Sửa Luật Tổ chức Chính phủ để khắc phục tình trạng đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng

Bộ trưởng Nội vụ cho rằng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) phân định thẩm quyền của các cơ quan, khắc phục tình trạng đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng như hiện nay.

Sáng 14/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Đây là một trong bốn dự án luật được Quốc hội xem xét sớm thông qua để phục vụ công tác sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.

Phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cảm ơn các ý kiến sôi nổi, trách nhiệm và tâm huyết, thiết thực để ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội ấn nút thông qua tại kỳ họp này.

"Vấn đề cốt lõi của luật là phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Trong đó, phân quyền được quy định trong luật, đảm bảo tính pháp lý cao nhất; phân cấp được quy định trong các văn bản pháp luật dưới luật, linh hoạt trong điều hành; ủy quyền được quy định qua các văn bản hành chính, giúp xử lý nhanh các vấn đề thực tiễn", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chỉ rõ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Media Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Media Quốc hội)

Theo Bộ trưởng Nội vụ, căn cứ vào nguyên tắc này, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính đồng bộ trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước.

"Luật cũng minh định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, khắc phục tình trạng đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng như hiện nay", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, Luật Tổ chức Chính phủ là đạo luật gốc của nền hành chính Nhà nước và việc sửa luật này được thực hiện vào thời điểm lịch sử. Vì vậy, luật sửa đổi mang ý nghĩa chính trị, xã hội, pháp lý và lịch sử khi chúng ta đang thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gắn với hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, gắn với tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là điểm nghẽn về thể chế để khơi thông nguồn lực để đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.

"Nguyên tắc xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần này là “mới lắm, toàn diện lắm”, với tư duy hoàn toàn mới về việc xây dựng hệ thống luật pháp của Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội. Đó là luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc chung để đảm bảo giá trị, sức sống của dự án luật và quan trọng là đảm bảo yêu cầu vừa thực hiện mục tiêu quản lý Nhà nước, vừa thực hiện mục tiêu kiến tạo phát triển. Vì vậy, ban soạn thảo bám sát nguyên tắc này, nhiều đại biểu Quốc hội rất đồng tình với thiết kế của luật", bà Trà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, vấn đề giao thoa giữa Luật Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ được giải quyết căn bản trong lần sửa đổi này.

Dự luật hoàn thiện được nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền theo hiến định và chủ trương của Đảng. Từ đó, tạo sự chủ động, sáng tạo để thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của 3 hệ thống hành chính Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương. Đồng thời, việc này tạo hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ những rào cản để phân quyền, phân cấp và phân định nhiệm vụ cụ thể đang hiện hữu trong các luật chuyên ngành.

“Vừa qua, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội, chúng tôi đã tiến hành rà soát để thực hiện phân cấp, phân quyền, thì phát hiện những điểm “rất vướng”. Tại sao không làm được phân cấp, phân quyền? Vì luật chuyên ngành quy định rõ thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng. Rà soát 257 luật thì có tới 177 luật quy định cụ thể nội dung này, đồng thời quy định rất rõ nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, của HĐND các cấp… Đây là sự chồng chéo, khó để thực hiện phân cấp, phân quyền”, Bộ trưởng giải trình cụ thể.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, các luật chuyên ngành phải đi theo nguyên tắc này để thực hiện phân quyền, phân cấp, ủy quyền và làm rõ được đối tượng, chủ thể, phạm vi, nội dung theo từng các cấp độ khác nhau. Đồng thời, dự luật cũng quy định điều khoản rất quan trọng đó là “bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ căn cứ vào nguyên tắc này để khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện theo quy định về phân quyền, phân cấp và ủy quyền”.

Bà Trà khẳng định, đây là vấn đề rất mới nhưng phải đặt trong bối cảnh đặc biệt của đất nước, nếu không làm như vậy thì không thể tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, rào cản lớn nhất để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Chúng ta lấy con người làm trung tâm, làm mục tiêu, là chủ thể độc lập phát triển; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân vì đây là mục tiêu của thể chế, của chế độ khi tất cả vì Nhân dân, vì sự phát triển của con người”, Bộ trưởng Trà nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân. (Ảnh: Media Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân. (Ảnh: Media Quốc hội)

Trước đó, góp ý xây dựng dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng quy định "địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" nhưng lại không xác định việc nào thuộc trách nhiệm địa phương sẽ dẫn đến rắc rối trong điều hành.

Đơn cử như khi thực thi Luật Quy hoạch, một số địa phương khi lập quy hoạch tỉnh đã bỏ sót nhiều nhà máy nước đang hoạt động trên địa bàn. "Thủ tướng đã phê duyệt, nhà máy nước muốn mở rộng không được vì không nằm trong quy hoạch, muốn điều chỉnh phải trình Thủ tướng", ông Huân nói.

Cho rằng đây là biểu hiện của việc không phân định rõ quyền hạn giữa Thủ tướng, địa phương, gây cản trở sản xuất, kinh tế. Do đó, ông Huân đề nghị quy định rõ những hoạt động kinh tế của địa phương do HĐND tỉnh quyết định và các nhiệm vụ giao Chủ tịch UBND tỉnh, huyện quyết.

"Thủ tướng chỉ nên quyết định những vấn đề liên bộ, ngành hoặc dự án lớn, tránh chuyện vận hành hồ thủy điện, xả nước cho nông nghiệp cũng phải trình Thủ tướng quyết như thời gian qua", đại biểu Huân nêu vấn đề.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/sua-luat-to-chuc-chinh-phu-de-khac-phuc-tinh-trang-day-viec-len-chinh-phu-thu-tuong-ar925798.html
Zalo