Sức khỏe người dân và những chiếc phong bì
Vụ án liên quan đến cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cùng nhiều cán bộ bị khởi tố vì hành vi nhận tiền 'lobby' của doanh nghiệp để cấp phép 'hợp thức hóa' cho số lượng lớn thực phẩm chức năng giả, không chỉ là một vụ án kinh tế đơn thuần khi mà những người được giao nhiệm vụ 'giữ cửa' lại âm thầm mở toang cánh cửa cho hàng giả thâm nhập hợp pháp vào đời sống.
Lời khai của Nguyễn Thanh Phong trước cơ quan điều tra phơi bày một thực tế nhức nhối: “Sau khi đi hậu kiểm về, anh Cao Văn Trung (Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc) đưa cho tôi phong bì 50 triệu, nói là doanh nghiệp cám ơn. Trong 4 lần đi cấp chứng nhận GMP và cấp lại cho 2 nhà máy và 1 lần hậu kiểm, Trung đã đưa cho tôi tổng cộng 250 triệu đồng”. Rất rõ ràng, bị cáo đã từng là Cục trưởng bình thản thú nhận hành vi nhận tiền như thể là “chuyện tất yếu trong quy trình làm việc”.
Thực phẩm giả vốn đã rất đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn khi nó lại được hợp pháp hóa bởi những người có đầy đủ kiến thức, chức vụ và quyền hạn nhưng lại không ngăn chặn nó. Và khi con dấu được dùng để hợp thức hóa sai phạm, khi chức trách bị biến thành cơ hội đổi chác thì không chỉ sức khỏe cộng đồng bị đe dọa mà niềm tin cũng trở nên mong manh.
Từ năm 2016, những doanh nghiệp như MediPhar, Mediusa đã sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng khổng lồ, dưới sự “tiếp tay” của một số cán bộ có chức, có quyền. Họ không cần đầu tư công nghệ hay đảm bảo chất lượng, không cần khắc phục các lỗi, bởi điều họ cần đã “mua” được rồi: Giấy chứng nhận đạt chuẩn GMP, giấy công bố sản phẩm, sự im lặng của người kiểm tra, sự bỏ qua các sai phạm của người hậu kiểm. Chưa bao giờ quy trình cấp phép cho một sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người lại bị rút gọn đến mức trơ trẽn như vậy.
Điều khiến người ta giật mình là cách vận hành trơn tru của một đường dây gian dối kéo dài suốt nhiều năm. Vì sao không bị phát hiện? Vì sao không bị ngăn chặn từ sớm? Câu trả lời, có lẽ, nằm trong sự thờ ơ, có thể gọi nôm na là một dạng “đồng lõa” của những người có liên quan. Khi kiểm tra chỉ là hình thức, khi hậu kiểm chỉ mang tính tượng trưng, khi người có trách nhiệm “nhắm mắt làm ngơ” thì gian dối chỉ cần một lớp giấy là đã có thể qua mặt hệ thống. Và, nếu không có một cuộc điều tra quyết liệt từ Bộ Công an, có thể hàng loạt sản phẩm giả vẫn đang tiếp tục được cấp phép và người dân vẫn vô tư tiêu thụ thực phẩm giả trong niềm tin bị lừa dối.
Pháp luật có thể xử lý một vài người trong vụ án nêu trên. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì những vụ việc tương tự sẽ có thể lặp lại, với những cái tên mới, doanh nghiệp mới, hình thức mới. Muốn thay đổi, cần nhìn thẳng vào vấn đề: đó là một cơ chế kiểm soát có quá nhiều khe hở, một quy trình cấp phép đặt nặng quan hệ và sự dễ dãi. Mỗi chữ ký trên giấy phép cần phải đi kèm với trách nhiệm rõ ràng. Trên hết, là phải xây dựng lại một hệ thống nơi đạo đức công vụ không chỉ là lời nói, mà là ranh giới không thể vượt qua.
Dẫu biết, khó có thể một hệ thống nào hoàn hảo 100%. Nhưng hệ thống quản lý lĩnh vực liên quan đến sức khỏe nhân dân không được phép cẩu thả, dễ dãi và càng không thể bị chi phối bởi những chiếc “phong bì”. Vụ án này cần được coi là “vụ án điểm” để làm gương, để thanh lọc hệ thống và để khôi phục niềm tin. Bởi nếu không, những người dân sẽ tiếp tục sống trong tâm thế hoang mang mỗi lần mở nắp một hộp thuốc, thực phẩm chức năng, không biết đó là thứ chữa bệnh, hay thứ khiến họ bệnh thêm.
Bên cạnh đó, cần phải minh bạch hóa toàn bộ quy trình từ thẩm định đến cấp phép, hậu kiểm. Mọi dữ liệu cần được số hóa, công khai. Phải có cơ chế giám sát độc lập, thay vì để mọi quyền lực tập trung trong tay một nhóm nhỏ. Người dân, đối tượng cuối cùng phải gánh chịu hậu quả cũng cần được trao quyền phản ánh, giám sát thực chất. Sức khỏe cộng đồng không thể bị đặt vào tay những người dễ lung lay bởi lợi ích. Mỗi viên thực phẩm giả được lưu hành là một vết rạn trong niềm tin xã hội. Nếu không được xử lý đến tận gốc, thì nỗi lo “ăn gì để không… chết sớm” sẽ không chỉ là một câu nói bi quan, mà vẫn treo lơ lửng trên đầu mỗi gia đình.