Sức bật giảm nghèo từ các chương trình mục tiêu quốc gia ở Kiên Giang
Những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tiêu biểu là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình 1719), tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều dự án mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống của đồng bào DTTS. Các chương trình hỗ trợ sinh kế, các dự án đặc thù... của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Nhờ tham gia lớp học nghề đan giỏ bàng, bà Thị Sa Ry (bên phải) tạo ra thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng. Ảnh: Phan Bình
Huyện biên giới Giang Thành là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm qua, hàng trăm hộ dân người DTTS đã tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Trước đây, gia đình bà Thị Sa Ry, ở ấp Mẹc Lung, xã Vĩnh Phú sống bằng nghề độc canh cây lúa, cuộc sống rất bấp bênh và thuộc diện hộ nghèo. Bà được Chi hội Phụ nữ ấp giới thiệu tham gia học lớp kỹ thuật chăn nuôi bò và đan giỏ bàng để có việc làm lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Đầu năm 2023, bà Sa Ry được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giang Thành cho vay 50 triệu đồng (theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ). Với nguồn vốn này, bà mua 2 con bò cái giống và nguyên liệu cỏ bàng về đan giỏ. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò và đan sản phẩm giỏ bàng kết hợp với trồng lúa, chỉ sau hơn 2 năm, kinh tế gia đình bà Sa Ry đã ổn định hơn.
Bà Thị Sa Ry phấn khởi nói: “Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi mà gia đình tôi thoát nghèo, cuộc sống khấm khá hơn trước. Với nghề đan sản phẩm giỏ bàng truyền thống, hằng tháng, gia đình tôi thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống. Riêng nuôi bò sinh sản, hằng năm bán gần 25 triệu đồng và đàn bò đang tiếp tục phát triển”.
Ông Danh Rết, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú cho biết: “Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững, bên cạnh việc triển khai đầy đủ các chính sách, Vĩnh Phú chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các hộ nghèo, cận nghèo tích cực lao động, nêu cao ý chí vươn lên. Cùng với đó, chính quyền xã tìm hiểu từng hoàn cảnh, điều kiện gia đình để định hướng lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, hỗ trợ vốn, cây, con giống, phương tiện và cử cán bộ xã, ấp thường xuyên theo dõi, hỗ trợ bà con làm ăn hiệu quả. Nhờ vậy, đến cuối năm 2024, Vĩnh Phú còn 23 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 1,5%), trong đó chủ yếu là hộ dân tộc Khmer”.

Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bà Neáng Sà Gom (bên phải) đã tích cực chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Bình
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Kiên Giang, các hộ DTTS nghèo, cận nghèo đã không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Thay vào đó, đồng bào DTTS đã tiếp cận được những tư duy đổi mới, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Là hộ nghèo được hỗ trợ từ dự án giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, bà Neáng Sà Gom (ấp Hòa An, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao) phấn khởi cho biết, giữa năm 2022, gia đình bà được hỗ trợ 2 con trâu cái, đến nay, trâu đã sinh sản được 4 con nghé. Ngoài chăm sóc đàn trâu, chồng bà còn làm các nghề tự do như làm hồ, đắp bờ, phun thuốc, bón phân, dặm lúa... “Sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước đã tạo thêm niềm tin, động lực để vợ chồng tôi chí thú làm ăn. Hiện tại, cuộc sống gia đình tôi cũng đủ đầy hơn. Mới đây, chính quyền đã hỗ trợ kinh phí xây nhà ở dành cho hộ Khmer có hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng tôi cũng yên tâm hơn” - bà Sà Gom nói.
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang được Trung ương phân bổ nguồn vốn trên 66,6 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến cuối năm 2024, mỗi năm, Kiên Giang giảm hơn 2.000 hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào Khmer. Hằng năm, có khoảng 4.000 người dân tộc Khmer tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và học nghề, qua đó giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động/năm.
Ông Danh Phúc, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Kiên Giang cho biết: Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, nhận được sự quan tâm, đồng thuận của xã hội. Với quyết tâm chính trị cao nhất, Kiên Giang tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình 1719.
Với quyết tâm chính trị cao nhất, các ngành đã thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho các hộ nghèo, cận nghèo theo hướng chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách và dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phân bổ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương và đối ứng ngân sách tỉnh cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố để thực hiện. Các đơn vị đã xác định được nhiệm vụ trọng tâm, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách, dự án có liên quan như kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường, trường, trạm, nước sạch, hỗ trợ sinh kế người dân..., tạo được sự chuyển biến phát triển về nhiều mặt tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.
“Kiên Giang đề ra mục tiêu phấn đấu nâng thu nhập bình quân của người DTTS đến cuối năm 2025 tăng hơn 2 lần so với năm 2020 (hơn 70 triệu đồng/người/năm); hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 1,5-2%/năm, phấn đấu có ít nhất 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn” - ông Danh Phúc chia sẻ.