Sửa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật: Mong bỏ bớt giấy phép con cho doanh nghiệp

Chiều 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đại biểu quốc hội cho biết, doanh nghiệp nhiều ngành mong được bãi bỏ các loại 'giấy phép con'.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhận xét, sau 17 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã bộc lộ nhiều bất cập, ví dụ như hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thiếu sự thống nhất dẫn đến việc áp dụng các yêu cầu kỹ thuật có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các bộ, ngành liên quan.

Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật ban hành cũng chưa kịp thời đáp ứng được xu thế phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu của thị trường. Nhiều lĩnh vực chưa có những tiêu chuẩn, thủ tục còn phức tạp… Những yếu tố này gây khó khăn trong việc đưa các sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV nhận định về luật hiện hành như sau: "Một số quy định làm phát sinh ra giấy phép con hoặc quy định thủ tục hành chính chưa hợp lý. Có trường hợp quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng còn lạc hậu, không phù hợp, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất của người dân và doanh nghiệp".

Lấy ví dụ trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, các sản phẩm này đều thuộclĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Ví dụ, thuốc thú y đang được quản lý rất nghiêm ngặt, sản xuất phải tuân thủ tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt của WHO. Tuy vậy, để được tổ chức sản xuất và cấp phép, lưu hành trên thị trường thì từng sản phẩm lại phải đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành bởi Cục Thú y chứng nhận sự phù hợp với các tiêu chuẩn quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đây là minh chứng cho việc yêu cầu buộc các doanh nghiệp phải công bố hợp quy một số các sản phẩm có vướng mắc, trùng lắp và hình thức.

“Quy định giống như một giấy phép con, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, dễ dàng phát sinh những tiêu cực, làm tăng giá thành của sản phẩm”, đại biểu lo ngại.

Theo đại biểu, hiện nay, một sản phẩm khi công bố quy chuẩn phải mất khoảng 20 - 30 triệu đồng, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Đại biểu cho rằng, nên bỏ quy định phải công bố hợp quy cho thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi ra khỏi quy định như dự thảo (sửa Điều 28 luật hiện hành).

Về vấn đề này, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh về việc các sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật đã được sản xuất trong các nhà máy có cơ sở vật chất và quy trình sản xuất được các cơ quan chức năng đánh giá, công nhận đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế nhưng vẫn phải công bố hợp quy cho từng sản phẩm mới được phép lưu hành.

Như vậy, quy định công bố hợp quy sản phẩm trước khi được phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm là thừa và hình thức. Vì để công bố hợp quy sản phẩm, các tổ chức được chỉ định lại đến các nhà máy đánh giá cơ sở, quy trình sản xuất và lấy mẫu thử nghiệm có nghĩa lặp lại các công việc của tổ chức đã đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Mặt khác, việc quyết định sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật phải công bố khi lưu hành đã buộc 100% các lô hàng hóa, sản xuất, nhập khẩu chỉ hoàn thành thủ tục thông quan vẫn được phép lưu hành khi có kết quả công bố hợp quy. Điều này đã làm phát sinh bất cập là 100% các lô hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra chất lượng mới được phép thông quan. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng phương pháp hậu kiểm hoặc thừa nhận lẫn nhau hoặc kiểm tra xác suất với tần suất không quá 5% số lô hàng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tốn kém thêm nhiều chi phí cho thời gian chờ làm thủ tục và các chi phí lưu kho, lưu bãi…

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cũng cho rằng, nên chuyển sang hướng hạn chế phải làm hợp quy đối với các doanh nghiệp sản xuất, tăng cường câu chuyện hậu kiểm để giúp giảm chi phí cho nền kinh tế.

Cũng theo đại biểu, hiện chúng ta có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và 800 quy chuẩn. Việc thiết kế tiêu chuẩn, quy chuẩn có thể gặp phải xu hướng là xây dựng quá chi tiết, quá thừa, tăng chi phí tuân thủ, có thể còn lạc hậu khi công nghệ vật liệu sử dụng đã thay đổi hoặc khi có tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp hơn với thực tiễn, hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng chậm được ban hành để áp dụng.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung một điều quy định cơ chế thúc đẩy sáng kiến cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ chế giám sát của cộng đồng, của Quốc hội; trách nhiệm giải trình của cơ quan ban hành để đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia luôn được cải tiến theo hướng phù hợp với hội nhập quốc tế, dễ thực hiện, chi phí tuân thủ tối ưu, có không gian sáng tạo để thúc đẩy áp dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu mới trong thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn…

Hồi âm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết sẽ tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu. Bộ trưởng cũng khẳng định hiện nay không hề có sự chồng chéo giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với các luật chuyên ngành khác về thủ tục công bố hợp quy.

Đúng là hiện có tình trạng doanh nghiệp phải thực hiện cùng một lúc hai hoặc nhiều thủ tục song Bộ Khoa học và Công nghệ thấy rằng nếu bỏ thủ tục công bố hợp quy thì không khác nào Việt Nam bỏ quy chuẩn kỹ thuật.

Mặt khác, việc bỏ thủ tục công bố hợp quy hay quy chuẩn kỹ thuật sẽ đi ngược lại với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế, đồng thời gây rủi ro mất an toàn khi có những sản phẩm, hàng hóa không có biện pháp quản lý chất lượng nào khác ngoài quy chuẩn kỹ thuật. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, làm rõ thêm quy định này.

Về ý kiến của đại biểu về bổ sung cơ chế hậu kiểm với mức độ rủi ro của sản phẩm, bổ sung việc khuyến khích sáng kiến cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn..., Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhất trí sẽ tiếp thu.

H.T

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sua-luat-tieu-chuan-va-quy-chuan-ky-thuat-mong-bo-bot-giay-phep-con-cho-doanh-nghiep-d231224.html
Zalo