Tạm thời thoát hiểm
Đó là cách nói ví von của các doanh nghiệp và người nuôi tôm về quyết định hoãn thuế đối ứng trong vòng 90 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi đây là khoảng thời gian vàng, là lối mở cho các hợp đồng giao hàng trong quý II được hoàn thành đúng hạn. Không những thế, đây còn là khoảng thời gian quý báu để doanh nghiệp chuẩn bị cho mình những bước đi tiếp theo trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Cho đến thời điểm này, theo chia sẻ từ doanh nghiệp ngành tôm, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ giao hàng thuộc các đơn hàng giao trong quý II cho các đối tác tại thị trường Mỹ. Nguyên nhân là do thời gian vận chuyển từ Việt Nam đến Mỹ mất khoảng 38 - 45 ngày, nên doanh nghiệp chỉ còn khoảng 40 - 45 ngày để thu mua, chế biến (tính từ ngày quyết định hoãn thuế có hiệu lực - PV). Đây là khoảng thời gian khá ngắn, cộng thêm nguồn tôm dự trữ ít, còn nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước cũng không nhiều (do vụ nuôi đầu năm khó khăn), giá tôm trong nước tăng cao nên rất khó để thực hiện các hợp đồng mới.

Dù không ồ ạt, nhưng người nuôi tôm đã tự tin tiếp tục thả nuôi vụ mới khi giá tôm vẫn còn ở mức cao. Ảnh: TÍCH CHU
Tình hình xuất khẩu vẫn chưa hết khó. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giao hàng sang Mỹ trước thời gian hoãn thuế đối ứng, các doanh nghiệp đang tập trung tìm đường thoát hiểm mới cho riêng mình một khi tình huống xấu nhất là buộc phải rời bỏ thị trường Mỹ xảy ra. Cũng theo các doanh nghiệp, dù tỷ suất lợi nhuận ở thị trường Mỹ là không cao, nhưng một khi mất thị trường này, chắc chắn doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ giảm sút. Còn về con số ảnh hưởng cụ thể đến doanh số, lợi nhuận nếu phải rút khỏi Mỹ, theo các doanh nghiệp, đến hiện tại chưa thể nói trước được điều gì mà tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể của mỗi doanh nghiệp. Đây là điều mà doanh nghiệp không hề mong muốn, nhưng các kịch bản, phương án cho tình huống buộc phải rời bỏ thị trường Mỹ vẫn phải được chuẩn bị một cách chu đáo để không phải bị động.
Vụ nuôi tôm đầu năm 2025 tiếp tục là vụ nuôi đầy khó khăn, thách thức và nếu để “chỉ mặt, đặt tên” những khó khăn, thách thức đó là gì thì người nuôi tôm sẽ không ngần ngại nói ngay: “Thời tiết và dịch bệnh”. Điều này được thể hiện qua lượng con giống cung ứng ra thị trường cao, nhưng lượng thức ăn thì không tương ứng. Theo các đại lý, đầu năm đến nay, chỉ bán được thức ăn cho khách hàng trong 1 - 2 tháng, mà nguyên nhân là tôm nuôi bị dịch bệnh EHP, TPD và có cả bệnh mới xuất hiện rất nguy hiểm là PDD vừa được các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ công bố. Tuy nhiên, nhờ giá tôm giữ ở mức cao ngay từ đầu năm, nên chỉ cần có tôm để thu hoạch thì người nuôi gần như cầm chắc có lãi. Đây cũng chính là động lực tinh thần lớn, góp phần đưa diện tích thả nuôi sau 4 tháng đầu năm ước đạt trên 612 ngàn hécta và sản lượng tôm đã thu hoạch hơn 250 ngàn tấn.
Trong khi người nuôi đang gồng mình tìm đủ mọi cách vượt qua dịch bệnh để có tôm thu hoạch, thì nỗi lo mới mang tên “thuế đối ứng” lại xuất hiện vào những ngày đầu tháng 4. Ngay sau khi mức thuế trên được công bố, giá tôm một số kích cỡ lập tức giảm mạnh, thậm chí có loại giảm trên 20.000 đồng/kg, khiến người nuôi càng thêm lo. Rất may, việc hoãn thực hiện mức thuế trên cũng đến liền ngay sau đó, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ tôm trong nước tăng, nên giá tôm đã phục hồi trở lại cho đến tận tháng 5 này. Câu chuyện thuế đối ứng lan rất nhanh từ doanh nghiệp xuất khẩu đến người nuôi tôm, khiến không ít hộ nuôi lo lắng chỉ dám thả nuôi cầm chừng nên số diện tích thả nuôi trong tháng 4 và đầu tháng 5 này có phần chậm lại dù giá tôm vẫn còn ở mức cao và các doanh nghiệp cung ứng con giống tăng cường khuyến mãi tặng 30%, 50%, thậm chí đến 100% con giống.
Lo lắng, kỳ vọng và động viên nhau là tất cả những gì mà người nuôi tôm có thể làm trong khi chờ đợi một kết quả đàm phán tốt đẹp về thuế đối ứng. Và chính điều này đã giúp cho lượng tôm thu hoạch mỗi ngày dù chưa thể nói là dồi dào nhưng cũng giúp các nhà máy có lượng tôm nhất định duy trì sản xuất. Nếu giá tôm tiếp tục duy trì như hiện nay, người nuôi sẽ vẫn tiếp tục thả giống vụ mới, dù không ồ ạt, nhưng cũng đáp ứng nguồn cung nhất định cho các nhà máy khi bước vào cao điểm chế biến xuất khẩu vào tháng 8 - 10 tới đây.
Doanh nghiệp và người nuôi tôm đang tạm thời thoát hiểm và cho dù cơ hội là không nhiều, nhưng tất cả đều tranh thủ nắm bắt để có thể biến cơ hội thành hiệu quả một cách rõ ràng nhất trong năm sản xuất, kinh doanh này. Hy vọng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với ngành tôm nói chung và người nuôi tôm nói riêng để tất cả có thêm động lực, thêm niềm tin, cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn, thách thức và về đích an toàn trong vụ tôm 2025 này.