông và thực khách, tạo dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế.

Và không thể không nhắc tới vai trò của công nghệ số và mạng xã hội trong việc lan tỏa văn hóa Việt. Sự phổ biến của các nền tảng như TikTok, YouTube, Facebook… đã tạo điều kiện để hàng loạt video giới thiệu về ẩm thực, danh lam thắng cảnh, tập quán và nghệ thuật dân gian Việt Nam tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi đến cộng đồng toàn cầu.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam khẳng định, “sức mạnh mềm” không đơn thuần là một khái niệm mà là yếu tố cốt lõi để nâng cao hình ảnh quốc gia, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển toàn diện của đất nước.

Với bản sắc văn hóa đa dạng và đậm đà, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế để chuyển hóa giá trị văn hóa thành sức mạnh mềm phục vụ mục tiêu hội nhập và nâng tầm vị thế quốc gia.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc khai thác sức mạnh mềm văn hóa là con đường hiệu quả để xây dựng thương hiệu quốc gia và thúc đẩy kinh tế sáng tạo. Sức mạnh mềm văn hóa sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là cầu nối đưa Việt Nam ra thế giới, khẳng định vị trí và bản sắc của dân tộc trên trường quốc tế.

Cần có chiến lược bài bản

Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng việc khai thác văn hóa không tránh khỏi những rào cản và thách thức. Một trong những vấn đề lớn là sự thiếu đồng bộ trong chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại. Nhiều hoạt động văn hóa còn mang tính tự phát, thiếu phối hợp giữa các ngành và địa phương.

Ngoài ra, Việt Nam hiện còn thiếu những sản phẩm văn hóa mang tính biểu tượng cao như các bộ phim điện ảnh, chương trình truyền hình hay nhạc phẩm có sức lan tỏa mạnh mẽ ra thế giới. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đang đi đầu trong công nghiệp văn hóa, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt.

Theo các chuyên gia, để sức mạnh mềm văn hóa thực sự trở thành trụ cột vững chắc trong chiến lược phát triển quốc gia, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và dài hạn. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia phải gắn liền với việc định vị giá trị văn hóa nổi bật và tạo ra các sản phẩm văn hóa đẳng cấp có thể chinh phục thị trường quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, Việt Nam cần chuyển hóa tài nguyên mềm văn hóa qua kênh phù hợp tạo sức hấp dẫn, thu hút trong quan hệ quốc tế. Mục tiêu tổng thể là bảo vệ bản sắc, xây dựng thương hiệu, tăng sức hút, quảng bá hình ảnh, nâng cao cạnh tranh và vị thế quốc gia.

Về các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là điện ảnh, NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng đây là yếu tố then chốt giúp ngành điện ảnh Việt Nam phát triển và đổi mới, bắt kịp với những nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới.

Theo ông, các hoạt động này cần được cụ thể hóa thông qua nhiều chính sách thiết thực như: xây dựng định mức chiếu phim, cải tiến cơ chế nhập khẩu phim, nới lỏng kiểm duyệt có chọn lọc, thành lập các quỹ điện ảnh mang tầm vóc quốc gia, cũng như tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu theo chuẩn mực kỹ năng của điện ảnh quốc tế.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích các đoàn làm phim nước ngoài – đặc biệt từ những quốc gia có nền điện ảnh phát triển – đến quay phim tại Việt Nam không chỉ tạo cơ hội học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm phim trong nước mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, kích thích phát triển du lịch và mang lại giá trị kinh tế lâu dài.

Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đây là thời điểm mà Việt Nam có thể tận dụng những giá trị văn hóa của mình để khẳng định vị thế trên trường quốc tế, nhưng điều này đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và sáng tạo. Chúng ta cần hiểu sâu sắc về những giá trị cốt lõi làm nên sức mạnh mềm của Việt Nam. Đó là nền văn hóa đậm đà bản sắc, lịch sử hào hùng, con người cần cù, nhân hậu và khát khao hòa bình.

“Để phát huy những giá trị này, không chỉ đơn thuần lưu giữ mà còn phải tái hiện chúng theo những cách phù hợp với thời đại, để thế giới không chỉ nhìn thấy một Việt Nam truyền thống mà còn thấy một Việt Nam năng động, hiện đại và sáng tạo” - ông Sơn nhấn mạnh.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/suc-manh-mem-cua-van-hoa-10303927.html
Zalo